Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Trong đó, có Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với tên giao dịch quốc tế viết tắt là CMSC đã chính thức ra mắt chiều 30/9, tại Hà Nội. Tổng hợp Báo cáo tài chính thời điểm 31/12/2017, giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu Nhà nước của 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về Ủy ban này là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.
Trong phát biểu tại lễ ra mắt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Uỷ ban không chỉ quản lý số lượng vốn lớn, tài sản lớn mà còn là những đơn vị có vị trí trọng yếu của nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh TTXVN.
19 Tập đoàn, tổng công ty quy về một mối
Theo Nghị định, 7 Tập đoàn và 12 Tổng công ty được Chính phủ giao Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Thuốc lá Việt nam (Vinataba), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tống công ty Lương thực miền Bắc (Vinafoodl), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe).
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nhanh chóng kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, kiện toàn, không để kẽ hở cho tham nhũng, nâng cao trách nhiệm giải trình tại Ủy ban cũng như tại các tập đoàn, cơ chế giám sát người đại diện, tăng cường minh bạch, tránh thất thoát, không để xảy ra tình trạng "sân trước sân sau"…
Thủ tướng nhấn mạnh việc đưa 19 Tập đoàn, Tổng công ty về Ủy ban sẽ không làm giảm vai trò của các Bộ mà thậm chí còn tăng lên.
"Ủy ban, với vai trò đại diện quyền sở hữu vốn nhà nước không chỉ có Chính phủ mà các cơ quan liên quan, dư luận xã hội đều đang theo dõi, kỳ vọng rất lớn trong đổi mới tư duy, quản trị… Làm sao khắc phục cho được yếu kém, tạo sự khác biệt lớn cho khu vực doanh nghiệp Nhà nước để khu vực này nói riêng và từng doanh nghiệp tăng hiệu quả hoạt động, kinh doanh hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của lĩnh vực nhà nước. Có Ủy ban này, chúng ta kỳ vọng sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp Nhà nước còn cao hơn nữa", Thủ tướng chỉ đạo.
Theo quy định tại Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban, Ủy ban thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp kể từ ngày Nghị định được ký ban hành, tức là từ ngày 29/9/2018.
TTNB tổng hợp