Cuộc đua giành quyền đầu tư các hạng mục tại sân bay Long Thành
Dự kiến Cục Hàng không Việt Nam sẽ trình Bộ GTVT kết quả đánh giá hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án đầu tư xây dựng, khai thác khu bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất và xử lý vệ sinh tàu bay số 1 và số 2 tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).
Đây là những hạng mục công trình đầu tiên trong Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Xây dựng sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư lên tới 6.366 tỷ đồng, được Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam chủ trì thực hiện, vào bước tuyển chọn nhà đầu tư. Theo phê duyệt của Bộ GTVT, Dự án Đầu tư xây dựng, khai thác khu bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất và xử lý vệ sinh tàu bay số 1 và số 2, có tổng chi phí thực hiện khoảng 145 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tiền thuê đất).
Tại thời điểm mở hồ sơ quan tâm, Cục đã nhận được hồ sơ đăng ký của 4 nhà đầu tư là Công ty CP Phục vụ mặt đất Hà Nội, Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn, Công ty Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam và Công ty CP Hàng không Vietjet. Cuộc đua giành quyền đầu tư các hạng mục khu xử lý vệ sinh tàu bay; hangar bảo trì tàu bay; cung cấp suất ăn… tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành được dự báo là khá gay cấn.
Nguồn: Báo Đầu tư
Sáng 27/8, khởi công Dự án Cảng hàng không Sa Pa
Tin từ UBND tỉnh Lào Cai, Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa sẽ được tổ chức tại Khu tái định cư dự án (xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào sáng 27/8.
Trước đó, hồi tháng 3/2022, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức Lễ động thổ Dự án Cảng Hàng không Sa Pa. Thời gian thực hiện dự án là 50 năm, trong đó thời gian xây dựng dự kiến 3 năm, 7 tháng; Thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn là 46 năm 2 tháng.
Nguồn: Báo Giao thông
Qantas tuyên bố khủng hoảng do dịch COVID-19 đã kết thúc
Hãng hàng không quốc gia Australia Qantas ngày 25/8 cho biết hoạt động kinh doanh của hãng đã bắt đầu phục hồi, sau khi ba năm bất ổn do dịch COVID-19 đã khiến Qantas thiệt hại 17 tỷ USD doanh thu.
Qantas cho biết đến cuối tháng 6 năm nay, hoạt động đi lại trong nước đã vượt mức trước đại dịch, với 20 chặng bay mới được bổ sung để đáp ứng nhu cầu đi du lịch vòng quanh Australia. Mảng vận tải hành khách quốc tế phục hồi còn chậm chạp, khi vẫn chưa bằng 50% các mức cao trước đại dịch, nhưng đã được bù đắp bởi hoạt động mạnh mẽ trong mảng vận tải hàng hóa của Qantas.
Nguồn: TTXVN
ExpressJet Airlines nộp đơn xin bảo hộ phá sản
ExpressJet Airlines, hãng hàng không Mỹ hoạt động như một đối tác liên danh theo hợp đồng và tiến hành các chuyến bay dưới các thương hiệu Delta Connection và United Express tại nhiều thời điểm khác nhau, vừa đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 tại Delaware và thông báo ngừng hoạt động, theo thông tin trên trang web của hãng.
Trong sáu tháng qua, ExpressJet đã thực hiên các chuyến bay với tên gọi Aha chi phí thấp. Hãng cho biết, tăng trưởng của hãng bị kìm hãm, chi phí tăng và doanh thu giảm do đại dịch COVID-19 là những nguyên nhân dẫn đến phá sản, theo thông cáo báo chí đưa ra hôm 23/8.
Nguồn: TTXVN
Hành khách “bơ phờ” trước làn sóng hoãn hủy chuyến bay ở Mỹ
Cho đến mùa thu này, hành khách muốn đi lại bằng đường hàng không vẫn gặp không ít thách thức ngay tại các sân bay ở Mỹ khi các hãng hàng không cắt giảm hàng nghìn chuyến bay trước mùa nghỉ lễ.
Ngay trong mùa hè này, hành khách đi từ các sân bay Mỹ đã phải “bơ phờ” trước làn sóng hoãn hủy chuyến bay, trong đó có nhiều chuyến bay bị chậm trễ hoặc đình chỉ do thời tiết khắc nghiệt. “Cơn đau đầu” đến từ du lịch hàng không sẽ tiếp tục trên khắp nước Mỹ khi cho đến nay 11.337 chuyến bay bị hoãn và 2.077 lượt hủy chuyến đã được báo cáo. Và tin không vui là tình hình có khả năng sẽ không sớm được cải thiện.
Để giảm số lượng các chuyến bay bị hủy hoặc hoãn trong tương lai, các hãng hàng không Mỹ đang cắt giảm hàng nghìn chuyến bay trong mùa thu và kỳ nghỉ lễ sắp tới, Condé Nast Traveler đưa tin.
Nguồn: Nguoiduatin
Le Thi Hang-COMM tổng hợp