Nội thất máy bay mùa dịch Covid-19: Từ bảo dưỡng chuyển sang “bảo vệ” và “bảo quản”

Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, việc “bảo dưỡng” nội thất máy bay đã chuyển sang “bảo vệ” và “bảo quản”, nhằm đảm bảo sẵn sàng khai thác trở lại. 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nội thất trên máy bay có hàng ngàn chi tiết và bất kỳ bộ phận nào gặp hỏng hóc đều ảnh hưởng đến an toàn, chất lượng dịch vụ và hình ảnh của VNA. Vì vậy, các kỹ sư bảo dưỡng luôn phải trực tiếp kiểm tra từng chi tiết chứ không chỉ giám sát thông qua hệ thống máy móc tự động. Đặc biệt trước tình hình khai thác bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, công việc bảo dưỡng nội thất cùng lúc nhiều tàu bay lại càng trở nên bận rộn và vất vả.

Trong thời điểm này, việc “bảo dưỡng” nội thất máy bay đã chuyển sang “bảo vệ” và “bảo quản”, nhằm đảm bảo sẵn sàng khai thác trở lại. 

Nhân dịp này, VNA Sprit đã cuộc trò chuyện cùng anh Nguyễn Trần Duy – Đội trưởng Đội Nội thất phía Bắc, Chi nhánh bảo dưỡng Nội thất, Công ty MTV TNHH Kỹ thuật máy bay – VAECO.

alt text
Anh Nguyễn Trần Duy – Đội trưởng Đội Nội thất phía Bắc, Chi nhánh bảo dưỡng Nội thất, Công ty MTV TNHH Kỹ thuật máy bay – VAECO. (Ảnh: NVCC).

Xin chào anh! Trước diễn biến của dịch Covid-19 được đánh giá là khó lường khiến các chuyến bay giảm mạnh thì khối lượng công việc bảo dưỡng máy bay rất lớn. Bên cạnh bảo dưỡng ngoại trường thì công việc bảo dưỡng nội thất diễn ra thế nào thưa anh?

Đúng như bạn nói, ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, công tác bảo dưỡng máy bay nói chung và nội thất máy bay nói riêng cũng gặp những tình huống chưa từng có trong lịch sử. 

Đối với công tác bảo dưỡng nội thất và giải trí, chúng tôi vẫn phải thực hiện các nội dung bảo dưỡng thường xuyên như chuẩn bị trước và sau chuyến bay, kiểm tra cuối ngày, các nội dung bảo dưỡng thiết bị nội thất và hệ thống giải trí trong các lần định kỳ. Ngoài ra, do một số tàu bay có sự chuyển đổi cabin chở khách sang chở hàng nên công tác bảo dưỡng nội thất bây giờ chuyển sang “bảo vệ” và “bảo quản” nội thất. 

Với những máy bay còn để nguyên nội thất và để hàng lên ghế khách, chúng tôi phải sản xuất gấp khoảng 1.000 túi trùm để bọc ghế, hạn chế các va đập do việc vận chuyển hàng hóa đặt lên ghế hành khách, các thiết bị nội thất khác và vách máy bay đều được bọc bảo vệ trước mỗi chuyến bay chở hàng. Sau các chuyến bay chở hàng, chúng tôi phải rất nhanh chóng (trong khoảng 4-5 giờ) tháo các vỏ bọc để khôi phục cấu hình chở khách cho máy bay. 

Một trong những công việc tiêu biểu trong giai đoạn vừa qua, đó là việc thực hiện tháo toàn bộ ghế – chuyển đổi khoang cabin thành khoang chở hàng. Ghế và các thiết bị nội thất sau khi tháo khỏi máy bay sẽ được thực hiện kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng chuẩn bị sẵn sàng lắp lại khi có nhu cầu. Đây là công việc lần đầu thực hiện và yêu cầu từ VNA phải hoàn thiện trong thời gian tối thiểu, với sự hỗ trợ của các đơn vị trong và ngoài VAECO, Chi nhánh Nội thất cũng đã hoàn thành tháo chuyển đổi cấu hình cabin cho 2 tàu bay A321 và 3 tàu bay A350 kịp tiến độ.

alt text
alt text

Các chi tiết ghế bị hỏng được tháo ra đưa vào xưởng sửa chữa. (Ảnh: VAECO).

Vậy quy trình bảo “bảo vệ” và “bảo quản” nội thất máy bay được thực hiện như thế nào từ khi tàu đưa vào trạng thái dừng khai thác?

Công tác bảo dưỡng nội thất cho máy bay ở trạng thái dừng khai thác sẽ xây dựng dựa trên thực tế, đó là thời gian nằm bao lâu; trạng thái nội thất trước khi dừng khai thác thế nào; điều kiện thời tiết trong gian đoạn dừng khai thác như thế nào?… 

Trên cơ sở các dữ liệu đó, chúng tôi làm việc với Ban kỹ thuật VNA để đưa ra các nội dung cần thiết và phù hợp cho từng tàu bay, bổ sung vào gói công việc bảo quản dừng bay để triển khai thực hiện.

Với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều tại Việt Nam là bài toán khó cho việc bảo dưỡng nội thất. Vậy chúng ta phải làm thế nào với các ghế, thảm, dây an toàn, thiết bị giải trí…? 

Đúng vậy, khí hậu nhiệt đới của Việt Nam là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến công tác bảo dưỡng nội thất. Việc tàu bay dừng bảo quản lâu, ít được vệ sinh thường xuyên rất dễ làm cho các vỏ bọc ghế, dây an toàn bị mốc, bẩn. Nếu không xử lý kịp thời các vết mốc này sẽ khó tẩy rửa và làm hỏng vỏ bọc ghế, cũng như các dây an toàn. 

alt text
Các chi tiết ghế bị hỏng được tháo ra đưa vào xưởng sửa chữa.

Với các tàu dừng bảo quản trên một tháng, chúng tôi thực hiện tháo vỏ bọc ghế, dây an toàn; đưa về các xưởng nội thất phụ trợ để vệ sinh, phân loại, bổ sung. Sau đó đóng gói theo các lô dành riêng cho từng tàu và chuyển bảo quản tại kho có điều kiện tiêu chuẩn để sẵn sàng lắp lại khi cần thiết. Các thiết bị giải trí là các thiết bị điện tử nên cần vệ sinh sạch trước khi máy bay dừng bảo quản lâu ngày, mục đích để tránh các nấm mốc phát triển làm hỏng các mạch trong thiết bị điện tử.

Tận dụng thời gian các tàu dừng lâu, nhân viên nội thất thực hiện việc vệ sinh làm sạch thảm máy bay, hạn chế tối đa việc thay mới nhằm tiết kiệm chi phí. Việc làm này cũng đảm bảo thảm máy bay không bị mốc bẩn, phát sinh mùi hôi trong quá trình dừng khai thác.

Đâu là thiết bị nội thất chúng ta phải mất nhiều thời gian nhất cho việc bảo dưỡng này? 

Có nhiều thiết bị nội thất quan trọng trên máy bay, nhưng có thể nói Ghế hành khách là thiết bị chúng tôi dành nhiều thời gian để bảo dưỡng, sửa chữa. Đây là thiết bị có số lượng nhiều nhất trên máy bay, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tiện nghi cho hành khách. 

Trên các tàu bay Boeing 787 và A350, ghế hạng thương gia còn có hệ thống điều khiển điện tử hiện đại cần dành nhiều công sức để bảo quản. Sau một thời gian không sử dụng, các chế độ hoạt động của ghế cũng cần kiểm tra, căn chỉnh, cài đặt lại. Ghế hoạt động sai chế độ không những ảnh hưởng đến việc cung cấp dich vụ cho hành khách mà còn có nguy cơ phá hủy các cơ cấu, bộ phận khác của ghế. Do đó, chúng tôi dành sự quan tâm nhiều đến việc bảo quản ghế hành khách.

Điển hình là các bộ ghế tháo xuống từ tàu bay chuyển đổi sang cấu hình chở hàng trên cabin được thực hiện vệ sinh sạch sẽ, kiểm tra chỉnh sửa, đóng gói kín và bảo quản tại các phòng có nhiệt độ, độ ẩm phù hợp. Thường xuyên 2 tuần/ lần, nhân viên nội thất thực hiện kiểm tra mắt thường (Visual check) các ghế bảo quản để đánh giá, phát hiện có những vấn đề gì bất thường để kịp xử lý.

alt text
alt text

Làm mới sửa chữa nắp overhead bin. (Ảnh: VAECO).

Như anh chia sẻ, có quá nhiều công đoạn và đòi hỏi sự tỷ mỉ trong việc bảo dưỡng nội thất trong khi số lượng lớn các tàu phải dừng bay do dịch Covid-19. Vậy mất bao lâu để các kỹ sư bảo dưỡng nội thất hoàn thiện công việc cho 1 tàu bay thưa anh?

Với một máy bay để thực hiện việc bảo dưỡng nội thất khi dừng khai thác, thông thường sẽ mất 5-7 ngày. Tuỳ vào loại máy bay thân rộng hay hẹp để các kỹ sư bảo dưỡng thực hiện quy trình: kiểm tra, tháo các chi tiết khỏi máy bay; vệ sinh; phân loại, bổ sung, đóng gói các chi tiết và nhập kho bảo quản. 

Vậy theo anh, trở ngại lớn nhất để đảm bảo việc bảo dưỡng nội thất trong mùa dịch Covid-19 là những vấn đề gì?

Công việc bảo dưỡng nội thất hiệu quả hay không ngoài việc xử lý các hỏng hóc trong quá trình khai thác, bảo dưỡng phòng ngừa, làm đẹp nội thất thì cần phải tiết kiệm chi phí tối đa. Do vậy, bài toán chi phí luôn là một bài toán khó trong quá trình bảo dưỡng. 

Việc cung cấp vật tư khí tài cho công tác nội thất càng trở nên khó khăn trong điều kiện cắt giảm chi phí do ảnh hưởng của dich bệnh Covid-19. Do đó, chúng tôi luôn phải đảm bảo làm sao đảm bảo bảo dưỡng tốt nhất nhưng tiết kiệm nhất.

alt text
Vệ sinh tân trang thiết bị. (Ảnh: VAECO).

Vậy còn để máy bay sẵn sàng khai thác trở lại thì công việc và thời gian bảo dưỡng nội thất đòi hỏi như thế nào thưa anh?

Tuy có những khó khăn do dịch bệnh, nhưng chúng tôi thấy có những cơ hội để có thể cải thiện chất lượng nội thất do có nhiều thời gian để sửa chữa, khôi phục những chi tiết, thiết bị nội thất khi tàu bay dừng khai thác.

Các biện pháp kỹ thuật được áp dụng để giảm chi phí mua mới được chúng tôi thực hiện như xoay vòng các thiết bị tốt trên tàu dừng khai thác để lắp cho các tàu đang được sử dụng; các thiết bị hỏng trên tàu được tháo, chuyển về các xưởng, sửa chữa làm đẹp và sẵn sàng đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, các kỹ sư của Chi nhánh nội thất cũng kết hợp với Ban Kỹ thuật VNA và các nhà sản xuất thiết bị nội thất để đánh giá, nghiên cứu, cải tiến nhằm nâng cao độ bền cho các chi tiết, thiết bị nội thất, trực tiếp thực hiện các cải tiến này trên các thiết bị nội thất máy bay. 

Hiện nay, Chi nhánh cũng triển khai nghiên cứu chế tạo các chi tiết nội thất trong nước nhằm giảm chi phí mua từ nước ngoài. Chúng tôi phấn đấu duy trì chất lượng 4 sao cho nội thất của đội bay VNA, đảm bảo các máy VNA với nội thất tiện nghi, sạch sẽ, hiện đại sẽ là lợi thế cạnh tranh và tác động tốt đến tâm lý, mang đến trải nghiệm an toàn, an tâm cho hành khách, nhất là trong giai đoạn có dịch bệnh hiện nay.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh. Chúc anh cùng các đồng nghiệp tại VAECO sức khoẻ thật tốt để tạo nên những thiết bị nội thất VNA thật đẹp và an toàn. Mong rằng, các anh sẽ sớm trở lại những kỳ bảo dưỡng “bớt bận rộn” hơn! 

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.