Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển VHAT góp phần đảm bảo an toàn cho mọi hoạt động khai thác, VNA liên tục triển khai nhiều chương trình thúc đẩy VHAT. Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, mỗi năm Hãng hàng không Quốc gia đã thực hiện nhiều lớp đào tạo nội bộ, áp dụng nhiều biện pháp truyền thông để từng bước thay đổi nhận thức, quan niệm và hành động của mỗi cá nhân người lao động VNA về VHAT.
Quá trình xây dựng kiên trì, bền bỉ, kết hợp nhiều biện pháp của VNA đã đem lại nhiều kết quả khả quan khi VHAT đã tác động đến nhận thức, quan niệm và hành động của mỗi cá nhân người lao động.
Là thành viên chỉ mới gia nhập đoàn Tiếp viên VNA từ cuối năm 2019 nhưng sau khi được học những quy định chặt chẽ về an toàn hàng không của VNA, thông qua các bài khảo sát, các khóa học về an toàn và được nhắc nhở ứng dụng ngay trước mỗi chuyến bay, Nguyễn Trương Thảo Linh 176 luôn xác định an toàn là yếu tố sống còn và việc phát triển VHAT là trách nhiệm cao nhất của chính mình: “VHAT có thể tác động trực tiếp đến hiệu quả của an toàn. Nếu cho rằng an toàn hàng không không thực sự quan trọng nên suy nghĩ và làm việc mang tính tạm thời, khi xảy ra sự cố lại giải quyết không dứt khoát hay giấu diếm thì sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Trong ngành hàng không, không có vi phạm an toàn nào là vi phạm nhỏ, một lỗi nhỏ cũng dẫn đến tai nạn thảm khốc”.
Chính vì vậy, “mỗi CBNV của VNA cần phải nắm vững những kiến thức về VHAT. Mỗi chúng ta cần phải tuân thủ và linh hoạt không chỉ trong sách vở, ipad,… mà còn phải tùy thuộc vào tình huống xảy ra tại từng thời điểm để nhanh chóng đưa ra quyết định phù hợp, đồng thời chủ động cảnh báo về an toàn cho hành khách lẫn đồng nghiệp”, Linh cho biết thêm.
Linh cũng khẳng định, trong mỗi hành trình bay, cần đề cao sự phối hợp giữa các CBNV, các đơn vị và các bộ phận để cùng nhau xử lý vấn đề bất thường. “Sự phối hợp này có vai trò vô cùng quan trọng đối với an toàn bay, bởi mỗi cá nhân, mỗi đơn vị là một “mắt xích” trên “dây chuyền” tạo nên sự an toàn trong suốt hành trình bay. Vấn đề bất thường khi được phát hiện sớm và phối hợp xử lý nhanh chóng, kịp thời sẽ chặn đứng được mọi nguy cơ”.
Nói về văn hóa chính trực – một trong 5 thành tố của VHAT, Linh cho rằng văn hóa chính trực sẽ giúp những lỗ hổng từ nhỏ đến lớn trong quá trình khai thác được báo cáo một cách minh bạch mà không bị che đậy do lo sợ bị truy lỗi, từ đó có hướng xử lý kịp thời và hiệu quả.
Chính nhờ nguyên tắc đó mà trong suốt 22 năm liên tục, từ năm 1998 đến nay, VNA nói riêng và ngành hàng không dân dụng Việt Nam nói chung có thành tích nổi bật nhất trong an toàn hàng không.
Thảo Linh cho rằng VNA cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung văn hóa an toàn hàng không. (Ảnh: NVCC).
Về mục tiêu nâng mức VHAT lên chủ động vào năm 2020, tiên tiến vào năm 2035, Linh cho rằng VNA cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung văn hóa an toàn hàng không, kiến thức pháp luật hàng không trong toàn bộ ngành hàng không dân dụng. Đồng thời, lấy thanh niên làm nòng cốt cho phong trào xây dựng văn hóa an toàn hàng không trong toàn ngành.