(Các thông tin mới nhất sẽ tiếp tục được cập nhật tại bản tin này)
Việt Nam
Việt Nam 24 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính đến 6h ngày 10-5, nước ta không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Việt Nam không có ca nhiễm mới, và là ngày thứ 24 không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tổng số ca nhiễm cả nước hiện vẫn là 288, trong đó 48 ca từ nước ngoài được cách ly ngay khi nhập cảnh. Đến nay đã có 241 trường hợp được điều trị khỏi, chiếm 84%. Hiện còn 47 bệnh nhân đang điều trị tại 6 cơ sở y tế. Đa số bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định.
Riêng trường hợp bệnh nhân nặng nhất đến thời điểm này là bệnh nhân 91 phi công người Anh, hôm nay 10-5 Hội đồng chuyên môn sẽ hội chẩn, tìm giải pháp tốt nhất cho bệnh nhân.
Thế giới
Các hãng hàng không sẽ phải tăng giá vé máy bay do sự duy trì khoảng cách giữa các ghế trong chuyến bay để có thể tiếp tục vận hành. (Ảnh: VNA)
Giá vé máy bay tăng trở lại vì dịch Covid-19
Theo hãng tin SCMP, hành khách ngành hàng không sẽ phải chuẩn bị tinh thần tăng giá vé do lệnh giãn cách xã hội trên các chuyến bay, qua đó chấm dứt thời kỳ cạnh tranh về giá giữa các hãng hàng không giá rẻ.
Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết giá vé máy bay có thể sẽ tăng 54% tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, mức cao nhất thế giới do có đến 40% chỗ ngồi khoang hạng thường bị bỏ trống vì lệnh giãn cách.
“Với việc bỏ trống xem kẽ chỗ ngồi, chi phí cung cấp dịch vụ cho mỗi hành khách sẽ cao hơn và cuối cùng hãng hàng không sẽ phải tăng giá vé để có thể tiếp tục vận hành”, Chuyên gia kinh tế trưởng Brian Pearce của IATA nhận định.
Hiện IATA đại diện cho hơn 290 hãng hàng không với khoảng 82% thị phần toàn cầu. Tổ chức này cho biết ngày càng nhiều hãng hàng không áp dụng các biện pháp giãn cách hay đảm bảo an toàn cho hành khách nhằm chống dịch Covid-19. Tuy nhiên những biện pháp này cũng làm gia tăng chi phí và khó lòng duy trì một mức giá vé rẻ trong dài hạn.
“Camera đánh hơi” của Airbus đang trong quá trình cải tiến. (Ảnh: Airbus)
Airbus sắp trình làng camera siêu nhạy “đánh hơi” virus gây Covid-19
Hãng sản xuất máy bay khổng lồ Airbus đang điều chỉnh các cảm biến có thể “ngửi” được virus SARS-CoV-2 trong không khí.
Camera siêu nhạy này được gắn trên máy bay từ năm 2017 và ban đầu được thiết kế để phát hiện chất nổ.
Hiện nay, Airbus đang cải tiến cảm biến của camera trên bằng cách sử dụng bộ vi xử lý làm từ tế bào sinh học để xác định các hóa chất hoặc vi khuẩn cụ thể trôi nổi trong không khí. Camera có thể sớm được sử dụng để đưa ra cảnh báo sớm về các khu vực bị nhiễm SARS-CoV-2, loại virus gây ra Covid-19.
Hãng sản xuất máy bay khổng lồ Airbus đang điều chỉnh các cảm biến có thể “ngửi” được virus SARS-CoV-2 trong không khí.
Brazil
Brazil ảnh hưởng nặng nhất khu vực Nam Mỹ
Trong vòng 24 giờ qua, Brazil có thêm 10.611 ca nhiễm mới và 730 trường hợp tử vong, và 9-5 là ngày có số ca tử vong cao nhất do dịch bệnh COVID-19 trong một ngày ở đất nước này.
Theo số liệu do Bộ Y tế nước này công bố ngày 9-5, giờ địa phương, Brazil hiện là quốc gia bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nhất ở Nam Mỹ, với tổng số 10.627 ca tử vong và 155.939 ca dương tính được xác nhận. Các nhà khoa học cho rằng con số thực tế có thể cao hơn từ 15-20 lần vì Brazil không có điều kiện xét nghiệm hàng loạt.
Theo AFP, Quốc hội và Toà án tối cao Brazil đã tuyên bố dành ba ngày tưởng nhớ các nạn nhân của dịch bệnh, còn các nhà lập pháp kêu gọi người dân tuân theo những khuyến cáo của cơ quan chức năng để giảm tỷ lệ lây nhiễm.
Tổng thống Jair Bolsonaro, người phản đối kịch liệt những biện pháp hạn chế như ở nhà vì quan ngại tác động kinh tế đến đất nước, vừa đi chơi mô tô nước ở hồ Paranoa ở Brasilia, trong lúc số người chết do dịch bệnh vượt mốc 10.000 người.
Mỹ
Trong tháng 3, Mỹ đã mất 870.000 việc làm. (Ảnh: AFP)
Covid-19 “giúp” Mỹ lập kỷ lục đáng buồn: Mất 20,5 triệu việc làm
Khi các cửa hàng và nhà máy buộc phải đóng cửa do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, theo ước tính, gần như toàn bộ những việc làm được tạo ra trong thập kỷ qua trong nháy mắt đã bị cuốn trôi chỉ trong vòng 1 tháng.
Cục Thống kê Lao động Mỹ vừa công bố, nền kinh tế này mất 20,5 triệu việc làm trong tháng 4. Đây là mức sụt giảm đột ngột và cũng là lớn nhất kể từ khi số liệu này được theo dõi năm 1939.
Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng vọt lên 14,7% – cao nhất kể từ năm 1948. Lần cuối cùng số liệu thất nghiệp của Mỹ tệ đến mức này là thời kỳ Đại Suy thoái, khi chạm 24,9% năm 1933.
Tính đến hôm 7/5, Mỹ hiện đang là “ngôi nhà” lớn nhất của đại dịch gây chết người Covid-19 trên toàn thế giới với hơn 75.000 người tử vong và ghi nhận con số 1,2 triệu ca dương tính với Covid-19.
Tổng thống Donald Trump. (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Trump: Covid-19 sẽ ‘biến mất mà không cần vaccine’
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/5 khẳng định đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 sẽ “biến mất mà không cần vaccine”, song không đưa ra bằng chứng cho nhận định này.
“Tôi cảm nhận về vaccine giống như tôi cảm nhận về các vụ xét nghiệm: Virus sẽ biến mất mà không cần vaccine. Virus sẽ biến mất và chúng ta sẽ không gặp lại nó sau một khoảng thời gian, hy vọng là như vậy”, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 9/5.
Tổng thống Mỹ cho rằng sẽ có những đợt bùng phát dịch, có thể xảy ra vào mùa Thu, nhưng rốt cuộc dịch vẫn sẽ qua đi.
“Một số virus hoặc bệnh cúm xuất hiện và họ tìm kiếm vaccine, nhưng không bao giờ tìm thấy. Nhưng virus vẫn biến mất. Chúng không bao giờ xuất hiện trở lại. Chúng cũng sẽ chết, tương tự những thứ khác”, ông Trump nói thêm.
Thụy Điển
Thụy Điển thừa nhận chưa bảo vệ đầy đủ người cao tuổi trước đại dịch COVID-19
Thuỵ Điển, đất nước có cách phòng chống COVID-19 khác với hầu như tất cả các nước châu Âu khác, khi không giãn cách xã hội triệt để, đã thừa nhận thất bại trong việc bảo vệ đầy đủ những người cao tuổi.
Bộ trưởng Bộ Y tế và các vấn đề xã hội Lena Hallengren phát biểu trên truyền hình Thuỵ Điển: “Chúng ta đã thất bại trong việc bảo vệ những người cao tuổi. Chúng ta phải học bài học này, vì chưa từng gặp đại dịch này bao giờ.
Theo AFP, người cao tuổi chiếm khoảng 50% trong số các ca tử vong ở các nhà dưỡng lão. Số liệu đến ngày 9-5 cho thấy nước này có 3.220 trường hợp tử vong.
Trước đó, Thuỵ Điển khẳng định ưu tiên bảo vệ những người trên 70 tuổi, nhưng trớ trêu là 90% những người tử vong từ 28-4 đến nay do COVID-19 đều trong độ tuổi này, theo thống kê của Cơ quan Y tế và An sinh Thuỵ Điển.
Thế giới
Tổng số ca nhiễm/tử vong trên toàn thế giới
(Đồ họa: Ngọc Thành – Tuổi trẻ)
Nguyen Xuan Nghia – COMM