Thưa ông, ông có thể chia sẻ một chút về nhiệm vụ mới tại Ban Tiếp thị hàng hoá được không?
Như các bạn đã biết, tôi đã có thời gian dài công tác tại Vietnam Airlines và hơn 3 năm trên cương vị Giám đốc Chi nhánh VNA tại khu vực miền Trung. Theo sự phân công của lãnh đạo TCT, từ 1/11/2018 tôi nhận nhiệm vụ mới là Trưởng Ban Kế hoạch và Tiếp thị hàng hoá.
Với nhiệm vụ mới được lãnh đạo TCT tin tưởng và giao phó, tôi sẽ cùng các CBNV trong Ban nỗ lực hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc xây dựng và phát triển TCT.
Trưởng Ban Hồ Quang Tuấn chia sẻ “Sẽ cùng các CBNV trong Ban nỗ lực hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc xây dựng và phát triển TCT”.
Vậy ông có những dự định hay kế hoạch gì để Ban TTHH hoàn thành những kế hoạch đã đề ra?
Định hướng đối với lĩnh vực hàng hóa đã được Lãnh đạo Tổng công ty đề cập trong một buổi trả lời phỏng vấn với một hãng truyền thông nước ngoài, đó là VNA sẽ hướng đến việc xây dựng, vận hành đơn vị kinh doanh hàng hóa độc lập. Với cương vị mới, tôi sẽ tiếp tục kế thừa những kết quả đạt được rất tốt trong những năm vừa qua, đồng thời sẽ xây dựng bộ máy Ban TTHH đoàn kết, năng động, hiệu quả để hoàn thành các nhiệm vụ được giao cũng như tiến tới thực hiện định hướng như Lãnh đạo Tổng công ty đã đề ra ở trên.
Được biết, ông cùng các cán bộ tham dự lớp học tiếng Anh tại New Zealand đang nghiên cứu về cuốn sách Flying Off Course. Ông chia sẻ một chút về cuốn sách được không?
Cuốn sách Flying Off Course được xem là cẩm nang kinh doanh VTHK, hiện đã được tái bản 4 lần. Theo yêu cầu của lãnh đạo TCT, lớp học Tiếng Anh New Zealand đã nghiên cứu và dịch ra Tiếng Việt, hiện đang trong quá trình biên tập và hoàn thiện.
CEO của Air Portugal đã từng bình luận về cuốn sách rằng: Đọc cuốn Flying Off Course giống như tham gia một khóa học kinh doanh của doanh nghiệp, với các nội dung thảo luận sâu sắc về những thách thức mới nhất. Flying Off Course là cuốn sách phải đọc cho những ai có liên quan đến nghành kinh doanh vận tải hàng không.
Thưa ông, tại sao cuốn sách này lại được đánh giá cao như vậy, đặc biệt là đối với VNA?
Như tôi đã chia sẻ, cuốn sách được mệnh danh là cẩm nang kinh doanh VTHK. Do đó, Ban lãnh đạo TCT đánh giá cao, đang được nhiều bộ phận sử dụng: KHPT, TTBSP, các chi nhánh… Các nội dung trong cuốn sách mang đến những thông tin và kinh nghiệm hữu ích cho chúng ta.
Ông có thể nói rõ hơn về cuốn sách Flying Off Course để CBNV tham khảo?
Chương 1 của cuốn sách tổng kết những quan sát, kinh nghiệm của tác giả – giáo sư Rigas Doganis – một chuyên gia đã có rất nhiều kinh nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực hàng không, nói lên các vấn đề cốt lõi đối với các nhà quản trị Hãng hàng không.
Để bắt đầu cuốn sách, tác giả chỉ ra một nghịch lý cố hữu đối với kết quả kinh doanh của ngành HK (các airline), đó là tốc độ tăng trưởng rất lớn về nhu cầu (thông qua lượt hành khách đi lại), tuy nhiên lợi nhuận lại rất mỏng. Trong toàn bộ chuỗi dịch vụ VTHK, các hàng không có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp nhất so với các lĩnh vực khác. Qua nhiều năm quan sát, tác giả cũng chỉ ra VTHK có tính chu kỳ tương đối rõ, cứ 4-5 năm suy thoái và 5-6 năm tăng trưởng. Mặc dù vậy, tác giả cũng nhấn mạnh rằng, kể cả trong giai đoạn tăng trưởng tốt, lợi nhuận của ngành vẫn khá mỏng, chỉ chiếm xấp xỉ 2% trên tổng doanh thu. Trong giai đoạn đầu thập niên 2000 khi nền kinh tế thế giới rơi vào thời kỳ suy thoái theo chu kỳ, cộng với các sự cố bên ngoài tác động như dịch SAT hoành hành và chiến tranh Irag, khủng bố 11/9, ngành hàng không bị lỗ kỷ lục trong lịch sử.
Trong bối cảnh kinh doanh đầy biến động như trên, tác giả chỉ ra rằng, vẫn có những hãng hàng không tồn tại và có lợi nhuận. Và bí quyết nằm ở khâu quản trị, với mục tiêu tối thượng là kết hợp hài hòa giữa sản lượng cung ứng (thứ mà Hãng HK chủ động kiểm soát) và nhu cầu thị trường (thứ mà Hãng HK chỉ có thể tác động chứ không thể kiểm soát) nhằm tạo ra lợi nhuận kinh doanh. Chỉ tiêu quan trọng nhất đó là margin (tức là doanh thu đơn vị lớn – RASK lớn hơn chi phí đơn vị- CASK). Một hãng hàng không CP đầy đủ vẫn có thể có lợi nhuận, miễn là RASK cao hơn CASK. Ngược lại, một hãng HK CP thấp không đồng nghĩa với lợi nhuận đảm bảo. Tác giả nhấn mạnh rằng, đạt được trạng thái này là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nguyên nhân chính gồm 02 lý do tất yếu: xu thế mở cửa bầu trời và thay đổi công nghệ trong lĩnh vực HK.
Tôi lấy ví dụ về quản lý tải nội địa của VNA năm 2018. Thị trường nội địa không tăng trưởng tốt như kỳ vọng vì các yếu tố biến động trên thị trường, cộng với chi phí nhiên liệu đầu vào tăng cao, đe dọa lớn tới mục tiêu lợi nhuận của TCT. Trong bối cảnh như vậy, lãnh đạo TCT đã có chỉ đạo những giải pháp hết sức cụ thể, nắm bắt nhu cầu thị trường, tập trung vào phân thị khách doanh thu cao, điều chỉnh giảm tải hợp lý theo nhu cầu thị trường (tải thực hiện chỉ khoảng 80% kế hoạch). Việc này đạt được 02 mục tiêu quan trọng: thứ nhất, tiết kiệm chi phí khai thác, thứ hai là nâng cao doanh thu bình quân. Với các giải pháp điều hành hết sức quyết liệt, cơ bản TCT đảm bảo mục tiêu lợi nhuận trên mạng bay nội địa trong bối cảnh bất lợi nêu trên.
Tiến bộ trong ngành hàng không về khoa học công nghệ cũng là một xu hướng quan trọng được nhiều hãng hết sức quan tâm, với các mục tiêu chính là đem lại lợi ích về an toàn và tiện nghi cho hành khách, nâng cao hiệu suất sử dụng máy bay và giảm chi phí khai thác. Tuy nhiên, việc này sẽ sinh ra một số bất cập: nếu máy bay trở nên to hơn mà chi phí rẻ hơn thì sẽ hãng sẽ phải chịu áp lực lớn hơn để fill up máy bay và điều chỉnh giá vé thấp. Bên cạnh đó, chi phí khai thác thấp, cạnh tranh gia tăng do mở cửa bầu trời, dẫn đến một xu thế dường như tất yếu trong ngành: giá vé bình quân ngày càng giảm. Điều này cũng được chứng minh qua thị trường nội địa Việt Nam.
Trưởng Ban Hồ Quang Tuấn chia sẻ về cuốn sách ‘Flying Off Course’ tại HN dịch vụ của TCT vừa qua.
Được biết, cuốn sách cũng nói rất nhiều đến bản chất sản phẩm dịch vụ hàng không? Vậy ông có thể chia sẻ một chút về điều này?
Tác giả của cuốn Flying Off Course nhấn mạnh rằng, những người hoạch định marketing của hãng hàng không luôn phải coi dịch vụ hàng không là một phần của toàn bộ gói hàng hóa dịch vụ cung ứng cho người tiêu dùng, chứ không chỉ đơn thuần là sản phẩm vận chuyển hàng không, ví dụ: khách sạn, đại lý du lịch, thuê xe… kết hợp với sản phẩm vận chuyển hàng không là một chuỗi dịch vụ đối với người tiêu dùng. Chính sách VNA Holiday, hoặc thỏa thuận hợp tác chiến lược với Vingroup vừa qua cũng như rất nhiều sản phẩm kết hợp khác là ví dụ chứng minh các nhà quản trị marketing của VNA đã vận dụng nhuần nhuyễn giữa lý thuyết vào thực tế.
Tác giả nhấn mạnh một sự thật rằng, trong mắt của khách hàng, sản phẩm hàng không nhìn chung khá tương tự nhau, do đó, cần tốn rất nhiều công sức và chi phí để tạo ra sự khác biệt về sản phẩm. Đấy cũng là lợi thế cho các hãng hàng không mới khi gia nhập thị trường.
Bên cạnh đó, cuốn sách cũng nêu lên một số xu hướng trên thị trường hàng không quốc tế. Thị trường Bắc Á, Đông Nam Á đang trên đà tăng trưởng mạnh, đóng vai trò quan trọng thị trường VTHK thế giới, do đây là khu vực tập trung các nền kinh tế năng động, hấp dẫn kể cả mặt địa lý. Đối với VNA, đây là thị trường liên tục tăng trưởng, đem lại doanh thu ổn định. Khu vực châu Âu: Các hãng hàng không nhỏ đang dần được sát nhập vào các hãng lớn. Đối với khu vực Trung Đông, vai trò của các hãng hàng không Trung Đông đang ngày càng trở nên quan trọng hơn, họ là đối thủ cạnh tranh chính của VNA.
Theo cuốn Flying Off Course thì tương lai của ngành VTHK sẽ như thế nào thưa ông?
Tác giả của Flying Off Coursekhẳng định, đây là ngành công nghiệp thường thất bại trong tìm kiếm lợi nhuận để bù đắp vốn đầu tư. Nguyên nhân các hãng hàng không luôn gặp khó khăn, mất cân bằng trong kinh doanh được tác giả nêu ra cụ thể:
► Các hãng hàng không quá dễ dàng trong việc thuê mua tàu bay, rất nhiều hãng dù có tiềm lực tài chính yếu hoặc thậm chí không có vẫn có thể thuê mua tàu bay được,
► Áp lực, yêu cầu từ các nhà sản xuất máy bay, khi công nghệ luôn đổi mới phát triển thì các hãng luôn phải chịu sức ép nâng cấp hay thay đổi đội bay.
► Các chính phủ thường gây sức ép yêu cầu các hãng HK phải mở rộng mạng bay để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội quốc gia và giao thương quốc tế.
► Yếu tố suy thoải và tăng trưởng theo chu kỳ của ngành là khá rõ. Do vậy các Hãng HK thường lo ngại sẽ không đủ nguồn lực để nắm bắt cơ hội thị trường, thời gian thuê mua tàu bay thường mất nhiều thời gian, do vậy họ luôn có xu hướng đặt hàng máy bay nhiều hơn nhu cầu dẫn đến mất cân bằng cung cầu trên thị trường.
Không tương tự các lĩnh vực kinh doanh khác, khi những công ty quản trị yếu kém, thua lỗ sẽ dần rời khỏi thị trường, trong ngành hàng không, thời gian để một airline thua lỗ rời khỏi ngành thường rất lâu, đôi khi là không khi nào. Nguyên nhân chính thường do sự bảo hộ, hỗ trợ của chính phủ.
Chính những yếu tố này dẫn đến sự mất cân bằng kinh doanh VTHK, và cũng toát lên ý chính của cuốn sách: Ngành hàng không dường như là một ngành bay chệch hướng ở bản chất (Flying Off Course). Để tồn tại, các airline thành công đòi hỏi phải có sự quản trị rất tốt, cân bằng giữa các yếu tố cung, cầu, lợi nhuận, vị thế, hình ảnh, theo kịp các xu thế thời đại. Đây là một nhiệm vụ khó khăn đối với bất kỳ nhà quản trị nào.
Vậy theo ông, VNA có thể học hỏi được gì từ Flying Off Course?
Theo tôi, ngành hàng không nói chung và VNA nói riêng học hỏi được rất nhiều từ cuốn Flying Off Course. Để có được môi trường làm việc ổn định, giàu tính sáng tạo, TCT cần xây dựng và phát triển một đặc trưng văn hóa doanh nghiệp có bản sắc riêng, tạo nên một không khí và tinh thần làm việc trách nhiệm, năng động có hiệu suất làm việc cao, hướng dến sự phát triển bền vững.
Lê Hằng ghi