Lãnh đạo Trung tâm điều hành khai thác (OCC) cho VNA Spirit biết, việc áp dụng đường bay linh hoạt sang Châu Âu đã giúp mỗi chuyến bay của VNA tiết kiệm được từ 30 đến 60 phút bay đối với mỗi chuyến bay, dẫn tới tiết kiệm được một lượng nhiên liệu và chi phí rất lớn, đặc biệt góp phần giảm một lượng lớn khí phát thải ra môi trường xứng đáng là Hãng hàng không hàng đầu của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường.
Khởi nguyên dẫn đến sáng kiến này, OCC nói thêm, đường bay châu Âu của VNA đã có từ trên 20 năm qua. “Mỗi khi bay qua không phận các nước, việc xin phép nhà chức trách rất phức tạp. Rất may gần đây, các nước đã có chính sách ‘bầu trời mở’, giúp các hãng hàng không có nhiều lựa chọn linh hoạt”.
Với sự cởi mở này, khái niệm “đường bay linh hoạt” được ra đời, bên cạnh việc lựa chọn đường bay phù hợp cho từng điều kiện khai thác, các hãng hàng không có thể chủ động tiết kiệm được chi phí khai thác. Đặc biệt, khái niệm “linh hoạt” có ý nghĩa hơn khi có quốc gia trên đường bay đóng vùng trời, một số hãng hàng không có thể hủy chuyến bay khi không có đường bay linh hoạt, trong khi VNA dễ dàng điều chỉnh kế hoạch khai thác của mình mà không ảnh hưởng đến phục vụ hành khách.
Nhận thức được lợi ích to lớn mang lại từ đường bay linh hoạt, OCC đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá và xây dựng đường bay linh hoạt từ cuối năm 2018. Trước hết thực hiện đối với đường bay từ HAN đi Châu Âu từ tháng 12/2018, sau đó đến các đường bay đi ĐBA trong năm 2019, ÚC và các đường bay còn lại sẽ được thực hiện trong năm 2020.
“Kế hoạch xây dựng đường bay linh hoạt cho toàn bộ mạng đường bay của VNA đều có sự góp sức của mỗi cá nhân, con người của gia đình OCC, đặc biệt là nhóm chuyên trách thực hiện việc thu thập số liệu, phân tích, đánh giá số liệu và tham mưu cho Ban giám đốc OCC về các đường bay linh hoạt. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các đơn vị liên quan như Đoàn Bay, Ban Dịch vụ Hành khách, NOC, SQD…”.
Để xây dựng được các đường bay linh hoạt, mỗi phương án, nhóm dự án sẽ xây dung, phân tích, đánh giá số liệu từ 4 đến 5 đường bay, sau đó lựa chọn 2-3 đường bay tối ưu để duy trì khai thác trong các thời điểm khác nhau dựa trên tối ưu về mặt chi phí khai thác. “OCC còn phối hợp với Đoàn Bay mời các cơ trưởng người nước ngoài từng có kinh nghiệm bay qua các nước châu Âu để học hỏi kinh nghiệm, phối hợp với Ban DVHK đánh giá điều kiện khai thác các sân bay, phối hợp với Ban SQD đảm bảo đáp ứng các quy trình yêu cầu an toàn khai thác.
Không chỉ tham khảo các phi công, OCC còn tiến hành thu thập dữ liệu của các hãng hàng không khác, tham khảo ý kiến của các nhà sản xuất tàu bay Boeing và Airbus, hỏi kinh nghiệm các hãng trong liên minh SkyTeam.
Các phương án lần lượt được các thành viên tổ dự án đưa ra để lựa chọn phương án tối ưu. “Có tuyến, ban đầu chúng tôi đưa ra tới 10 đường bay, sau đó rút đánh giá chi tiết từng phương án, để gút lại còn 4 đường bay”, đại diện trung tâm mô tả chi tiết và cho biết thêm, khối lượng xử lý tính toán cho tất cả các phương án là “rất đồ sộ”. “Mỗi đường bay có rất nhiều tiểu tiết, mà chỉ riêng việc lập kế hoạch ban đầu đã phát sinh ra tới 50 kế hoạch bay, nhân lên cho 12 tháng mới thấy số lượng nhiều đến thế nào”.
Từ các phương án này, VNA sẽ tiến hành xin phép các quốc gia liên quan, xem khả năng xin có được không, rồi tiến hành bay thử, sau đó hiệu chỉnh, đánh giá thực tế xem mỗi phương án có kết quả như thế nào, có nên đưa vào áp dụng hay không.
Lúc đầu, ý tưởng thay đổi đường bay hiện tại cũng gặp một số ý kiến phản bác. “Có lẽ một số người ngại thay đổi, vì đường bay qua châu Âu đã được áp dụng mười mấy năm qua, nhiều chỗ ngang qua núi cao, hoặc vào những vùng nhiệt độ rất lạnh, nếu thay đổi sợ gặp khó khăn. Tuy nhiên sau khi có kết quả bay thử, tỷ lệ đồng thuận đã cao hơn rất nhiều”, anh chia sẻ.
Sau mỗi chặng bay, tổ bay cùng OCC và các ban liên quan sẽ xem xét hiệu quả. “Hầu hết các đường bay điều chỉnh không chỉ giúp tiết kiệm thời gian bay, mà còn giúp tiết kiệm chi phí khai thác và nhiên liệu rất lớn”.
Việc bay các tuyến đường mới có nhiều điểm khác với tính toán, mà “hầu hết là có lợi hơn”. Ví dụ khi bay châu Âu, theo tính toán, tiết kiệm được 30-60 phút bay. Tuy nhiên, khi bay vào không phận các nước, kiểm soát viên không lưu có thể hướng dẫn phi công bay theo đường tắt, do đó, kết thúc hành trình, có chuyến đã tiết kiệm được tới 90 phút”.
Những chuyến bay đầu tiên, các thành viên dự án, từ OCC, Ban An toàn Chất lượng, đều tham gia tổ bay để trực tiếp trải nghiệm đường bay mới.
“Với tôi, thử nghiệm đường bay đầu tiên từ Hà Nội đi Paris (Pháp), qua các nước Trung Quốc, Mông Cổ, Nga… xuyên đêm là một trải nghiệm thú vị. Tôi cố gắng thức suốt chuyến bay cùng tổ bay, ghi chép các thông số”, đại diện OCC kể.
Sang đến nước bạn, các thành viên tổ dự án nóng ruột mong được về ngay khách sạn, kết nối internet để gửi báo cáo về nhà. “TGĐ cùng các lãnh đạo ở nhà đều chờ kết quả thử nghiệm, ai cũng vỡ òa vui mừng vì thành công hơn cả mong đợi. Chúng tôi cũng cảm thấy rất hạnh phúc, không còn cảm thấy mệt mỏi gì”, anh bồi hồi nhắc lại.
Sau kết quả những chuyến bay thử nghiệm, TCT đã cho triển khai bay thực tế theo các đường bay tối ưu ngay. “TGĐ rất tin tưởng vào kết quả dự án, chỉ đạo rà soát lại tất cả các đường bay. Chúng tôi đang tính toán để sắp xếp ưu tiên thứ tự chặng nào trước, chặng nào sau”, anh bổ sung.
Nói về hiệu quả việc áp dụng đường bay linh hoạt, OCC thông tin: “Các tổ bay đều rất thỏa mãn. Các chỉ số về chuyến bay đều nằm trong kế hoạch dự đoán, các vấn đề đều được kiểm soát tốt”, anh tóm tắt và cho biết, từ khi bắt đầu triển khai, việc áp dụng sáng kiến đã giúp VNA tiết kiệm được 60 tỷ VNĐ
Sau thành công của đường bay châu Âu, OCC đã điều chỉnh toàn bộ đường bay tuyến Đông Bắc Á, tuyến TP HCM – Úc cũng vừa được điều chỉnh trong lịch bay mùa Đông này. Các tuyến bay đi Bali (Indonesia), Phuket (Thái Lan) cũng đang được tính toán 2-3 đường bay mới, thay đổi theo thời tiết hằng ngày.
Thành công của đường bay linh hoạt sang châu Âu là động lực để chúng tôi triển khai các đường bay còn lại của VNA. Đây cũng là kết quả sự hợp tác hiệu quả của các đơn vị, không chỉ trong OCC mà còn trong toàn TCT.
Theo OCC, với các đường bay tới các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, dù quãng đường ngắn, mỗi chuyến hiện mới tiết kiệm được từ 3 đến 5 phút, nhưng với số lượng hàng trăm chuyến mỗi năm, nhân lên, thì chi phí tiết kiệm được cũng không hề nhỏ.
CTV Tiên Long