Chào anh, chúc mừng anh vì đã trở thành một trong 8 ứng viên xuất sắc của Giải thưởng “Những Cánh Sen Vàng”. Anh có thể chia sẻ đôi nét về công việc hiện tại của mình tại Ban Kỹ thuật?
Tôi bắt đầu công tác tại Vietnam Airlines từ năm 2014 với vai trò kỹ sư máy bay tại Ban Kỹ thuật. Đến nay đã hơn 10 năm tôi gắn bó với công tác quản lý kỹ thuật đội tàu bay, đặc biệt là công tác kỹ thuật liên quan đến các dự án mua, bán và cho thuê và tiếp nhận tàu bay với các đối tác lớn.
Ngoài các dự án lớn, tôi cũng đảm nhiệm vai trò phụ trách tổ chức và triển khai các hợp đồng bảo dưỡng tàu bay cho đội tàu của Vietnam Airlines với các đối tác trong nước và quốc tế. Trước đó tôi từng có 8 năm đầu sự nghiệp chủ trì biên soạn bộ tài liệu chương trình bảo dưỡng đội tàu bay B787 kể từ khi tiếp nhận năm 2015.
Được biết trong năm 2024, đặc biệt giai đoạn 6 tháng cuối năm, anh đã đạt được rất nhiều tựu, đem về hiệu quả doanh thu lớn cho TCT, anh có thể chia sẻ với Spirit những dự án đó?
Nửa cuối năm 2024 là một giai đoạn bận rộn nhưng cũng rất vui đối với tôi cũng như những thành viên của Ban Kỹ thuật. Một trong những dự án nổi bật mà chúng tôi đã thực hiện là đảm bảo kỹ thuật và chuyển giao 3 tàu A321 cho Pacific Airlines, đồng thời triển khai các hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo rằng các tàu bay này có thể khai thác hiệu quả. Chúng tôi đã hoàn thành công việc này đúng tiến độ, giúp Pacific Airlines duy trì giấy phép AOC từ Cục Hàng không Việt Nam và tiếp tục cung cấp dịch vụ cho hành khách.
Một dự án khác là việc hoàn thiện các điều kiện kỹ thuật trong thời gian rất ngắn để bàn giao tàu bay ATR cho K6 thuê, giúp đối tác duy trì hoạt động khai thác tàu bay. Tôi cũng tham gia vào công tác tiếp nhận tàu bay B787, A877 và đàm phán với Boeing thành công về các rất nhiều gói hỗ trợ quan trọng, góp phần tạo thêm giá trị tài chính lớn cho Vietnam Airlines và bổ sung kịp thời thêm tàu bay thân rộng cho giai đoạn khai thác cao điểm tết cuối năm.
Cuối cùng, tôi đã tham gia vào việc tổng hợp, đàm phán và triển khai hợp đồng bảo dưỡng giữa Vietnam Airlines và VAECO, giúp bảo trì và duy trì khả năng phi hành của đội tàu bay mà không bị gián đoạn trong bối cảnh Khối kỹ thuật chuyển đổi hệ thống MRO-IT.
Thành tựu nổi bật nhất của anh trong thời gian qua là việc đảm bảo kỹ thuật bán thành công 3 chiếc Airbus A321. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về quá trình hoàn thành nhiệm vụ này?
Dự án bán 03 tàu bay A321 cho đối tác HRT của Trung Quốc là một thử thách lớn. Đặc biệt, 3 tàu bay này đã được khai thác 16 năm và cần phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt để xuất khẩu sang Mỹ. Thực tế, việc này gặp khó khăn do tàu bay đã qua sử dụng lâu, và các chuyên gia của bên mua đưa ra hơn 1.500 vấn đề (findings) cần giải quyết.
Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo và tinh thần làm việc tận tâm của cả đội ngũ, chúng tôi đã làm việc không ngừng nghỉ, đặc biệt là trong thời gian Tết Nguyên đán 2024, để hoàn thiện tàu bay và hồ sơ kỹ thuật. Kết quả là bên mua đã chấp nhận nhận 03 tàu bay tàu mà không yêu cầu hỗ trợ chi phí hay cam kết thêm về kỹ thuật giống như các tàu bay khác.
Ngoài ra, tôi còn chủ trì xây dựng phương án cung cấp dịch vụ chuyển sân, đàm phán báo cáo phê duyệt ký kết và triển khai hợp đồng dịch vụ chuyển sân cho 03 tàu bay đến Trung Quốc, mang về doanh thu 120.000 USD cho Vietnam Airlines, đồng thời giúp hoàn tất việc bàn giao 03 tàu bay đúng tiến độ.
Để đạt được những thành công trên, anh đã áp dụng những giải pháp sáng tạo nào để tối ưu hóa công việc và giảm thiểu chi phí?
Công việc của tôi đòi hỏi phải có một chiến lược đàm phán linh hoạt và sáng tạo để tối ưu hóa hiệu quả. Tôi luôn chú trọng vào việc nắm vững các điều khoản kỹ thuật và tình trạng tàu bay để đưa ra các phương án đàm phán phù hợp với từng đối tác. Tôi thường xuyên tổng hợp thông tin và tạo các kịch bản khác nhau, giúp các bên liên quan dễ dàng tham khảo và trao đổi.
Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ số hóa trong công việc cũng giúp tôi tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả. Ví dụ, tôi sử dụng các nền tảng điện tử như Google Drive/Dropbox để lưu trữ tài liệu, giúp mọi người dễ dàng truy cập và làm việc từ xa, đồng thời giảm thiểu rủi ro mất mát thông tin.
Tôi cũng sử dụng một số trợ lý AI như Grammarly (một trợ lý hỗ trợ kiểm tra ngữ pháp, đề xuất các ý tưởng nói trong quá trình giao dịch bằng tiếng anh qua email/tin nhắn), trợ lý chat GPT cho nội dung hỗ trợ các câu hỏi về kỹ thuật, luật hàng không của các nhà chức trách của các đối tác.
Anh có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình thực hiện các dự án?
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là tôi phụ trách một chuyến bay chuyển sân tàu A321 đến Mỹ bàn giao bán cho đối tác. Sau khi hạ cánh tại Alaska, tàu bay của chúng tôi bị từ chối nhập cảnh vì thiếu thủ tục khai báo hải quan từ phía đối tác mua tàu bay tại Mỹ, dù chúng tôi đã hoàn tất các thủ tục ở Việt Nam. Đây là thời điểm căng thẳng vì nếu không nhập cảnh được, chúng tôi sẽ phải hoãn chuyến bay tiếp theo và ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao.
Tuy nhiên, sau nhiều giờ giải quyết vấn đề, chúng tôi đã được Cục Hải quan Mỹ chấp nhận và tiếp tục hành trình. Sau đó, tàu gặp sự cố băng tuyết tại Alaska, và chúng tôi phải phối hợp với đội ngũ mặt đất ở địa phương để phá băng và kiểm tra tàu trong điều kiện rất lạnh. Mặc dù khó khăn, chúng tôi đã bàn giao tàu đúng tiến độ và được đối tác đánh giá cao.
Anh có đề xuất gì để cải thiện quy trình làm việc và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận kỹ thuật?
Tôi cho rằng việc số hóa các quy trình kỹ thuật là rất quan trọng để nâng cao hiệu quả làm việc. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai số hóa lịch sử bảo dưỡng tàu bay và động cơ, thay vì ghi chép thủ công như trước. Điều này giúp giảm thiểu sai sót và tăng tốc độ xử lý công việc. Bên cạnh đó, việc quản lý tình trạng kỹ thuật tàu bay ở Ban Kỹ thuật đang được nghiên cứu triển khai thông qua các ứng dụng AI góp phần nâng cao năng suất lao động và cung cấp các thông tin kịp thời chính xác để quản trị.
Mục tiêu của anh trong công việc và cuộc sống trong thời gian tới là gì?
Mục tiêu công việc của tôi trong năm 2025 là hoàn thiện hệ thống dữ liệu theo dõi tình trạng kỹ thuật của tàu bay và triển khai các phương án bảo dưỡng tàu bay cho đội tàu của Vietnam Airlines tại các sân bay quốc tế. Mục tiêu dài hạn là thiết lập trạm bảo dưỡng ngoại trường tại các quốc gia mà Vietnam Airlines khai thác, không chỉ phục vụ cho Vietnam Airlines mà còn cung cấp dịch vụ cho các bên thứ ba.
Còn mục tiêu phấn đấu và tôn chỉ trong đời sống thì tôi luôn tâm đắc qua mấy ý ngắn gọn như sau:
Khát khao nhưng không kèn cựa
Bận rộn nhưng phải an yên.
Tinh anh nhưng không lọc lõi.
Mềm mỏng nhưng không lắt léo,
Nhiệt tình nhưng phải chân tình,
Cuối cùng là hết mình nhưng luôn là chính mình, nỗ lực hết mình trong công việc và trong cuộc sống, sống chân thành và không ngừng học hỏi.
Nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025 đang đến gần, anh có lời chúc nào dành cho những độc giả của Spirit?
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tôi xin chúc toàn thể đồng nghiệp Vietnam Airlines và quý bạn đọc một năm mới tràn đầy sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Mong rằng Vietnam Airlines sẽ tiếp tục vững cánh bay xa, đạt được nhiều thành tựu mới trong năm mới! Xin cảm ơn.
Xin cảm ơn anh vì những chia sẻ hết sức thú vị. Chúc anh một năm mới sức khỏe, bình an và tiếp tục đóng góp nhiều ý tưởng hữu ích cho TCT.