Hàng không “gồng mình” chờ giải cứu
Theo báo cáo cập nhật về tác động của Covid-19 tính đến ngày 9/6 của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), dự báo doanh thu ngành hàng không thế giới sẽ mất tới 419 tỷ USD trong năm 2020. Một nửa số hãng hàng không đối mặt với nguy cơ phá sản trong 2-3 tháng tới nếu không có sự giúp đỡ của chính phủ.
Trong bối cảnh “sức khoẻ” của các hãng hàng không ngày một suy giảm, chính phủ nhiều nước đã khẩn trương triển khai các gói giải cứu.
Đối với thị trường Việt Nam, IATA dự báo mức sụt giảm về hành khách trong năm 2020 lên tới 45%, tương đương 32 triệu lượt khách. Doanh thu ngành hàng không Việt Nam ước giảm tới 4,35 tỷ USD và có tới gần 1 triệu lao động liên quan bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo thống kê từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, doanh thu năm 2020 của VNA giảm 50.000 tỷ đồng, lỗ gần 20.000 tỷ đồng, sau cắt giảm chi phí còn lỗ 15.000 -16.000 tỷ đồng. Mặc dù phải gánh chịu thiệt hại rất nặng nề nhưng Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam vẫn đang nỗ lực tận dụng mọi nguồn lực để phục hồi tất cả các đường bay nội địa, đảm nhận nhiệm vụ thúc đẩy giao thương, du lịch của đất nước sau dịch bệnh.
Tính từ khi kết thúc giãn cách xã hội vào 23/4 đến nay, VNA đã vận chuyển hơn nửa triệu lượt khách bay nội địa. Dự kiến tháng 6, VNA sẽ phục vụ khoảng 1,3 triệu lượt khách nội địa và tăng lên 1,6 triệu lượt khách trong tháng 7. Cùng với 13 đường bay được mở mới trong tháng 5 và tháng 6, VNA đã nâng tổng số lên 52 đường bay nội địa.
Bên cạnh những nỗ lực tự thân, sự hỗ trợ từ Chính phủ và toàn xã hội chính là “lực đẩy” để hàng không Việt bật tung như những chiếc lò xo bị nén lâu ngày. (Ảnh: VNA).
Chờ “lực đẩy” để phục hồi
Những kết quả khả quan về phục hồi mạng bay nội địa của VNA là một sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của Hãng. Bởi theo báo cáo mới nhất, VNA dù đã thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm chi phí, đàm phán giảm nợ, giãn nợ, nhưng chỉ mang tính tình thế, nếu không có giải pháp hỗ trợ từ phía Chính phủ sẽ có nguy cơ đổ vỡ. Nếu không có nguồn tiền bổ sung, VNA sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán từ tháng 8/2020 cho các khoản nợ đến hạn (chủ yếu là tiền thuê máy bay và khai thác), dẫn đến các hệ lụy khác.
Với mong muốn hỗ trợ kịp thời cho các đầu tàu kinh tế, những đề xuất hỗ trợ Hãng hàng không Quốc gia khoản vay tái cấp vốn với quy mô gần 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi, phù hợp với tình huống hỗ trợ khẩn cấp, thời gian vay tối thiểu là 3 năm đã được đưa ra.
Cùng với đó việc kiến nghị phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn, quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo 12.000 tỷ đồng. Đồng thời, đề xuất trong giai đoạn trung-dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho VNA phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025 cũng đã được đề cập đến.
Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) cũng thống nhất sự cần thiết của các giải pháp ứng phó kịp thời với những tác động của dịch bệnh Covid-19 tới nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực hàng không. Bộ KH-ĐT cũng kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA và ngành hàng không, như tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế hiện tại, tính đến hết 2020.
Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị Quyết số 84/NQ-CP, trong đó có các giải pháp ban đầu để hỗ trợ ngành hàng không như: cho phép giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 – tháng 9/2020; cho phép giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020,…
Sự hỗ trợ của Chính phủ và toàn xã hội cùng với những nỗ lực tự thân, ngành hàng không Việt chắc chắn sẽ là một trong những “lò xo” có sức bật mạnh nhất, trở thành “động lực” để các ngành kinh tế khác phục hồi bứt phá.
Theo Spirit N03