Đường bay mới TP.Hồ Chí Minh – Vân Đồn: VNA tiếp tục chinh phục thị trường nội địa

Với khả năng khai thác tối ưu trên mỗi chuyến bay và chi phí vận hành thấp, việc triển khai thêm những đường bay mới được đánh giá sẽ là động lực thúc đẩy sự mở rộng thị phần và khẳng định vị thế của VNA trên thị trường.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Là “anh cả” của hàng không Việt, việc VNA tiên phong mở đường bay đầu tiên khi sân bay Vân Đồn đi vào hoạt động là điều không khó đoán. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây mới chỉ là bước khởi đầu cho giai đoạn bứt phá của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam trong việc chiếm lĩnh thị phần và khẳng định vị thế trên thị trường nội địa.

Đầu tư bài bản cho đường bay tiên phong

Tổng giám đốc Dương Trí Thành từng khẳng định trong phát biểu của mình tại lễ ký Thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm hỗ trợ phát triển và xúc tiến du lịch, mở rộng phát triển mạng bay đến/đi từ sân bay Vân Đồn với UBND tỉnh Quảng Ninh: "Mở đường bay đầu tiên đến sân bay Vân Đồn, chúng tôi coi đây là cơ hội và cũng là trách nhiệm của Hãng Hàng không Quốc gia". Phát biểu này cho thấy việc VNA khai thác đường bay thẳng đầu tiên kết nối TP. Hồ Chí Minh với tỉnh Quảng Ninh thông qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn – sân bay đầu tiên tại Việt Nam xây dựng theo hình thức BOT với quy mô vốn đầu tư 7.500 tỉ đồng là một sứ mệnh với phát triển kinh tế, du lịch nước nhà, góp phần hoàn thiện mạng lưới đường bay kết nối mọi vùng miền của đất nước.

VNA mở đường bay đầu tiên khi sân bay Vân Đồn đi vào hoạt động.

Những đầu tư bài bản của VNA cũng cho thấy tầm quan trọng của đường bay kết nối trung tâm kinh tế phía Nam đầy sôi động và cửa ngõ khu vực kinh tế Đông Bắc. Theo đại diện VNA, hãng bay đã tập trung chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về công tác phục vụ. Trang thiết bị mặt đất mới và đồng bộ đã sẵn sàng. Hệ thống làm thủ tục với tính năng mới nhất, nhằm đảm bảo quá trình làm thủ tục nhanh, chính xác, đầy đủ.

 

alt text

Khu vực check-in VNA tại sân bay Vân Đồn.

Tiếp tục chinh phục thị trường nội địa năm 2019

Ngay khi đường bay mới được chuẩn bị đưa vào khai thác, lãnh đạo của VNA không ngần ngại chia sẻ đường bay mới TP. Hồ Chí Minh – Vân Đồn sẽ là sự mở đầu cho một giai đoạn phát triển chiến lược của Vietnam Airlines trong năm 2019.

"Năm 2018 là một năm Vietnam Airlines tập trung chuẩn bị nguồn lực và nâng cấp chất lượng sản phẩm, đặc biệt là đảm bảo và ổn định việc khai thác đúng giờ. Sang năm tới, Hãng hàng không Quốc Gia sẽ bước vào giai đoạn triển khai ồ ạt các đường bay mới và nâng cấp các chuyến bay", CEO Dương Trí Thành khẳng định.

Hệ thống máy tính đã kết nối sẵn sàng phục vụ hành khách.

VNA có lý khi lên kế hoạch bứt phá ngay trong năm 2019 bởi đây sẽ là năm mà hàng không Việt có nhiều thay đổi. Năm mới 2019 sẽ là năm gia tăng sự cạnh tranh khi xuất hiện những tên tuổi mới như Bamboo Airways hay liên doanh giữa Hải Âu và AirAsia với tham vọng chia lại bầu trời. Sức ép từ những cái tên mới dù ít, dù nhiều cũng sẽ khiến những tên tuổi còn lại trên thị trường phải tìm cách củng cố thị phần. Trong đó, gia tăng đường bay mới được nhiều công ty chứng khoán đánh giá là bước đi mang tính chiến lược. Với riêng VNA, việc tỷ lệ lấp đầy cao và chi phí thuộc hàng tối ưu nhất ở những đường bay hiện có khiến họ càng trở nên tự tin khi mở những đường bay mới.

Theo phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tỷ lệ lấp đầy (load factor) của Vietnam Airlines được liên tục tăng trong các năm gần đây, với tỷ lệ load factor 2012 ở mức 76,3% tăng lên 81,5% năm 2017. So với các hãng hàng không theo mô hình truyền thống (Full Service Carrier – FSC) trong khu vực, Vietnam Airlines có tỷ lệ load factor khá tích cực với bình quân 3 năm gần nhất ở mức 81%, thuộc nhóm các hãng hàng không FSC có tỷ lệ lấp đầy cao và tốt hơn so với nhiều hãng hàng không quốc gia khác như Thai Airways (75,2%) hay Japan Airlines (75,7%).

Với khả năng khai thác tối ưu trên mỗi chuyến bay và chi phí vận hành thấp, việc triển khai thêm những đường bay mới được đánh giá sẽ là động lực thúc đẩy sự mở rộng thị phần và khẳng định vị thế của VNA trên thị trường.

Đương nhiên, với những điểm đến hoàn toàn mới như Vân Đồn sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức với người tiên phong mở đường bay mới. Thách thứ mà hãng bay sẽ gặp phải là việc thay đổi thói quen di chuyển của khách hàng, và việc đảm bảo chất lượng phục vụ với một sân bay vừa đi vào hoạt động.

Đường bay mới sẽ là động lực thúc đẩy sự mở rộng thị phần và khẳng định vị thế của VNA trên thị trường.

Trong khi đó, cơ hội từ sân bay mới Vân Đồn được nhiều chuyên gia dự báo là sẽ thu hút được sự quan tâm khi nằm ở một vị trí địa lý đặc biệt trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ tam giác phát triển kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Với vị trí địa lý đặc thù trên vành đai kinh tế Việt Nam – Trung Quốc, sân bay này được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung. Đây sẽ là cơ hội lớn cho Vietnam Airlines chiếm giữ thị phần bay nội địa ở khu vực này, nhất là trong tương lai khi các dự án du lịch, nghỉ dưỡng tại Vân Đồn đi vào hoạt động, đặc biệt là đề án đặc khu kinh tế được thông qua, tỷ trọng khách du lịch và những hành khách đến Vân Đồn với mục đích kinh doanh được dự báo sẽ tăng lên.

Câu chuyện mở đường bay mới vào cuối năm 2018 của VNA phần nào cho thấy mục tiêu rõ ràng trong năm mới 2019 của hãng. Với hành khách, sự nhanh chóng, thuận tiện khi trải nghiệm thêm nhiều lựa chọn đường bay mới sẽ là lợi ích dễ thấy nhất trước thềm năm mới.

Theo kế hoạch, Vietnam Airlines sẽ chính thức khai thác đường bay thẳng TP. Hồ Chí Minh – Vân Đồn từ ngày 30-12-2018 – ngày sân bay Vân Đồn chính thức mở cửa, với tần suất 1 chuyến/ngày bằng tàu bay Airbus A321.

Theo báo NLĐ

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.