Đào tạo phi công tại Việt Nam chuẩn châu Âu: Học viên cần những gì?

‘Nếu bạn quyết định trở thành phi công là bạn được nhận bằng để đi học và thi cả đời’ bởi bằng lái của phi công chỉ có thời hạn trong 5 năm, mỗi năm phải trải qua 8 lần kiểm tra, nếu không đạt sẽ không còn là phi công nữa.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đây là chia sẻ của Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên, Hiệu trưởng Trường đào tạo phi công Bay Việt khi nói về những tiêu chuẩn, điều kiện cũng như quá trình học tập, huấn luyện, vượt qua các kì thi để trở thành một phi công chịu trách nhiệm với sinh mạng hàng trăm con người.

Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên đang giảng dạy cho các học viên tại Trường đào tạo phi công Bay Việt

1,8 tỷ đồng và hàng trăm kỳ thi liên tục

Năm 2012, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) phê chuẩn, cho phép Trường phi công Bay Việt đào tạo huấn luyện phi công, theo chuẩn châu Âu.

Bay Việt là thành quả của Đề án chuyển giao công nghệ do Airbus tài trợ để xây dựng trường bay tại Việt Nam và huấn luyện theo chuẩn châu Âu (EASA) được tiến hành từ năm 2009. Bay Việt hiện là Tổ chức duy nhất được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn thực hiện huấn luyện lý thuyết ATP và MCC. Các chương trình huấn luyện của Bay Việt theo chuẩn EASA – là tiêu chuẩn huấn luyện khó và thuận lợi nhất đối với các đối tượng mà mục đích huấn luyện để trở thành phi công bay vận tải chở khách cho các Hãng hàng không.

Tiêu chuẩn học viên phi công đối với nam phải cao từ 1m65, nặng từ 54kg và nữ cao từ 1m60, nặng 48kg. Học viên ứng tuyển tối thiểu phải tốt nghiệp THPT, TOEIC tiếng Anh từ 550 điểm trở lên.

Chương trình huấn luyện tại Bay Việt bắt đầu từ khâu tuyển chọn với 3 vòng thi tuyển khách quan nhằm đánh giá ứng viên từ Tiếng Anh cơ bản trên máy tính đến kiểm tra kỹ năng và năng khiếu về độ thích ứng với nghề (bài thi ADAPT) cùng với việc phỏng vấn trực tiếp để đánh giá về động cơ và nhận thức hiểu biết của ứng viên.

Trong đó, kết quả của vòng thi ADAPT được đơn vị độc lập chuyên đánh giá ứng viên phi công phân tích và gửi về từ Anh.  Số lượng ứng viên trúng tuyển khoảng 40% – 50%.

Phần lớn giáo viên của Trường là giáo viên nước ngoài.

Chương trình huấn luyện phi công cơ bản diễn ra trong 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, các học viên sẽ trải qua 6 tháng huấn luyện với 14 môn học lý thuyết, 783 giờ học, 30 giờ thi, 3 giờ bay SIM (buồng lái mô phỏng-Simulator) với chương trình chuẩn châu Âu. Học viên sẽ học về nguyên lý bay, máy bay, kiến thức hệ thống, thiết bị hàng không, nhân tố con người, khí tượng, liên lạc hàng không, dẫn đường cơ bản, dẫn đường vô tuyến điện, lập kế hoạch bay, tính năng bay, cân bằng trọng tải, phương thức bay, Luật hàng không.

Sau khi hoàn thành khóa học lý thuyết ATP, ở giai đoạn 2, học viên sẽ lựa chọn Trường huấn luyện bay tại nước ngoài. Đây là các đối tác được các nhà đương cục uy tín trên thế giới (EASA, FAA, CASA, CAANZ) phê chuẩn, Cục Hàng không Việt Nam công nhận và Vietnam Airlines chấp nhận.

Trong suốt quá trình huấn luyện, trường luôn theo dõi tiến độ và chất lượng huấn luyện của từng học viên; liên tục kết nối với nhà trường để xử lý tình huống cả về kỹ thuật cũng như việc tuân thủ kỷ luật của học viên đối với nhà trường.

Phẩm chất của các phi công chuyên nghiệp được rèn luyện suốt quá trình huấn luyện tại trường và các trường đối tác, được củng cố, đánh giá trong giai đoạn huấn luyện Phối hợp tổ bay (Multi Crew Cooperation – MCC). Đây là khóa huấn luyện bắc cầu đưa học viên tiếp cận với môi trường khai thác của các Hãng Hàng không.

Sau khi kết thúc học bay SIM thì học viên chuyển ra ngoài bay huấn luyện.

Bằng lái của phi công chỉ có thời hạn trong 5 năm, mỗi năm phải trải qua 8 lần kiểm tra, trượt lần nào thì không còn là phi công nữa. Hàng năm, các phi công phải kiểm tra sức khoẻ định kỳ (phi công trên 40 tuổi kiểm tra 2 lần/năm), huấn luyện định kỳ (trên SIM) 2 lần/năm, kiểm tra bay thực tế 1 lần/năm, 4 lần thi về thiết bị an toàn, an ninh, kiểm tra Tiếng Anh và các loại thi khác (phương thức bay mới, thiết bị mới) việc thi này lặp đi lặp lại hàng năm.

“Nếu bạn quyết định trở thành phi công là bạn được nhận bằng để đi học và thi cả đời”, cơ trưởng Nguyễn Nam Liên chia sẻ.

Để huấn luyện đào tạo ra một phi công sẽ tiêu tốn khoảng từ 1,8 – 2,5 tỷ đồng. Thời gian đào tạo phi công cơ bản ở tại Việt Nam từ 22-24 tháng, trong đó nếu làm phi công của Vietnam Airlines bắt buộc phải học 3 tháng quân sự. Sau đó phi công sẽ phải mất thêm 5 tháng để học chuyển loại. Đầu ra của phi công là Vietnam Airlines với mức lương khởi điểm là 60 triệu đồng/tháng.

Học viên được hướng dẫn bay SIM ngay tại trường.

Xã hội hoá đào tạo phi công chất lượng sẽ thấp?

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về việc vừa qua Đại biểu Quốc Hội Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng hiện nay việc xã hội hóa huấn luyện phi công  đang tồn tại nhiều bất cập, không đảm bảo chất lượng phi công, Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên khẳng định, xã hội hóa trong huấn luyện phi công là xu thế chung và phổ cập của hàng không thế giới.

“Có tới trên 90% các hãng hàng không trên thế giới hiện nay áp dụng việc tuyển chọn phi công tự túc kinh phí huấn luyện (xã hội hóa) để huy động nguồn lực tài chính từ xã hội cũng như đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động khai thác của Hãng”, vị Cơ trưởng cho biết.

Trong khi đó, nhược điểm của việc hãng hàng không tài trợ chi phí huấn luyện phi công là giá thành chi phí cao, cơ chế xin cho dễ phát sinh tiêu cực và khó dự báo được số lượng thành công.

Nếu không xã hội hoá, hãng hàng không sẽ phải bỏ ra 130.000 USD để đào tạo ra 1 phi công khai thác, sau đó thêm 55.000 – 60.000 USD/tổ lái 2 người (với Boeing 787 là 800 USD/giờ bay SIM).

Thêm vào đó, nhằm đảm bảo số lượng phi công tốt nghiệp theo kế hoạch, các hãng hàng không thường yêu cầu đối tác huấn luyện phải đảm bảo số lượng và tỉ lệ thải loại theo qui định của hợp đồng. Dẫn đến việc các trường bay thỏa thuận với hãng hàng không sẽ chỉ lấy chứng chỉ của trường, không lấy bằng do nhà đương cục cấp. Trong tình huống này, bao cấp huấn luyện không đồng nghĩa với chất lượng huấn luyện cao bởi tỷ lệ thành công bị “ép” phải đáp ứng số lượng theo qui định của hợp đồng.

Thực tế, khi xã hội hóa huấn luyện phi công đã giải quyết được các nhược điểm của phương án trên bởi ưu thế về sự lựa chọn ứng viên rộng, chất lượng đảm bảo khách quan và đặc biệt tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư đào tạo phi công.

Ví dụ, giai đoạn 2009 – 2010, Vietnam Airlines có Đề án đào tạo cho 200 phi công cơ bản với chi phí đầu tư 650 tỉ đồng (130.000 USD/học viên). Nhưng với chính sách xã hội hóa từ năm 2013, Vietnam Airlines đã tuyển dụng được 210 phi công cơ bản chỉ riêng từ Bay Việt mà không phải đầu tư bất kỳ chi phí gì từ ngân sách.

Tính đến năm 2018, khoảng 30 phi công cơ bản tốt nghiệp từ Bay Việt  đã về làm việc cho nhiều hãng hàng không nội địa và cả nước ngoài.

“Xã hội hóa huấn luyện phi công không đồng nghĩa với chất lượng thấp, mà đây là một thực tiễn toàn cầu được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các hãng hàng không trên thế giới. Vấn đề là hãng hàng không phải đưa ra các tiêu chuẩn, yêu cầu đầu vào phù hợp và theo dõi sát sao hoạt động huấn luyện nhằm kiểm soát chất lượng phi công khi tuyển dụng”, Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên cho hay.

Theo báo Chính phủ

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.