Sau khi khảo sát các địa bàn bị ảnh hưởng lũ lụt Miền Trung, chúng tôi đã quyết định tặng tiền trực tiếp cho cụm trường mầm non Húc và Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị – là một trong những địa phương nghèo nhất huyện và bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đón đoàn chúng tôi là hạt mưa lạnh và những giọng nói ấm áp của người Quảng Trị. Từ sân bay Huế, chúng tôi di chuyển tới Đông Hà rồi đi tiếp tới Hướng Hóa khoảng 180 km. Đến Đông Hà chúng tôi được biết, nhiều điểm của huyện đã bị ngập phải di chuyển bằng thuyền, có điểm công an giao thông cấm đi lại vì quá nguy hiểm. Đích đến của chúng tôi cũng sẽ không thể di chuyển được tới tận nơi bằng ô tô mà chỉ có thể đi vào khoảng 4km, còn lại 20km phải đi bằng xe máy vì đường lở nhiều. Các cô giáo nói đã chuẩn bị đầy đủ, ủng, áo mưa và các thầy cô sẽ là “xe ôm” để chở chúng tôi vào. Có 30 giây lo lắng và hơi sợ, nhưng dường như có một lời hứa với các em bé mà chúng tôi chưa từng gặp mặt là PHẢI ĐI và chúng tôi lại tiếp tục lên đường.
Hành trình tới cụm trường mầm non Húc và Ba Tầng không hề “êm ả” (Ảnh: Heritage)
Chuyến ghé thăm nhanh chóng vào nghĩa trang Đường 9 – nơi yên nghỉ của gần 10.000 liệt sĩ trong đó có hơn 6000 liệt sĩ vô danh dường như đã tiếp sức thêm cho chúng tôi. Chúng tôi cũng đi qua Khe Sanh, điểm chiến đấu ác liệt trong thời kỳ chống Mỹ. Đứng chạm chân xuống đất, hít hơi thở của núi rừng, cảm nhận hạt mưa lạnh, nhìn mây bay trên núi, lòng chúng tôi cảm thấy tràn đầy sự biết ơn với những người chiến sĩ đã nằm lại nơi đây.
Mưa bắt đầu nặng hạt, tầm nhìn chỉ khoảng 20m, chúng tôi mặc quần áo mưa, chân đi ủng, đầu đội mũ bảo hiểm và ôm chặt lấy các thầy cô giáo – những người cầm lái dũng cảm. Hai bên đường đất đá sụt lở nặng, đoàn chúng tôi vừa hít thở để lấy hết can đảm vừa lắng nghe câu chuyện của thầy giáo cầm lái: “Chúng em ngày nào cũng đi 40-50 km như này đến trường. Trường phải chia ra thành nhiều điểm nhỏ để các con học sinh dân tộc vùng sâu, vùng xa có thể đi bộ đến trường. Thuyết phục mãi cũng chỉ được 2-5% các con đến trường… Các con ở đầy toàn người dân tộc Vân Kiều và Paco, nghèo lắm, hàng ngày cứ đi qua suối đến lớp. Bà con ở đây xây nhà dọc bên suối, khi lũ xuống, đất lở hai bên suối, thế là cuốn theo hết cả nhà cửa, có gia đình bị cuốn cả nhà 7 người trong đó có cả em bé còn trong bụng mẹ…”
Sự “chông chênh” trong cuộc sống của những người dân nơi đây (Ảnh: Heritage)
Nhìn những ánh mặt to tròn trên cơ thể gầy gò của các con, lắng nghe các thầy cô giáo kể và nhìn thấy những hình ảnh đường lở, nhà lở, nhìn con suối hàng ngày các con lội qua, chúng tôi cảm thấy số tiền 300 triệu được chuyển trực tiếp xuống trường để lợp lại mái, mua bát đĩa, cốc chén, đồ chơi cho các con… sẽ phần nào giúp các con ổn định cuộc sống không thấm gì so với những sự tàn phá khủng khiếp của bão lũ mà các con đã trải qua.
Nhìn những ánh mắt trong trẻo và thơ ngây, đoàn chúng tôi trở về và vẫn ám ảnh bởi những đôi mắt và con đường ấy. Ám ảnh bởi trên 90% những đứa trẻ vẫn còn cởi truồng bò lê ở nhà. Trong trái tim tôi ấp ủ mong ước vận động được sinh viên đại học của địa phương sẽ vào đây cùng các con mỗi dịp hè, sống cùng gia đình dân tộc, dạy các em bé biết giữ vệ sinh, biết đi dép, đọc truyện, dạy vé, dạy tô màu… cho các em, động viên các em đi học để sau này có thể tự lo cho cuộc sống của mình, để mảnh đất này đỡ vất vả, chúng tôi sẽ quay lại trong một ngày không xa.
Thương lắm Quảng Trị!