Làm lương, thương nhân sự thời Covid

Trong Quý III/2020, chúng ta chắc chắn sẽ băn khoăn, lo lắng khi nằm trong danh sách những người phải tạm hoãn HĐLĐ. Tuy nhiên, đó có lẽ sẽ là một cơ hội tốt để chúng ta dành thời gian học tập, bổ sung kiến thức, làm mới bản thân.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cách đây vài hôm, tôi được anh Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông (Ban TT) đề nghị tham gia trả lời phỏng vấn về chính sách nhân lực, tiền lương trong giai đoạn Covid. Tôi rất phấn khởi vì có cơ hội giải thích, làm rõ các chính sách điều hành nhân lực và tiền lương thời Covid với CBNV TCT. Tôi chỉ xin anh Tuấn là cho tôi được viết, thay vì trả lời phỏng vấn. Thực ra cả 2 môn viết và nói tôi không giỏi, nhưng có lẽ thay vì bó buộc trong việc trả lời những câu hỏi của Ban TT, môn viết sẽ giúp tôi chia sẻ được nhiều hơn suy nghĩ của người làm công tác tham mưu cho lãnh đạo TCT về chính sách nhân lực, tiền lương thời Covid.

Trưởng Ban TCNL Nguyễn Chiến Thắng. (Ảnh: Vũ Tuấn).

Tổ điều hành nhân sự, tiền lương với nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo TCT do PTGĐ Nguyễn Hồng Lĩnh làm tổ trưởng, tôi làm tổ phó được thành lập vào ngày 12/3/2020. Chỉ một ngày sau đó, đa số thành viên trong Tổ được đưa đi cách ly để… có thời gian suy nghĩ về chính sách nhân sự, tiền lương giai đoạn từ tháng Tư trở đi. Những ai đã từng là F1 hẳn sẽ vẫn nhớ việc đo thân nhiệt ngày 3 lần: sáng, trưa, tối. Nhờ thói quen này trong thời gian cách ly, tôi mới nhận ra là các cuộc họp về nhân sự và tiền lương rất nóng (sáng đo 36.3 deg.C nhưng buổi trưa, sau khi họp thân nhiệt thường là 36.9 deg.C). Thời gian đầu tháng 4 khi sản lượng giảm gần về 0, ngày bay vài chuyến và hơn 100 chiếc tàu bay dừng bay, nằm bảo quản dưới đất có lẽ là thời gian căng thẳng nhất với lãnh đạo TCT và với các thành viên của Tổ điều hành nhân sự và tiền lương. “Bao nhiêu lao động đi làm? lương còn bao nhiêu? PC, TV không bay thì sao?” là những câu hỏi thường trực, khó trả lời nhưng chúng ta phải đối diện và giải quyết.

Về cơ bản, chính sách nhân lực và tiền lương của TCT được chia làm 3 giai đoạn theo từng quý II, III và IV với việc điều hành linh hoạt từng tháng theo sản lượng và tiến độ phục hồi của từng tháng.

Trong QII/2020, TCT đã dừng sử dụng toàn bộ nhân lực nước ngoài (PC, TV nước ngoài) để cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, để NLĐ Việt nam ngừng việc, nghỉ không hưởng lương hay tạm hoãn HĐLĐ với tỷ lệ lên tới 80% là một quyết định vô cùng khó khăn, trăn trở của lãnh đạo TCTy. Quỹ tiền lương của NLĐ TCT chỉ còn 45% so với kế hoạch do sản lượng ước thực hiện cả năm sụt giảm mạnh. Với Quỹ tiền lương như vậy, chúng ta đã phải tiến hành cắt giảm lương hiệu quả, lương theo chuyến bay của PC và TV. Cán bộ TCT từ cấp Ban trở lên đã tình nguyện không nhận lương, cán bộ cấp phòng chỉ nhận lương tối thiểu vùng, Chuyên viên, nhân viên đi làm chỉ nhận lương chức danh. PC, TV nhận 50% đơn giá lương chuyến bay. 

Quý III/2020, dự báo tình hình sản xuất kinh doanh của TCT đã có cải thiện khi sản lượng vận chuyển nội địa tăng cao nhưng các chuyến bay quốc tế thường lệ chưa thực hiện được. Ghế vận chuyển (ASK) và Tải vận chuyển có doanh thu (RTK) uớc thực hiện chỉ còn 43% và 39% so với kế hoạch. Với đánh giá khó khăn còn kéo dài, lãnh đạo TCT đã quán triệt việc cần thiết phải tổ chức lại sản xuất, giảm bớt đầu mối, quy trình công việc chưa phù hợp, tiến tới sắp xếp lại phòng, ban, thực hiện chính sách công bằng, chứ không cào bằng. Việc rà soát tổ chức và con người sẽ giúp TCT sử dụng nhân lực hiệu quả hơn, tăng năng suất lao động, tạo ra những giá trị mới. Số lượng NLĐ đi làm tăng nhiều so với QII (80% chuyên viên, nhân viên, trong đó 50% là việc toàn thời gian và 30% làm việc bán thời gian), nhưng vẫn có một tỷ lệ NLĐ sẽ phải tạm hoãn HĐLĐ để học tập, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi. 

Chắc chắn, chúng ta sẽ băn khoăn, lo lắng khi nằm trong danh sách những người phải tạm hoãn HĐLĐ. Tuy nhiên, đó có lẽ sẽ là một cơ hội tuyệt vời để chúng ta dành thời gian học tập, bổ sung kiến thức, làm mới bản thân. Nhân tiện, nói về cái sự học thì có rất nhiều câu nói tâm đắc để khuyến học nhưng cá nhân tôi thấy thấm thía nhất lời dặn của Bác Hồ năm 1953 “Muốn tiến bộ mãi thì phải học tập. Học trong sách báo, học trong công tác, học với anh em, học hỏi quần chúng. Học để phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm”. Càng lớn tuổi, càng phải học để tiến bộ mãi, để được làm việc, để không bị bỏ lại phía sau do không còn phù hợp.

Đại dịch rồi sẽ qua, thị trường rồi cũng sẽ phục hồi, các chuyến bay quốc tế thường lệ sẽ quay lại. Đại gia đình VNA chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển, nhưng trong một môi trường “new normal” – rất mới, rất khác. Và trong môi trường bình thường mới này, mỗi một thành viên trong đại gia đình VNA cũng phải là “a new employee, a new VNAer” – những NLĐ có trình độ, năng lực, nhiệt huyết, trách nhiệm, tận tâm với công việc, biết chia sẻ và đoàn kết. Cơ hội việc làm, cống hiến vẫn còn đó, chúng ta có tâm thế sẵn sàng đón nhận nó hay không mà thôi.

Các thành viên Tổ điều hành nhân sự, tiền lương cảm thấy rất may mắn vì có sự ủng hộ của toàn thể NLĐ TCT với chính sách thắt lưng buộc bụng trong thời gian vừa qua. Sự ủng hộ đó đã giúp chúng tôi giảm nhẹ được gánh nặng khi vào vai “ác” thời đại dịch Covid. Được sống và làm việc xung quanh những người đồng nghiệp nhiệt tình, đồng cam cộng khổ, vững bước quyết tâm vượt qua đại dịch là một trải nghiệm tuyệt vời đối với tôi. Trong phong trào lá rách đùm lá rách hơn, tôi rất thích khẩu hiệu “Sen vàng chung tay” – rất nhân văn, rất con người VNA. Cuối cùng, thay cho lời kết, tôi xin được trích dẫn vài câu trong bài hát Stronger của Kelly Clarkson:

What doesn’t kill you makes you stronger
Stand a little taller
What doesn’t kill you makes a fighter
Footsteps even lighter

 

Nguyễn Chiến Thắng

Người lao động TCT

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.