[Tết 2023] Dạo quanh châu Á – Đón Tết cổ truyền

Mỗi quốc gia mang một “màu” văn hoá, và vì vậy, các phong tục, tập quán của người dân mỗi nơi khi Tết đến, Xuân về đều có những nét đặc sắc, thú vị riêng.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

alt text

Lễ Xuân tiết, người Trung Quốc chúc nhau phúc – lộc

Nếu như người Việt ta gọi Tết cổ truyền là Tết Nguyên đán, thì với người Trung Quốc là Xuân Tiết. Đây cũng là dịp lễ quan trọng và kéo dài nhất năm, từ ngày 8/12 đến ngày 15/1 Âm lịch. Những ngày này, sắc đỏ – màu của sự thịnh vượng và năng lượng tràn ngập trên khắp đất nước. Trước cửa nhà, người dân sẽ trang trí đèn lồng, câu đối Xuân đỏ hay dán chữ “Phúc” ngược (với ngụ ý “Phúc đáo”, nghĩa là “Phúc đến nhà”) để cầu phước lành, trường thọ, sức khỏe, bình an. 

Mỗi địa phương Trung Quốc đón Xuân Tiết với nhiều tập tục truyền thống khác nhau, song tất cả đều có một điểm chung, đó là vào đêm 30 Tết, các gia đình sẽ quây quần sum họp, cùng ăn bữa cơm đoàn viên với món bánh Tổ (Nian Gao) được làm từ gạo nếp, đường và gừng tươi, biểu trưng cho sự gắn kết bền vững giữa các thành viên trong gia đình. Ở miền Nam, bữa cơm giao thừa luôn có món đậu phụ và cá, bởi vì trong chữ Hán, các từ này đồng âm với từ “phú quý”, “dư thừa”; còn ở miền Bắc không thể thiếu được món sủi cảo. 

Trong ngày Tết, người Trung Quốc dâng lễ vật lên tổ tiên để thể hiện lòng thành kính, hiếu nghĩa. Họ cũng rất thích đốt pháo và bắn pháo hoa. Họ tin đây là cách để xua đuổi ma quỷ và chào đón năm mới. Tiếng pháo càng to thì việc làm ăn và trồng trọt sẽ càng thuận lợi và may mắn. Ngoài ra còn có hoạt động xem múa  lân- sư-rồng,vì 3 con thú này tượng trưng cho sự phát đạt, hạnh phúc, may mắn… 

Bên cạnh đó, người Trung Quốc còn có nhiều phong tục ngày Tết khác như mặc quần áo mới và đi chúc Tết, tặng lì xì, xem Gala Năm mới của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc… 

Tết Seollal, Người Hàn Quốc tìm về nguồn cội

Seollal có nghĩa là ngày đầu tiên của năm mới Âm lịch Hàn Quốc. Đối với người dân “Xứ sở kim chi”, Seollal mang ý nghĩa đặc biệt vì đây là thời gian để con cháu tưởng nhớ, tỏ lòng kính trọng tổ tiên và đoàn tụ cùng gia đình. 

Cũng giống như Việt Nam, những ngày trước Tết là thời điểm tràn ngập “hương vị Tết” nhất của người Hàn Quốc. Thời điểm này, chợ truyền thống, cửa hàng, khu mua sắm và các trung tâm thương mại tràn ngập hàng hóa với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn. Từ sáng đến tối, đường phố nhộn nhịp, dòng người đông đúc tất bật mua bán, chuẩn bị đồ thờ cúng và cả quà tặng cho người thân, bạn bè. Đối với người Hàn, việc tặng quà vào dịp Tết Seollal là để bày tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn với đối phương. 

alt text
Đối với người dân “Xứ sở kim chi”, Seollal mang ý nghĩa đặc biệt vì đây là thời gian để con cháu tưởng nhớ, tỏ lòng kính trọng tổ tiên và đoàn tụ cùng gia đình. (Ảnh: VNA).

Vào đêm giao thừa, người Hàn Quốc thường đốt những thanh tre với mục đích xua đuổi tà ma. Sau đó, họ sẽ treo những chiếc xẻng rơm để thể hiện mong muốn nhận được nhiều phúc lộc trong năm mới. Còn vào ngày đầu tiên của năm, mọi người sẽ mặc trang phục truyền thống (Hanbok) và hành lễ cúng tổ tiên (Charye). Sau đó cả gia đình sẽ cùng quây quần để thưởng thức món ăn truyền thống như canh bánh gạo, bánh tráng kếp đậu xanh, uống trà quế… 

Sau khi ăn cỗ, họ sẽ thực hiện nghi thức chào năm mới (Sebae). Đây là lúc thế hệ trẻ thể hiện lòng thành kính của mình với các bậc bề trên bằng cách bái lạy và tặng quà cho người lớn tuổi hơn. Người lớn đáp lại bằng những lời chúc tốt đẹp, hay lời chúc năm mới thịnh vượng như ý. Còn với trẻ nhỏ, sau khi cúi đầu chào năm mới và chúc Tết thì sẽ được người lớn thưởng tiền mừng tuổi hoặc có thể là vàng, ngọc hay các vật dụng khác. 

Tết Tsagaansar, người Mông Cổ đón những điều thuần khiết nhất

Trùng thời điểm với Tết Nguyên đán ở Trung Quốc, Việt Nam và Triều Tiên, tết truyền thống của người Mông Cổ thường kéo dài trong 3 ngày đầu tiên của tháng Giêng Âm lịch và được gọi là Tsagaan Sar, nghĩa là Trăng Trắng. 

Vào dịp này, người Mông Cổ sẽ mặc trang phục màu trắng, cưỡi ngựa trắng, ăn thức ăn có màu trắng làm từ sữa và tặng những món quà màu trắng cho nhau. Người Mông Cổ rất coi trọng và xem màu trắng là  biểu tượng cho sự trong sáng, thuần khiết và may mắn nhất. 

Không chỉ là dịp lễ đoàn viên lớn nhất năm, Tết Trăng Trắng cũng là dịp người dân chúc mừng những người chăn thả gia súc đã vượt qua mùa đông khắc nghiệt, đón chào những ngày xuân ấm áp. 

alt text
Tết truyền thống của người Mông Cổ được gọi là Tsagaan Sar, nghĩa là Trăng Trắng. (Ảnh: VNA).

Trong ngày đầu tiên của năm, tất cả các thành viên sẽ thức dậy trước khi mặt trời mọc và mặc quần áo mới. Sau đó, những người đàn ông trong gia đình sẽ di chuyển tới ngọn núi gần nhất để chiêm ngưỡng cảnh bình minh, còn phụ nữ ở nhà pha trà sữa để cầu chúc những điều tốt đẹp nhất. Người Mông Cổ cũng có tục lệ lì xì cho người lớn tuổi bằng tiền cùng khăn quàng cổ màu xanh còn được gọi là Hadag. 

Những người phụ nữ sẽ nấu món ăn truyền thống như sữa, bánh, thịt cừu, thịt bò, thịt ngựa, cơm ăn cùng với sữa đông hay với nho khô để cả gia đình thưởng thức và chiêu đãi khách tới nhà. Đặc biệt, người đứng đầu trong gia đình sẽ chuẩn bị một bàn tiệc với ý nghĩa tượng trưng cho sự viên mãn và thịnh vượng, sau đó tặng quà cho khách. 

Tết Losar, người dân Bhutan ăn chơi, cầu hạnh phúc

Tết của “đất nước hạnh phúc” Bhutan được gọi là Losar, theo tiếng Tạng có nghĩa là “năm mới”. Lịch của người Bhutan dựa theo lịch Phật giáo, cũng có 12 con giáp giống như âm lịch của một số quốc gia châu Á khác. Theo lịch này, Tết Losar thường rơi vào tháng 2 hoặc tháng 3 Âm lịch, diễn ra trong vòng 15 ngày và 3 ngày đầu tiên của năm mới được xem là những ngày quan trọng nhất. 

Để chuẩn bị chào đón năm mới, người dân Bhutan bắt đầu bằng việc dọn dẹp, mua những vật dụng hay tài sản mới để trang hoàng nhà cửa. Họ dâng lên bàn thờ tổ tiên nhiều thực phẩm và hoa quả để tạ ơn thần linh và tổ tiên đã ban tặng cho họ cuộc sống ấm no trong năm cũ. Khác với nhiều quốc gia cúng năm mới vào đêm 30, người Bhutan lại cúng vào sáng mùng 1, bởi theo họ, nửa đêm là thời điểm hoạt động của những “chúng sinh đem lại sự bất thường”, nếu đem những thức ăn ngon mắt ra ngoài cúng sẽ khiến họ bám theo vào nhà. 

alt text
Tết của “đất nước hạnh phúc” Bhutan được gọi là Losar, theo tiếng Tạng có nghĩa là “năm mới”. (Ảnh: VNA).

Sáng đầu tiên của năm mới, các thành viên sẽ thức dậy sớm, bắt đầu bằng một bữa ăn truyền thống vào thời điểm mặt trời mọc. Thực phẩm chủ yếu là trà sữa nóng, bỏng gạo rang, bánh quy chiên, mía thái hạt lựu, gạo lên men, các món hầm, cháo và phô mai… Sau đó, họ sẽ cùng nhau đến các đền thờ hoặc tu viện để thực hiện các nghi lễ Puja nhằm thanh tịnh tâm trí, xua đuổi ma quỷ. 

Có một điều khá đặc biệt là người Bhutan chơi Tết chứ không ăn Tết. Các gia đình sẽ đi dã ngoại hay hành hương đến các Thánh địa. Người dân Bhutan có niềm tin mạnh mẽ rằng nếu họ cảm thấy hạnh phúc trong ngày đầu năm mới thì những ngày còn lại của họ sẽ tràn đầy niềm vui. Chính vì vậy, họ ăn uống thoải mái nhất có thể vì điều đó làm cho họ hạnh phúc. 

Trong năm mới, người dân Bhutan cũng thích nhảy múa, hát nhạc truyền thống cũng như chơi một số môn thể thao, phổ biến nhất là bắn cung. Mọi ngôi làng ở Bhutan đều tổ chức thi bắn cung trong các lễ hội năm mới. 

Theo Spirit N.01

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.