Đầu tháng 12/2001, VNA tiếp tục ký kết với hãng Avion De Transport Regional hợp đồng trị giá 50 triệu USD để mua 3 chiếc máy bay ATR-72 500, được bàn giao làm 3 đợt.
Sau khi nhận đủ 3 máy bay này, số ATR-72 do VNA sở hữu nâng lên thành 7 chiếc.
Sự kiện khủng bố cướp máy bay đâm vào tòa tháp đôi ở New York, Mỹ ngày 11/9/2001 đã gây nên khủng hoảng trong lĩnh vực vận tải hàng không thế giới, tác động không nhỏ đến thị trường vận tải hành khách của VNA. Lịch trình đường bay đi Paris được thay đổi, hãng cũng tăng cường phối hợp với các hãng đối tác, trợ giúp hành khách đi lại giữa Mỹ và Việt Nam; tổ chức khai thác tốt đường bay mới mở và các đường bay ít chịu ảnh hưởng của khủng bố.
Ngày 28/9/2001, đường bay thẳng Hà Nội – Bắc Kinh – Hà Nội được mở với tần suất 3 chuyến/tuần trên máy bay A320. Tháng 10/2001, các chuyến bay A320 của Đoàn lại tiếp tục hành trình Nội Bài – Côn Minh (Trung Quốc).
Trong những ngày đầu tháng 10/2001, Cục Hàng không và Cụm cảng Hàng không miền Bắc đã tổ chức khánh thành và đưa vào khai thác nhà ga T1, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Mặc dù bị ảnh hưởng của sự kiện 11/9, nhưng bằng nhiều biện pháp điều chỉnh hoạt động, khai thác hợp lý thị trường, đến hết tháng 11/2001, VNA đã vận chuyển được 3.090.463 hành khách. Đây là lần đầu tiên lượng hành khách của hãng vượt con số 3 triệu.
Ngày 11/12/2001, tại Washington DC, Mỹ, Tổng giám đốc VNA Nguyễn Xuân Hiển và Chủ tịch Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing, ông Mulally đã ký hợp đồng về việc mua 4 máy bay B777-200, với giá trị 680 triệu USD. Đây là máy bay tầm trung xa, được VNA dùng để bay đường dài đi các nước châu Âu và Australia.
Máy bay Boeing 777 của VNA.
Giữa tháng 3/2002, VNA tổ chức khai trương đường bay du lịch Huế – Siem Reap (Campuchia) bằng máy bay F-70.
Ngày 22/4/2002, chuyến bay chở khách đầu tiên do phi công của Đoàn Bay 919 thực hiện đã nối Thành phố Hồ Chí Minh tới Tokyo, Nhật Bản, chính thức khai trương đường bay này trên máy bay B767 với tần suất 4 chuyến/tuần và tăng lên 7 chuyến/tuần vào mùa đông năm 2002.
Đầu tháng 5/2002, các phi công của Đội bay F-70 lại vinh dự được thực hiện chuyến bay khai trương đường bay thẳng TP. HCM – Đà Nẵng – Vinh bằng máy bay F-70 và ATR-72, sau khi các tuyến bay đến Vinh bị tạm đình hoãn năm 1997 vì lượng khách hạn chế.
Trong thời gian này, TCT đã thuê thêm 2 chiếc B767, nâng số B767 lên 7 chiếc và đội bay vận tải lên 29 chiếc.
Do thị trường phát triển, VNA đã quyết định tăng các chuyến bay quốc tế. Đường bay Hà Nội – Bangkok từ 10 chuyến lên 14 chuyến/tuần; Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh – Sydney lên 3 chuyến/tuần; Hà Nội – TP.HCM – Kualar Lumpur từ 5 chuyến lên 7 chuyến/tuần; TP.HCM – Quảng Châu từ 4 lên 5 chuyến/tuần; TP.HCM – Cao Hùng từ 5 lên 6 chuyến/tuần. Đường bay TP. HCM – Hà Nội – Moscow cũng được mở lại, với tần suất 1 chuyến/tuần bằng máy bay B767.
Ngày 20/10/2002, VNA chính thức ra mắt biểu tượng thương hiệu mới. Trong ngày này, chiếc Boeing 767 mang số hiệu VNA 763 của VNA o cơ trưởng Nguyễn Đức Bình điều khiển, đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Máy bay được sơn màu xanh và mang biểu tượng bông sen vàng, thay thế cho biểu tượng cũ hình con cò và vòng tròn hình mặt trăng.
Biểu tượng bông sen vàng đã được HĐQT VNA lựa chọn, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam phê duyệt và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ năm 1997. Cuối năm 1997, biểu tượng này đã được sơn thử trên thân một chiếc B767. Biểu tượng cũng đã được bảo vệ bản quyền tại Cục Bản quyền sáng chế Việt Nam và Mỹ. Qua hơn 5 năm thử nghiệm, VNA mới chính thức ra mắt và sử dụng biểu tượng mới – nhân dịp tiếp nhận chiếc B777 đầu tiên. Đây là biểu tượng vừa mang tính truyền thống dân tộc, vừa ấn tượng, tạo hình ảnh mới thể hiện sự đi lên mang nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam.
Ngày 5/11/2002, VNA quyết định thành lập Đội bay B777, với 49 phi công, trong đó có 22 lái chính, 27 lái phụ, 8 giáo viên và khai thác 4 máy bay B777. Đến thời điểm này, Đoàn Bay đã có 5 đội bay sử dụng các máy bay tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, trong đó có Đội sử dụng máy bay hiện đại nhất lúc đó là B777. Lịch sử của Đoàn Bay 919 đã mở ra một trang sử mới, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc, sự làm chủ công nghệ mới hiện đại. Từ thời điểm này, Đoàn Bay đã hoàn toàn làm chủ các loại máy bay hiện đại tầm trung và tầm xa có khả năng bay tới tất cả các châu lục.
Tháng 11/2002, Tổng giám đốc VNA Nguyễn Xuân Hiển và Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus đã ký hợp đồng về việc VNA mua 5 máy bay Airbus A321.
Ngày 17/2/2003, tại TP. HCM, Trung tâm Huấn luyện bay đã khai giảng lớp phi công dự khóa bay cho 40 học viên. Đây là lớp phi công dự khóa lần thứ 2 do Trung tâm trực tiếp tổ chức. Các học viên dự khóa được huấn luyện trong 9 tháng, sau đó sẽ được kiểm tra, học viên đủ tiêu chuẩn sẽ được cử đi đào tạo phi công cơ bản ở nước ngoài.
Trong năm này, tình hình dịch SARS đã tác động không nhỏ đến nhu cầu đi lại của hành khách và gây trở ngại cho hoạt động hàng không thế giới và hàng không Việt Nam nói riêng.
Từ đầu tháng 4, trên toàn mạng bay của VNA đã áp dụng hệ thống đặt chỗ mới với một số cải tiến gồm 22 hạng đặt chỗ.
Ngày 4/4/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 372-QĐTTg phê duyệt đề án thí điểm mô hình công ty mẹ – công ty con của Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Công ty mẹ là Tổng công ty Hàng không Việt Nam, là doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn. Đoàn Bay 919 trực thuộc công ty mẹ.
Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, đầu năm 2003, Tổng công ty đã đưa máy bay B777 vào khai thác. Chuyến bay chở khách đầu tiên bằng B777 do Cơ trưởng Nguyễn Thành Trung điều khiển đã cất cánh từ Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đi TP.HCM.
TGĐ TCT Nguyễn Xuân Hiển tặng hoa cho tổ bay tại lễ đón B777 đầu tiên của VNA.
Trước đó, đường bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Paris được VNA thực hiện trên máy bay B767, phải transit qua Dubai. Ngày 26/4/2003, VNA khai trương đường bay thẳng Hà Nội – Paris, sử dụng máy bay B777. Đường bay này đã giảm được thời gian bay từ Paris về Hà Nội từ 15 giờ xuống còn 12 giờ.
Đầu tháng 8/2003, tại thành phố Seattle, Mỹ, VNA đã long trọng tổ chức lễ tiếp nhận chiếc B777 đầu tiên trong hợp đồng mua tháng 3.
Ngày 19/8/2003, chiếc A320 do phi công của Đoàn Bay điều khiển đã thực hiện chuyến bay khai trương đường bay thẳng Hà Nội – Kuala Lumpur, với tần suất 2 chuyến/tuần. Đây là đường bay thứ 2 từ Việt Nam đi Kuala Lumpur, sau đường bay từ TP.HCM được thực hiện cách đó 13 năm.
Nhân dịp Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm Hàn Quốc, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã tổ chức lễ khai trương đường bay Thành phố Hồ Chí Minh – Busan, ban đầu với tần suất 2 chuyến/tuần bằng máy bay B767.
Giữa tháng 9/2003, các tổ bay A320 của Đoàn Bay đã thực hiện chuyến bay khai trương đường bay thẳng Thành phố Hồ Chí Minh – Fukuoka (Nhật Bản), đường bay thứ 4 giữa Việt Nam và Nhật Bản sau các đường bay Hà Nội – Tokyo, Thành phố Hồ Chí Minh – Tokyo, Thành phố Hồ Chí Minh – Osaka. Cuối tháng 10, Vietnam Airlines sử dụng máy bay B767 khai thác đường bay TP.HCM – Fukuoka. Đường bay TP.HCM và Hà Nội đi Tokyo được khai thác bằng máy bay B777.
Năm 2003, tuy gặp khó khăn do bùng phát dịch SARS, VNA vẫn vận chuyển hơn 4 triệu hành khách. Ngày 25/12/2003, tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, đã diễn ra lễ đón hành khách thứ 4 triệu đi trên máy bay B777 hành trình từ Paris về Hà Nội.
Năm 2003, cấp trên đã có quyết định bổ nhiệm đồng chí Phan Xuân Đức làm Đoàn trưởng Đoàn Bay, thay đồng chí Nguyễn Thành Trung được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc VNA.
Đầu năm 2004, Tổng công ty Hàng không Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. Số máy bay của Tổng công ty đã lên tới 34 chiếc, gồm các loại ATR-72, A320, A321, F-70, B767, B777. Đoàn Bay đã đáp ứng 80% lái chính, 90% lái phụ cho các loại B777, B767, A320, A321 và 100% lái chính, lái phụ cho các loại ATR-72, F-70.
Đầu năm 2004, Tổng công ty Hàng không cũng tổ chức lễ khai trương đường bay Hà Nội – Moscow – Frankfurt.
Ngày 20/2/2004, VNA và Air France đã ký hợp đồng liên doanh trên đường bay Hà Nội – Paris và TP.HCM – Paris. Theo hợp đồng này, từ ngày 28/3/2004, hai hãng phối hợp khai thác 11 chuyến bay mỗi tuần giữa hai nước, trong đó VNA đảm nhiệm 6 chuyến/tuần bằng B777, Air France đảm nhiệm 5 chuyến/tuần bằng A340.
Ngày 22/3/2004, VNA đã tiếp nhận chiếc A321 thứ 4. Các phi công của Đoàn Bay đã trực tiếp điều khiển chiếc máy bay nhận từ hãng chế tạo Airbus về nước an toàn. Đến thời điểm này, số máy bay A320, A321 của VNA đã lên tới 14 chiếc.
Cuối tháng 3, Vietnam Airlines cũng hợp tác với Japan Airlines mở đường bay thẳng Hà Nội – Osaka, với tần suất 6 chuyến/tuần và tăng lên 7 chuyến/tuần.
Để ứng phó với các phần tử xấu gây rối mất trật tự tại Buôn Ma Thuột, các tổ bay A320 của Đoàn Bay đã thực hiện 8 lần chuyến hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột chở bộ đội, công an làm nhiệm vụ.
Đầu tháng 7/2004, hai chiếc máy bay A321 sở hữu đầu tiên của VNA đã về tới sân bay Nội Bài, hai chiếc khác được giao trong năm 2005.
Lễ đón chiếc máy bay A321 đầu tiên của VNA tại sân bay Nội Bài.
Ngày 7/9/2004, VNA đã ký hợp đồng với hãng ESMA, Cộng hòa Pháp về việc ESMA đào tạo phi công cho Vietnam Airlines, số lượng là 40 người, thời gian 72 tuần tại Pháp.
Lễ ký hợp đồng tài trợ vốn để mua chiếc A321 thứ 4 trong hợp đồng mua 5 chiếc máy bay A321 của Tổng công ty đã diễn ra tại Hà Nội. Ba chiếc A321 đầu tiên đã được ngân hàng ABN – Ambro tài trợ vốn dưới sự bảo lãnh của tổ chức tín dụng xuất khẩu hàng đầu châu Âu. Chiếc A321 thứ 4 được tài trợ vốn của 4 ngân hàng Việt Nam.
Ngày 29/10/2004, chuyến bay số hiệu VN830 của Vietnam Airlines chặng bay Bangkok – Hà Nội, máy bay A321 gặp sự cố kỹ thuật có liên quan tới hệ thống càng, tuy nhiên, tổ bay phối hợp với các bộ phận ở sân bay Nội Bài đã bình tĩnh xử lý, đưa máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay trong sự thán phục của hành khách.
Ngày 26/12/2004, VNA đã tổ chức đón hành khách thứ 5 triệu. Đây là con số thể hiện bước trưởng thành và khả năng vận tải rất lớn của Tổng công ty.
Năm 2004, nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đoàn Bay, Đoàn đã vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Ngày 21/6/2005, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã ký hợp đồng mua 4 máy bay B787 của hãng Boeing. Đây là loại máy bay hiện đại, thế hệ mới nhất, đang trong quá trình sản xuất, chưa xuất xưởng. Tổng giá trị hợp đồng lên tới 500 triệu USD. Theo thỏa thuận, 4 máy bay này sẽ được giao vào các năm 2009 – 2010. Thỏa thuận đã ký bao gồm điều khoản cho phép Vietnam Airlines mua thêm 10 chiếc nữa trong thời gian từ 2010 – 2012. Theo điều khoản hỗ trợ trong hợp đồng, Đoàn Bay đã chuẩn bị số phi công để có thể lên đường học chuyển loại.
Ngày 7/5/2005, Tổng công ty đã khai trương đường bay thẳng TP.HCM – Frankfurt (Đức) và phối hợp quảng bá chương trình du lịch hàng không tại Đức với sự tham gia của gần 1.000 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn.
Năm 2006, cùng với việc đề nghị giải thể Đội bay B767, Đoàn đã thành lập Đội bay mới A330 và đi vào hoạt động từ tháng 11/2006. Các phòng, ban nghiệp vụ hoạt động tốt, đảm bảo cho phi công yên tâm công tác. Công đoàn Đoàn Bay được đề nghị tặng Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn lao động, Đoàn Thanh niên được công nhận là đơn vị xuất sắc trong phong trào thanh, thiếu nhi. Đảng bộ Đoàn Bay kết nạp được 31 Đảng viên mới.
Về những mặt tồn tại, Đoàn đã nghiêm khắc chỉ đạo, bình giảng, rút kinh nghiệm các vụ việc sơ suất, gây uy hiếp an toàn. Đó là vụ máy bay ATR-72 số VNA 236 và VN 266 sau khi hạ cánh đã xông ra ngoài đường băng. Máy bay A321 số VN 266 được tổ bay quyết định bay muộn lại khi bay qua FIR Prague và B777 số VN 543 va chạm với thang ống khi lăn nhầm gate tại Frankfurt.
Các phi công Đội bay A330 năm 2006.
Năm 2007, nhu cầu nhân lực phi công của Tổng công ty tiếp tục tăng cao, nhất là đối với các loại máy bay A320/321. Đội bay A330 mới thành lập, cần bổ sung thêm người lái, cũng như các khâu chuẩn bị khai thác. Trong năm 2007, Đoàn Bay đã thực hiện 57.021 chuyến bay, trong đó có 159 chuyến chuyên cơ.
Năm 2007 là năm đánh dấu sự kiện quan trọng trong lịch sử Đoàn Bay 919 nói riêng và ngành Hàng không nói chung: 10 năm khai thác bay đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Nhân sự lãnh đạo Đoàn cũng có sự thay đổi, khi đồng chí Phan Xuân Đức thôi giữ chức Đoàn trưởng để giữ chức PTGĐ VNA Đồng chí Hoàng Văn Mạnh, Đoàn phó, cơ trưởng B777, được bổ nhiệm giữ chức Đoàn trưởng Đoàn Bay 919.
Năm 2010, Đoàn Bay vẫn giữ nguyên cơ cấu gồm 5 đội bay B777, A330, A320, ATR-72 và F-70. Trong năm này, tình hình thời tiết của Việt Nam, của khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện kế hoạch bay. Trong khi đó, thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế phục hồi nhanh, kế hoạch vận chuyển hành khách, hàng hóa tăng, mà lực lượng phi công chưa đáp ứng kịp, gây áp lực lớn lên việc xếp lịch bay và cường độ bay của phi công tăng lên, khiến Tổng công ty phải thuê thêm phi công nước ngoài.
Trong năm, với số lượng phi công nước ngoài cho các loại máy bay B777 là 12, A330 là 40, A320/321 là 178 và ATR-72 là 53; để tiếp tục phát triển lực lượng, Đoàn bay đã phối hợp với Trung tâm Huấn luyện bay tổ chức 21 đợt phỏng vấn tuyển chọn phi công để huấn luyện chuyên loại trên các loại máy bay, huấn luyện SEP 553 lượt phi công, DGR 224 lượt phi công, CRM 562 lượt phi công và SEC 557 lượt phi công.
Đến năm 2010, Đội ngũ phi công của Đoàn Bay 919 đã khai thác 40 đường bay quốc tế đến 26 thành phố của 15 quốc gia trên thế giới. Mạng đường bay quốc tế của VNA đã mở mới đến Yangoon (Myanmar), Thượng Hải (Trung Quốc), Fukuoka và Nagoya (Nhật Bản), Pusan (Hàn Quốc).
Ngày 23/6/2010, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 852/QĐ-TTg, chuyển Tổng Công ty Hàng không Việt Nam thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước là chủ sở hữu.
Ngày 10/6/2010, VNA chính thức trở thành thành viên thứ 10 của Liên minh Hàng không toàn cầu – SkyTeam. Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của hãng trong tiến trình hội nhập thành công vào thị trường quốc tế. Sau khi gia nhập liên minh, mạng đường bay của VNA được mở rộng lên tới hơn 1.000 điểm đến trên toàn cầu.
TTNB ĐB