VAECO: 2 ngày 2 đêm chạy đua cùng thử thách

Đã có: 0 lượt bình chọn
Bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm cùng với sự đoàn kết của cả tập thể, nhóm tác giả tại Trung tâm Phục vụ Bảo dưỡng và Trung tâm Bảo dưỡng nội trường Hà Nội (VAECO) đã thành công trong việc nhanh chóng sửa chữa thành công hệ thống Dock, đảm bảo tiến độ bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay theo dự kiến.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trong quá trình vận hành các chuyến bay, công việc sửa chữa bảo dưỡng tàu bay đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác an toàn bay. Đây là hoạt động cần phải thực hiện định kỳ để có thể hạn chế tối đa những lỗi kỹ thuật có thể xảy ra. 

Hiện nay, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) đang quản lý, sử dụng 6 hang-ga ở các Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài để phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa cho các loại tàu bay với số lượt bảo dưỡng, sửa chữa (BDSC) trong hang ga vào khoảng 420 – 450 lượt/năm.

Trong quá trình BDSC các nhân viên kỹ thuật cần phải sử dụng các loại giàn Dock phù hợp để tiếp cận đến các vị trí trên tàu bay. Tại VAECO, Hang ga số 4 – TSN được trang bị hệ thống Dock treo hiện đại bao gồm các module Dock thân và module Dock đuôi được treo ở khung chịu lực bên phải và bên trái hang ga. Hệ thống Dock này được vận hành tự động bằng bộ điều khiển lập trình PLC (Programmable Logic Controller) để điều khiển các module Dock lên/xuống, ra/vào tiếp cận tàu bay.

alt text
Trong quá trình BDSC các nhân viên kỹ thuật cần phải sử dụng các loại giàn Dock phù hợp để tiếp cận đến các vị trí trên tàu bay. (Ảnh: VAECO).

Bài toán khó thách thức đội ngũ kỹ thuật

Trong tháng 4 vừa qua, một vấn đề kỹ thuật không mong muốn đã xảy ra với hệ thống Dock, đó là bộ điều khiển tự động PLC cho thân bên phải bị hỏng, trong khi nhà sản xuất ASI (Aircraft Support Industries) chưa thể thu xếp qua Việt Nam để sửa chữa khắc phục mà ngày 18/4 đơn vị cần có giàn Dock áp vào tàu bay B787- A864 để sửa chữa.

Tình huống này đặt ra cho đội ngũ kỹ thuật VAECO bài toán là cần phải sớm nghiên cứu giải pháp điều khiển module Dock treo của hang-ga khi bộ PLC bị hỏng.

Để có thể đảm bảo khắc phục vấn đề kịp thời gian thực hiện công việc, anh em kỹ thuật của Trung tâm Phục vụ Bảo dưỡng và Trung tâm Bảo dưỡng nội trường HN đã khẩn trương bắt tay vào nghiên cứu giải pháp xử lý vấn đề này dựa trên cơ sở cách thức vận hành hệ thống Dock treo và kết quả khảo sát tình trạng module Dock thân bên phải. Từ đó tiến hành phân tích, đánh giá hỏng hóc dựa trên các thông tin thực tế tổng hợp được kết hợp với tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất ASI.

Tuy nhiên, trước tình trạng tài liệu của NSX không đầy đủ, NSX lại không hỗ trợ phương án cài đặt lại chương trình điều khiển, chưa kể các cán bộ kỹ sư bảo dưỡng chỉ có 2 ngày để xử lý toàn bộ vấn đề (xin được “slot” hang ga trống).

Đứng trước rất nhiều khó khăn, có những thời điểm tưởng chừng mọi giải pháp đều đã đi vào ngõ cụt. Nhưng với sự quyết tâm cùng tinh thần “Không ngừng sáng tạo” của người VNA, các giải pháp lần lượt được đưa ra giúp anh em kỹ thuật giải quyết triệt để vấn đề. 

alt text
Các CBNV kỹ thuật VAECO nghiên cứu giải pháp điều khiển module Dock treo của hang-ga khi bộ PLC bị hỏng. (Ảnh: VAECO).

Khi cái khó ló cái khôn

“Với tình huống đầy khó khăn, thách thức như vậy, lãnh đạo VAECO thì đang đặt niềm tin vào chúng tôi, điều đó vừa là động lực cho chúng tôi cố gắng nhưng thật sự cũng áp lực. Đúng như ông bà ta hay nói: trong cái khó, ló cái khôn. Sau khi đánh giá các phương án, cuối cùng chúng tôi đã quyết định chọn giải pháp cấp nguồn trực tiếp và độc lập cho các mô tơ lai module Dock di chuyển theo phương ngang và thẳng đứng. Giải pháp này phải nói là hơi mạo hiểm nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm thì chúng tôi đã quyết định thực hiện” – anh Đỗ Lưu Xuân Vũ, PGĐ Trung tâm Phục vụ Bảo dưỡng, Trưởng nhóm sáng kiến chia sẻ. 

Tuy nhiên để thực hiện cách thức trên một cách bài bản và đầy đủ cần phải thiết lập tủ điện điều khiển, có thể vận hành được giàn Dock, không qua bộ điều khiển PLC nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát được tốc độ di chuyển của giàn Dock. 

Để có được tủ điện điều khiển thì trước tiên phải tính toán, xây dựng sơ đồ mạch với giải pháp điều khiển mô tơ thông qua biến tần. Để tiết kiệm chi phí thì anh em quyết định dùng một biến tần (thay vì 2) để điều khiển cả 2 mô tơ. Ngoài ra, nhóm còn có ý tưởng lắp thêm contactor trước mỗi mô tơ để có thể điều chỉnh độc lập từng mô tơ và qua đó có thể điều khiển độc lập hành trình lên/xuống hoặc ra/vào ở mỗi điểm treo trước/sau.

Và chính nhờ cách này đã giúp nhóm tác giả có thể điều chỉnh sai lệch giữa 2 điểm treo của module Dock. Sau khi hoàn chỉnh sơ đồ mạch thì anh em đã tiến hành thuê đối tác cung cấp tủ điện theo sơ đồ mạch đã xây dựng với giá gần 42 triệu đồng.

alt text
Điểm treo module dock vào khung hang-ga. (Ảnh: VAECO).

Vấn đề điều khiển về cơ bản đã được giải quyết nhưng phải tìm ra giải pháp xác định được chính xác độ sai lệch vị trí điểm treo ở hai đầu để đảm bảo kết cấu chịu lực của module Dock. Để làm được điều này thì Nhóm đã có sáng kiến sử dụng dụng cụ cân mực laser, lấy vạch trung tâm trên sàn hang-ga làm chuẩn để  lấy dấu, sau đó phân đoạn di chuyển trên các trục hành trình lên/xuống, ra/vào của Dock. 

Nhờ cách này mới có thể liên tục nhận biết và so sánh được độ sai lệch vị trí giữa 2 điểm treo trong suốt hành trình dịch chuyển của Dock ở bất kỳ thời điểm nào, phục vụ tinh chỉnh các biến tần và để cân bằng sai lệch vị trí hai điểm treo Dock.

“Sau khi vấn đề điều khiển và lệch vị trí đã được xử lý xong thì suốt cả đêm thứ nhất và đêm thứ 2, chúng tôi đã triển khai công đoạn quan trọng cuối cùng, đó là vận hành thử nghiệm kết hợp tinh chỉnh hệ thống, đặc biệt là sai lệch vị trí. Sau khi hoàn thành lắp đặt, cân chỉnh toàn bộ hệ thống, tủ điện điều khiển Dock thân bên phải đã được Ban Đảm bảo chất lượng của VAECO kiểm tra nghiệm thu kỹ thuật trước khi đưa vào sử dụng” – anh Xuân Vũ chia sẻ.

Những lo lắng, vất vả rồi thì cũng đến ngày được đền đáp xứng đáng, ngày 18/4/2022, khi mà Dock thân bên phải được điều khiển thành công để tiếp cận tàu bay B787- A864 cũng là lúc mà anh em ôm chầm lấy nhau trong vui sướng. Đó cũng chính là món quà ý nghĩa nhất cho những nỗ lực của các tác giả sáng kiến.

Giải pháp sáng kiến này đã giúp VAECO giải quyết được đáng kể những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện công việc, không chỉ đảm bảo tiến độ sửa chữa như dự kiến mà còn giúp tiết kiệm số tiền lên đến hơn 42.000 USD nếu phải thuê đội ngũ sửa chữa nước ngoài của NSX. 

Bên cạnh đó, giải pháp kỹ thuật này cũng giúp tối ưu công tác BDSC, thể hiện khả năng làm chủ công nghệ của đội ngũ nhân viên kỹ thuật tại Trung tâm.

alt text
alt text

Giải pháp đã thể hiện khả năng làm chủ công nghệ của đội ngũ nhân viên kỹ thuật tại Trung tâm. (Ảnh: VAECO).

“Đây là tủ điều khiển khác khá nhiều với tủ ban đầu của NSX, do đó để đảm bảo an toàn cho con người và tàu bay khi triển khai đưa vào sử dụng thì nhóm chúng tôi đã Biên soạn tài liệu hướng dẫn vận hành tủ điều khiển dự phòng và tổ chức huấn luyện vận hành cho đơn vị sử dụng” – anh Xuân Vũ hào hứng nói.

Không chỉ nhanh chóng giải quyết các vấn đề gặp phải, tiết kiệm chi phí, thành công của giải pháp cũng thể hiện cho sức sáng tạo, sự quyết tâm để vượt qua thử thách của người VNA. Bên cạnh đó cũng giúp lan toả tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, ý chí tự lực tự cường, khát vọng xây dựng tổ chức vững mạnh của mỗi CBNV VAECO nói riêng và TCT nói chung.

Share bài viết:
Đã có: 0 lượt bình chọn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.