Những ‘cánh tay nối dài’ của VNA đang kinh doanh hiệu quả ra sao?

Kết quả kinh doanh năm 2018 “khủng” chưa từng có tiền lệ trở thành lực đẩy cho Vietnam Airlines trong năm nay. Ngoài những trái ngọt đang tạo dấu ấn, không thể bỏ qua những “món hời” từ các “cánh tay nối dài” khác.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tỷ lệ tăng trưởng về chỉ số tài chính đang thay đổi theo hướng tích cực.

Những chỉ số ấn tượng

Sau gần 25 năm hoạt động, năm 2018, Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines; Mã CK: HVN) đạt tổng doanh thu hợp nhất ở mức cao kỷ lục với 98.950 tỷ đồng, tăng 1,9% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất lớn nhất từ trước đến nay, đạt 3.312 tỷ đồng, vượt 36,8% kế hoạch. Trong đó, công ty mẹ đóng góp 73.227 tỷ đồng doanh thu và 2.418 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 23,4% so với chỉ tiêu Đại hội đồng cổ đông đề ra.

Những tín hiệu tốt đẹp của hoạt động sản xuất kinh doanh đã mang đến sự thay đổi về chỉ số tài chính theo xu hướng an toàn và tích cực. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu đã về mức 2,58 lần, thấp hơn thời điểm đầu năm 2018. Vietnam Airlines giữ vững đà tăng trưởng trên trên sàn giao dịch chứng khoán, được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có thanh khoản cao, giá trị vốn hóa hiện ở mốc gần 2,6 tỷ USD.

Tiếp đà tăng trưởng đó, Vietnam Airlines cũng đạt kết quả sản xuất kinh doanh nổi bật trong quý 1/2019. Tổng doanh thu hợp nhất ước đạt gần 26.000 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 1.500 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch cả năm. Trong đó, công ty mẹ đạt 19.346 tỷ đồng doanh thu, tăng 5,5% so với cùng kỳ và 1.224 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 36,6% so với cùng kỳ.

Năm nay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt hơn 111.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm trước. Lượng hành khách chuyên chở dự kiến đạt 25 triệu lượt. Hãng dự kiến đến cuối năm có 112 máy bay nhờ bổ sung thêm 22 máy bay mới và thay thế 3 chiếc đang thuê. Cùng với đó, công nghệ 4.0 sẽ được hãng ứng dụng vào các hoạt động khai thác, thương mại, dịch vụ để phát triển Vietnam Airlines theo mô hình hãng hàng không số (Digital Airlines) đang thịnh hành trên thế giới.

Lợi nhuận “khủng” đến từ những “cánh tay nối dài”

Cùng với doanh thu vận tải hàng không, cho thuê tàu bay, vận chuyển hàng hoá, Vietnam Airlines còn có đóng góp lớn đến từ doanh thu hoạt động của các công ty con, liên kết. Trong năm 2018, các công ty con, liên kết đã đóng góp hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận cho Vietnam Airlines.

Với mạng lưới liên kết, giá trị cộng hưởng ngang – dọc, các công ty con, liên kết của Vietnam Airlines đã giúp công ty mẹ “hái quả ngọt”. Tính đến hết 31/12/2018, Vietnam Airlines có 15 công ty con (công ty mẹ chiếm từ 51% vốn điều lệ) và 5 công ty liên kết (công ty mẹ chiếm từ 30% vốn điều lệ).

Hầu hết các công ty có vốn góp của Vietnam Airlines đều hoạt động có hiệu quả, liên quan mật thiết đến dây chuyền kinh doanh vận tải hàng không, đóng góp một phần không nhỏ vào kết quả sản xuất kinh doanh chung của Vietnam Airlines. Thậm chí, một số công ty còn tỏ rõ lợi thế với thời gian hoạt động trong ngành lâu năm, vị trí đắc địa, mạng lưới khách hàng rộng khắp…

Cụ thể, Công ty Kỹ thuật máy bay (VAECO) có tổng doanh thu là 2.451 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 142 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2017; Công ty Nhiên liệu hàng không Việt Nam (SKYPEC) có tổng doanh thu năm 2018 đạt 29.196 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 393 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2017; Công ty Suất ăn Hàng không Việt Nam (VACS) trong năm 2018 đã mở rộng thị trường cung cấp suất ăn tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cho Hãng Thomas Cook Airlines (Anh) và TUI fly Nordic (Thụy Điển). Việc này giúp tổng doanh thu của VACS năm 2018 đạt 896 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 193,8 tỷ đồng, tăng 113% so với năm 2017.

Hay với VIAGS, tiền thân là các xí nghiệp cung cấp dịch vụ mặt đất, sở hữu hơn 4.000 nhân viên tay nghề cao cũng có kết quả kinh doanh vượt trội sau 3 năm hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên. Tổng doanh thu năm 2018 của VIAGS đạt 2.047 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 188 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2017.

Hầu hết các công ty có vốn góp của Vietnam Airlines đều hoạt động có hiệu quả, liên quan mật thiết đến dây chuyền kinh doanh vận tải hàng không.

Trong khi đó, ở mảng vận chuyển hàng hoá, logistics phía Bắc, Vietnam Airlines ghi nhận đóng góp lớn từ Công ty Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCTS). Hiện NCTS đang cung cấp dịch vụ phục vụ hàng hoá cho 27 hãng hàng không khai thác tại sân bay quốc tế Nội Bài. Năm 2018, NCTS tiếp tục đạt được danh hiệu “Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” và “Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam” do tạp chí Nhịp cầu đầu tư và Forbes Việt Nam bình chọn. Năm 2018 NCTS đạt tổng doanh thu đạt 719 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 298 tỷ đồng, vượt gần 8% kế hoạch năm. 

Còn ở phía Nam, Vietnam Airlines có Công ty Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) đang trên đà trở thành một trong những nhà ga khai thác hàng hóa hàng không hàng đầu Đông Nam Á. Mới đây, công ty này đã ký hợp đồng phục vụ thành công với hai hãng hàng không châu Á là Chongqing Airlines và Philippines Air Asia được kỳ vọng sẽ củng cố thị phần trên thị trường trong thời gian sắp tới. Trong năm 2018, tổng doanh thu của TCS đạt 876 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 550 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2017.

Các công ty có vốn góp đã hoạt động hiệu quả, giúp đem lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho Vietnam Airlines.

Trong bối cảnh thị phần Vietnam Airlines có nguy cơ suy giảm do sự phát triển như vũ bão các hãng hàng không giá rẻ (LCC) và cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong khu vực và nội địa do chính sách mở cửa bầu trời tại ASEAN, thì các công ty thành viên của Vietnam Airlines rõ ràng là một mảng có biên lợi nhuận cao, đang đóng góp lợi nhuận tốt và rõ rệt cho công ty mẹ. Khi ngành hàng không Việt Nam đang là “ngôi sao” với tốc độ tăng trưởng hành khách, hàng hóa cao nhất trong khu vực, thì “những cánh tay nối dài” của Vietnam Airlines còn nhiều cơ hội để tăng trưởng. Đây sẽ là nền tảng, chỗ dựa vững chắc, giúp cho  Vietnam Airlines yên tâm tập trung toàn lực vào mảng kinh doanh chính là vận tải hàng không trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Khi ngành hàng không Việt Nam đang là “ngôi sao” với tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực, “những cánh tay nối dài” của Vietnam Airlines còn nhiều cơ hội để tăng trưởng.​​​​​​​

Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) chấp thuận niêm yết 1,4 tỷ cổ phiếu HVN. Theo đó hơn 1,4 tỷ cổ phiếu HVN mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu sẽ được niêm yết trên HOSE, tương đương tổng giá trị hơn 14.000 tỷ đồng. Trước đó, Vietnam Airlines đã lên sàn HNX (UpCOM) vào đầu năm 2017 với giá tham chiếu 28.000 đồng/cổ phiếu.

Theo tienphong.vn​​​​​​​

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.