(Các thông tin mới nhất sẽ tiếp tục được cập nhật tại bản tin này)
Ấn Độ
Ấn Độ đã có hơn 12.000 ca bệnh COVID-19
Tính tới sáng nay 16/4 Ấn Độ đã có tổng cộng 12.380 ca bệnh COVID-19 (Ảnh: Internet).
Theo đài CNN, tính tới sáng nay 16/4 Ấn Độ đã có tổng cộng 12.380 ca bệnh COVID-19, trong đó có 414 người chết và cũng đã có 1.489 người được ra viện.
Trong vòng 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 941 ca bệnh và 37 người chết.
Mỹ
Bang South Dakota, Mỹ phát hiện ổ dịch hơn 600 người
Đã có tổng cộng 644 người dương tính với virus corona chủng mới liên quan tới ổ dịch tại một nhà máy chế biến thịt heo Smithfield Foods ở bang South Dakota. Đài CNN dẫn thông báo của bà Kristi Noem, Thống đốc bang South Dakota, cho biết có 518 nhân viên của nhà máy bị mắc COVID-19 và 126 người bị lây bệnh do tiếp xúc gần với các nhân viên này.
Bang South Dakota tới nay đã ghi nhận ít nhất 1.168 ca bệnh theo dữ liệu của ĐH Johns Hopkins.
Nhà máy chế biến thịt heo của công ty Smithfield Foods tại Sioux Falls, bang South Dakota, Mỹ, nơi vừa phát hiện ổ dịch hơn 600 người (Ảnh: AP).
Gần 2.600 người bệnh chết trong 24h
Ngày 15/4 nước Mỹ ghi nhận số người chết vì COVID-19 kỷ lục trong vòng 24 giờ với gần 2.600 ca. Theo ĐH Johns Hopkins, đây cũng là kỷ lục người chết trong vòng 24 giờ cao hơn bất cứ quốc gia nào khác.
Đến nay tổng số người chết ở Mỹ lên 28.502 người, tổng số ca nhiễm lên 643.296 người, theo cập nhật của trang worldometer.
Dù số ca tử vong tăng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết số ca nhiễm mới tại nhiều nơi trên khắp nước Mỹ đã thấp đi và dữ liệu cho thấy Mỹ đã qua đỉnh dịch xét về số ca nhiễm mới.
Thống đốc New York: Vẫn chưa thoát khỏi hiểm nguy
Bang New York của Mỹ ngày 15/4 đã ghi nhận thêm 752 ca tử vong do COVID-19, thấp hơn một chút so với con số 778 của ngày 14/4, cho thấy số ca tử vong mỗi ngày ở bang này dường như đang theo đà “phẳng”, không tăng đột ngột như những ngày trước. Tổng số ca tử vong do COVID-19 ở bang này đã lên tới 11.586.
Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết vẫn có thêm 2.000 người nhập viện do mắc COVID-19, cho thấy “chúng ta vẫn còn ở trong khu rừng” (ý chỉ hiểm nguy), theo báo Guardian.
“COVID-19 vẫn là một cuộc khủng hoảng y tế công lạ thường và chúng ta đang mất đi nhiều người New York mỗi ngày do dịch bệnh này. Mỗi người New York mất đi là mỗi mất mát đau lòng” – ông Cuomo nói.
“Dịch kết thúc khi chúng ta có văcxin” – ông Cuomo đánh giá và nhấn mạnh quá trình phát triển được văcxin có thể mất thêm cả năm hơn. Thống đốc Cuomo nói thêm bang New York đã thực hiện hơn 500.000 xét nghiệm COVID-19, nhiều hơn bất kỳ bang nào khác của Mỹ.
Canada
Canada sẽ kéo dài phong tỏa thêm nhiều tuần
Theo đài CNN, Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau, ngày 15/4 một lần nữa cảnh báo lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ tiếp tục trong nhiều tuần nữa ngay cả khi quốc gia này đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của dịch bệnh COVID-19.
“Nếu chúng ta mở cửa lại quá sớm, mọi thứ chúng ta đang làm bây giờ có thể sẽ thành vô nghĩa”, ông Trudeau phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày tại Ottawa.
Canada sẽ kéo dài phong tỏa thêm nhiều tuần (Ảnh: Internet).
Đến ngày 15/4 Canada ghi nhận tổng cộng 28.205 ca bệnh COVID-19, trong đó có 1.008 người chết. Gần một nửa trong số những người chết có liên quan tới ổ dịch tại các cơ sở chăm sóc dài hạn.
Tính trên bình quân đầu người, Canada tới nay vẫn có số ca bệnh và số người chết ít hơn Mỹ và hầu hết các nước châu Âu. Nhưng ông Trudeau cho rằng điều này không có nghĩa Canada sẽ mở cửa lại nền kinh tế sớm, và chắc chắn sẽ chưa mở lại cho tới 1/5, đồng thời nói thêm việc mở cửa lại sẽ được thực hiện theo giai đoạn.
Thái Lan
Thái Lan thêm 29 ca bệnh mới, 3 người chết
Theo báo Bangkok Post, hôm nay 16/4 chính phủ Thái Lan thông báo nước này đã ghi nhận thêm 29 ca bệnh COVID-19 mới, nâng tổng số người bệnh lên 2.672 ca. Cũng đã có thêm 3 người chết, đưa tổng số người chết vì COVID-19 của Thái Lan tới nay là 46 người.
Số ca bệnh đã khỏi là 1.593, tăng thêm 96 người, cũng là số ca bệnh hồi phục đáng kể trong ngày 15/4.
Hàn Quốc
Hàn Quốc ngày thứ tư liên tiếp có dưới 30 ca mới
Theo hãng tin Yonhap, số ca bệnh COVID-19 tăng thêm theo ngày ở Hàn Quốc công bố hôm nay 16/4 được ghi nhận dưới 30 ca, cũng là ngày thứ tư liên tiếp duy trì ở mức này.
Tuy nhiên nhà chức trách Hàn Quốc vẫn rất cảnh giác với số ca bệnh nhập khẩu và nguy cơ có thêm các ổ dịch mới sau khi nước này vừa tổ chức xong bầu cử quốc hội.
Cụ thể, hết ngày 15/4, Hàn Quốc có thêm 22 ca bệnh mới, giảm 5 ca so với 27 người của ngày trước đó. Theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc (KCDC), tổng số người bệnh COVID-19 của nước này là 10.613 ca.
Pháp
Pháp ghi nhận số ca tử vong kỷ lục
Bộ Y tế Pháp ngày 15/4 cho biết số ca tử vong do COVID-19 ở Pháp đã tăng thêm 1.438 ca, lên tổng cộng 17.167 ca. Đây là mức tăng ca tử vong nhiều nhất trong một ngày ở Pháp. Nguyên nhân là vì các viện dưỡng lão của Pháp cộng dồn số ca tử vong không được báo cáo trong lễ Phục sinh vào cuối tuần kéo dài 3 ngày.
Đây là mức tăng ca tử vong nhiều nhất trong một ngày ở Pháp (Ảnh: Internet).
Trong đó, số ca tử vong trong bệnh viện tăng thêm 514 (ít hơn con số 541 của ngày 14/4), nhưng số ca tử vong bên trong các viện dưỡng lão đã tăng thêm tới 924 (nhiều hơn con số 221 của ngày 14/4).
Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 4.560 ca, lên tổng cộng 147.863 ca. Tổng cục trưởng Tổng cục y tế Pháp Jérôme Salomon nói rằng đại dịch COVID-19 vẫn còn hoạt động mạnh và kêu gọi người dân Pháp tuân thủ nghiêm túc các biện pháp chống dịch.
Đức
Đức duy trì các biện pháp giãn cách xã hội tới ngày 3/5
Ngày 15/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến các bang ở Đức đã họp trực tuyến và nhất trí tiếp tục duy trì các biện pháp giãn cách xã hội đến ngày 3/5.
Tuy nhiên, một số cửa hàng sẽ được phép mở lại từ tuần tới. Còn các trường học ở Đức sẽ mở lại từ ngày 4/5. Thủ tướng Merkel cũng khuyên người dân đeo khẩu trang khi xuất hiện ở nơi công cộng và ở các cửa hàng.
Thế giới
G20 đồng ý đình nợ cho các nước nghèo nhất
Ngày 15/4, nhóm các quốc gia phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 tuyên bố đồng ý với sáng kiến cho các quốc gia nghèo nhất thế giới tạm ngừng trả nợ bắt đầu từ ngày 1/5 cho tới cuối năm trong bối cảnh những quốc gia này đang chật vật ứng phó với COVID-19, theo Hãng tin Reuters.
G20 cũng lặp lại cam kết triển khai “tất cả công cụ chính sách sẵn có” để đối phó cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế do COVID-19 gây ra.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trước đó cũng đã kêu gọi chính phủ các nước lùi thời hạn trả nợ 6 tháng cho các quốc gia nghèo đang cần hỗ trợ nhất.
Số lượng ca nhiễm và khỏi trên toàn thế giới
(Đồ họa: NGỌC THÀNH).
Theo: Tuổi trẻ
Nguyen Mai Huong-COMM