Hội thảo Nâng cao chất lượng truyền thông nội bộ được tổ chức sau hơn hai năm TCT chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và là hoạt động mang dấu ấn đáng nhớ trong những tháng cuối năm đối với các CBNV chuyên trách TTNB tại các cơ quan, đơn vị.
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng ban TT – Đặng Anh Tuấn chia sẻ về những khó khăn vừa qua khi công tác truyền thông và mọi mặt của TCT gặp nhiều khó khăn bởi Covid. Dù vậy, với sự đồng lòng, nỗ lực của anh chị em TTNB của các đơn vị, mọi thông tin, chính sách, thông điệp lãnh đạo đã được truyền tải một cách nhanh chóng và kịp thời.
Đặc biệt trong những giai đoạn cả nước giãn cách, những bài viết, động viên và ghi nhận những chiến binh sen vàng hết mình cống hiến cho TCT đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp và anh chị em trong toàn VNA Group.
Nhấn mạnh tại Hội thảo, Trưởng ban Đặng Anh Tuấn đặc biệt gửi lời cảm ơn đến anh chị em làm công tác TTNB, bởi các anh chị em là sợi dây kết nối giữa TCT với các cơ quan, đơn vị, giữa các đơn vị với nhau và giữa các thành viên VNA Group. Đó là sức mạnh to lớn góp phần đưa công tác truyền thông VNA ngày một phát triển.
Với những thách thức sau Covid-19, Trưởng ban Đặng Anh Tuấn đã một lần nữa nhấn mạnh vai trò của những người làm công tác TTNB tại VNA Group. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng, với những xu thế, bối cảnh mới và sự phát triển của công nghệ, mỗi người làm truyền thông nói chung và TTNB nói riêng luôn cần “một trái tim nóng và một cái đầu lạnh”. Chúng ta đang sống trong thời kỳ bất định, vì thế việc giữ cho mình một cái đầu lạnh tỉnh táo và trái tim nóng tử tế trở nên quan trọng hơn lúc nào hết.
TTNB và những xu thế mới
Bước vào nội dung chính của hội thảo, các CBNV chuyên trách được lắng nghe ông Lê Quang Vũ – Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển Nội dung Blue C, đơn vị đối tác truyền thông nội bộ của VNA trình bày về nội dung cập nhật xu thế truyền thông báo chí và truyền thông nội bộ.
Tại hội thảo, ông Lê Quang Vũ nhấn mạnh về 9 nội dung về công tác TTNB bao gồm: Bối cảnh mới của thế giới; Thế giới hậu Covid 19; Những xu thế mới (nội dung, truyền thông, công nghệ, mạng xã hội); Vai trò mới của TTNB; Những cách thức mới của TTNB; Những công cụ mới của TTNB; Những bài học cho truyền thông; Hiểu về đối tượng truyền thông của VNA sau Covid 19; Những thách thức mới với VNA, và giải pháp.
Với sự thay đổi của bối cảnh đã xóa nhòa ranh giới bên trong và bên ngoài, chuyển dịch từ Big Idea sang Big IdeaL, các doanh nghiệp càng cần xây dựng niềm tin bởi thế giới càng bất ổn, truyền thông càng hỗn loạn, niềm tin càng cần thiết. Ông Vũ cũng đánh giá, thương hiệu ngày nay là một nền tảng động (a living platform) vì không phải một mình chúng ta kiểm soát thương hiệu mà còn rất nhiều đối tác, khách hàng, cổ đông…
Tại hội thảo, các thành viên VNA cũng được lắng nghe những chia sẻ về xu thế truyền thông hậu Covid-19, đó là tăng cường bản sắc ưu tiên tốc độ xây dựng quy mô. Bên cạnh đó, chuyên gia Lê Quang Vũ cũng đưa ra các xu thế mới về nội dung, TTNB, công nghệ, mạng xã hội. Đó là sự phát triển của dịch thuật online, global TV; sự lên ngôi của Podcast; Bùng nổ tìm kiếm bằng giọng nói…
Đặc biệt với TTNB tập trung vào các xu thế như: Ưu tiên điện thoại do nhu cầu làm việc từ xa, hybrid; Tập trung vào well-being: do tác động của COVID-19; Khen thưởng, động viên nhân viên thường xuyên hơn; Lãnh đạo chuyển thành người làm truyền thông: lắng nghe, thấu hiểu, trực tiếp; Hướng nhiều hơn đến nhân viên tuyến đầu…
Với những nội dung phong phú được đưa ra, chuyên gia cũng đưa ra cách thức thực hiện mới
– Tăng cường truyền thông gắn kết và thấu hiểu: Gia tăng các nội dung về con người; Gia tăng cơ hội xuất hiện của các đơn vị, phòng ban; Truyền thông theo các nhóm cộng đồng nhỏ…
– “Biến khô thành ướt”: Game hóa các nội dung nghiêm túc để dễ được tiếp nhận và tăng tương tác: Hình ảnh hóa các nội dung thông qua poster, infographic, longform, gif, emoji: Kể chuyện (với mọi hình thức)…
– Khai thác công nghệ cho các hoạt động, sự kiện: App outing cho team building; QR Code…
– Khung năng lực của người làm TTNB mới: Có khả năng lập chiến lược, kế hoạch, quản trị nội dung, tổ chức sự kiện; Có khả năng viết, biên tập, kể chuyện; Có những kỹ năng truyền thông mới: phân tích số liệu, khảo sát, thiết kế hình ảnh, dựng video cơ bản, làm podcast…
Những thách thức mới với VNA và giải pháp
Là một trong những doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng từ Covid-19 với những khó khăn hai năm qua đã mang đến những thách thức không nhỏ đối với TTNB VNA. Đó là nhân viên bị burn out; An toàn thông tin; Mất kết nối do làm việc từ xa hay sức khỏe tinh thần CBNV… Đối với truyền bên ngoài đó là những thay đổi bất thường do dịch bệnh; Linh hoạt với sự thay đổi của chính sách; Đảm bảo an toàn cho hành khách trong các điều kiện mới…
Với những thách thức không nhỏ, VNA cần tiếp tục truyền thông chủ động đa kênh; Đẩy mạnh truyền thông về trải nghiệm khách hàng, nâng tầm dịch vụ, và sứ mệnh của hãng hàng không quốc gia; Mở open line, cho các đối tác trong hệ sinh thái cùng tham gia truyền thông; Mở rộng truyền thông đến đối tác và người nhà nhân viên… cũng như tăng cường sử dụng nhân viên làm truyền thông (in-fluencer).