Đây là cũng là chuyến bay đầu tiên của các Hãng hàng không Quốc tế khai thác hàng hóa trên Cabin đến Đà Nẵng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
VNA Spirit đã có buổi phỏng vấn với anh Phạm Đức Nhã – Phó trưởng Trung tâm Điều hành – VIAGS Chi nhánh Đà Nẵng, phụ trách công tác khai thác, phục vụ mặt đất, đồng thời là 1 trong 2 cá nhân được thư khen của Philippine Airlines để lắng nghe những khó khăn cùng ý nghĩa đặc biệt mà chuyến bay trên mang lại.
– Thưa anh, những khó khăn mà VIAGS nói riêng và VNA nói chung phải đối mặt trong quá trình phục vụ chuyến bay trên là gì?
Trước khi dịch bùng phát, chưa có Hãng hàng không nào khai thác hàng hóa trên cabin bằng tàu chở khách tới Đà Nẵng. Do chưa có tiền lệ từ trước nên quy trình, quy định khai thác hàng hóa trên cabin chỉ mới xây dựng kể từ khi Covid-19 xảy ra.
Nắm bắt được nhu cầu vận chuyển hàng hóa để đảm bảo mục tiêu kép của Chính phủ, vừa phát triển Kinh tế vừa phòng chống dịch bệnh, Công ty VIAGS và Chi nhánh VIAGS Đà Nẵng đã chủ động xây dựng quy trình, hướng dẫn công việc thực hiện việc chất xếp hàng hóa trên Cabin bằng tàu chở khách cho các loại tàu bay A321, A330, B787, A350… Cụ thể, triển khai tháo ghế, không tháo ghế, chất trên headlocker…dựa trên hướng dẫn khai thác của TCT cho các tàu của VNA.
Dù vậy, đơn vị cũng gặp phải một số khó khăn như Philippine Airlines có quy định riêng về khai thác về việc khai thác hàng hóa. Bên cạnh đó, thời gian Hãng thông báo cho VIAGS về việc khai thác hàng hóa ngắn (4 ngày trước khi khai thác chính thức). Hãng cũng đưa ra thời gian phục vụ (Ground time) tương đối ngắn, 1h45 phút, buộc VIAGS phải thực hiện được và giá dịch vụ phải cạnh tranh nếu không Hãng sẽ chọn đối thủ cung cấp dịch vụ cạnh tranh khác.
Ngoài ra, mặc dù nhân viên hướng dẫn chất xếp, nhân viên chất xếp hàng trên Cabin đã được đào tạo, tuy nhiên CBNV chưa có kinh nghiệm thực tế về việc chất xếp hàng hóa trên Cabin. Việc chất xếp hàng hóa phải rất cẩn thận để đảm bảo an toàn cho tàu bay và hàng hóa trong suốt quá trình phục vụ. Cuối cùng, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhân viên phục vụ phải tuân thủ tối đa quy định về đảm bảo an toàn khai thác, an toàn để không lây nhiễm dịch bệnh.
– Vậy anh và các đồng nghiệp đã giải quyết những khó khăn trên như thế nào?
Sau khi nhận được đề nghị cung cấp dịch vụ mặt đất và dịch vụ kho bãi hàng hóa cho Hãng, toàn thể VIAGS Đà Nẵng đặt mục tiêu đáp lại niềm tin của khách hàng cũng như hoàn thành nhiệm vụ để tăng doanh thu cho Công ty trong giai đoạn khó khăn dịch bệnh. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc Chi nhánh, cán bộ nhân viên quyết tâm khắt phục các khó khăn và tìm cách để phục vụ chuyến bay tốt nhất, đảm bảo an toàn, đúng giờ.
Cụ thể, chúng tôi đã xây dựng quy trình, hướng dẫn công việc chất xếp hàng hóa trên cabin cho riêng hãng hàng không Philippine Airlines trên cơ sở quy trình đã xây dựng trước đây nhằm phù hợp với quy định riêng của Hãng.
Đồng thời, đơn vị tổ chức đào tạo cho nhân viên liên tục trước khi cung cấp dịch vụ; thường xuyên liên lạc với đại diện Hãng tại TP. Hồ Chí Minh cũng như tại trụ sở của Hãng tại Manila để lấy thông tin về việc chất xếp hàng hóa của Hãng.
VIAGS Đà Nẵng cũng chủ động liên lạc với VIAGS Nội Bài và VIAGS Tân Sơn Nhất nhằm học hỏi kinh nghiệm chất xếp. Đơn vị bố trí tối đa nhân sự, trang thiết bị cho chuyến bay đầu tiên để vừa phục vụ, vừa đào tạo nhằm phục vụ các chuyến bay tiếp theo tốt hơn.
Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với BCĐ phòng chống dịch bệnh Sân bay Đà Nẵng lên phương án phòng dịch tốt nhất cho nhân viên khi phục vụ tàu bay. Đồng thời phối hợp với Phòng Kinh doanh VIAGS để đưa ra phương án phục vụ tốt nhất cũng như phương án giá phục vụ cạnh tranh để đảm bảo khách hàng lựa chọn VIAGS là đơn vị phục vụ cho Hãng.
– Sau những nỗ lực ấy, những “trái ngọt” mà VIAGS Đà Nẵng nhận được là gì?
Vinh dự nhất chắc chắn là việc Hãng đã chọn VIAGS là đơn vị phục vụ các chuyến bay khai thác hàng hóa trên Cabin cho Hãng tới Đà Nẵng. Trong chuyến bay đầu tiên (ngày 1/2/2021), công tác phục vụ chuyến bay tốt, đảm bảo hàng hóa được chất xếp đúng nguyên tắc, đảm bảo an toàn. Chuyến bay rút ngắn thời gian Ground Time 7 phút so với giờ kế hoạch.
Đối với chuyến bay thứ 2 (ngày 7/2/2021), Ground time được rút ngắn 15 phút so với kế hoạch, gián tiếp hỗ trợ Hãng trong việc giảm bớt chi phí về Parking. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Hãng đã gửi thư khen công tác phục vụ của VIAGS, góp phần cho Hãng tiếp tục khai thác hàng hóa trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nhân viên VIAGS Đà Nẵng cũng tự tin hơn trong việc phục vụ các chuyến bay chở hàng trong thời gian tới, không những cho Philippine Airlines mà còn với các Hãng Hàng không khác.
– Theo anh, thành công của chuyến bay chở hàng trên có ý nghĩa như thế nào với Philippine Airlines cũng như với VNA?
Đối với Philippine Airlines, đây có lẽ là điểm “gỡ nút thắt” để mở rộng thị trường khai thác hàng hóa tại khu vực Đà Nẵng, đặc biệt khai thác lượng hàng hóa tại khu vực Miền trung đi Mỹ, Châu Âu nơi mà hàng hóa bị dừng lại trong thời gian dịch bệnh. Qua đó mở ra tiềm năng tăng doanh thu cho Hãng trong thời gian dịch bệnh Covid-19 mà việc vận chuyển hành khách gặp khó khăn, hầu như bị đóng băng.
Đồng thời, thành công này cũng mở ra thời kỳ khai thác các chuyến bay Freigter sau này tại Đà Nẵng, nơi mà lượng hàng hóa bắt đầu tăng dần đặc biệt là hàng hóa may mặc, linh kiện điện tử (thành phố đang có chủ trương khuyến kích đầu tư vào các khu Công nghệ cao). Hiên tại, lượng hàng đi quốc tế tại khu vực Miền Trung phải Trucking, Transit vào TP.Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội để chuyển tiếp đi các nước trong khu vực, Mỹ, Châu Âu thì nay đã có chuyến bay trực tiếp từ Đà Nẵng đi. Nhờ đó giảm thiểu chi phí cho người gửi hàng, kích cầu vận chuyển hàng hóa từ Đà Nẵng bằng đường hàng không.
VNA sẽ mở rộng hơn thị phần khai thác hàng hóa tại Đà Nẵng nơi mà lượng hàng hóa khu vực miền Trung đang phát triển và nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không quốc tế đang lên cao (Ảnh: NVCC)
Trong khi đó, với VNA, việc Philippine Airlines đi tiên phong và thành công trong khai thác hàng hóa quốc tế đầu tiên tại Đà Nẵng, đặc biệt khai thác hàng hóa trên Cabin là tín hiệu thị trường tốt cho VNA cùng tham gia vào thị phần khai thác hàng hóa đi quốc tế trực tiếp từ Đà nẵng thay vì đi transit về quá cảnh qua TP.Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội như trước đây.
Với lợi thế là Hãng hàng không quốc gia, VNA sẽ mở rộng hơn thị phần khai thác hàng hóa tại Đà Nẵng nơi mà lượng hàng hóa khu vực miền Trung đang phát triển và nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không quốc tế đang lên cao. Đây là cơ hội tăng doanh thu cho VNA trong thời gian dịch bệnh Covid-19 mà việc vận chuyển hành khách gặp nhiều khó khăn.
– Bên cạnh chuyến bay trên, anh có thể chia sẻ một số chuyến bay đặc biệt khác mà anh đã tham gia và ấn tượng nhất?
Trong thời gian Covid-19 bùng phát, toàn bộ các chuyến bay thương mại bị dừng chỉ có các chuyến bay hồi hương của VNA đưa công dân Việt Nam là người già trẻ em, phụ nữ mang thai, người có hoàn cảnh đặc biệt về nước và các chuyến bay charter chở chuyên gia tới Việt Nam.
Kể từ cuối tháng 3/2020 đến nay, VNA thực hiên hơn 35 chuyến bay đưa công dân Việt Nam hồi hương từ Mỹ, Pháp, Canada, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan về nước. Bản thân đã trực tiếp điều hành 100% chuyến bay cùng với BCĐ Phòng chống dịch bệnh Sân bay Đà Nẵng để làm sao phục vụ hành khách tốt nhất khi mà quy trình phục vụ các chuyến bay giải cứu chưa có tiền lệ từ trước đến nay.
Vì tính chất đặc biệt của các chuyến bay giải cứu nên có chuyến bay về 221 hành khách thì có tới gần 170 phụ nữa mang thai, 30 người cần trợ giúp, hay có chuyến bay 336 hành khách thì có tới gần 50 người già yếu cần trợ giúp xe chở khách tàn tật khi đến.
Trong các chuyến bay đặc biệt này, tôi vẫn nhớ nhất chuyến bay VN431 đưa Công dân Việt Nam từ Mỹ về nước quá cảnh qua Incheon – Korea. Chuyến bay có 354 hành khách trong đó 15 khách là trẻ em, 39 người già yếu cần hỗ trợ. Khi nhận thông tin về những hành khách đặc biệt, đơn vị đã phân công tối thiểu nhân sự đón khách nhằm tuân thủ quy định phải hạn chế tiếp xúc tối đa.
Tuy nhiên, với số lượng hành khách cần sự hỗ trợ đặc biệt nhiều, chúng tôi cùng nhau bố trí nhân sự vào tận cabin để hỗ trợ khách lên xe lăn, đưa ra xe nâng để đưa khách xuống. Có những trường hợp khách bị ung thư giai đoạn cuối không thể tự lên xe, anh em phải bế khách lên xe. Khi thực hiện nhiệm vụ, anh em dường như chẳng còn bận tâm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho bản thân mà chỉ còn suy nghĩ rằng bà con Việt Nam mình về nước trong lúc khó khăn dịch bệnh, anh em nhân viên VNA cùng động viên nhau hỗ trợ phục vụ hết mình.
Mỗi thành viên VIAGS đều nỗ lực phục vụ hết mình cho bà con trong quá trình trở về với quê hương (Ảnh: NVCC)
Sau chuyến bay, anh em phuc vụ trực tiếp trong đó có tôi về nhà tự cách ly theo quy định. Nếu có hành khách dương tính thì lại tự cách ly thêm từ 3-5 ngày để CDC gọi đi làm xét nghiệm, khi xét nghiệm lại chờ kết quả. Thời gian lúc đó đối với chúng tôi trôi rất lâu, tuy nhiên rât may mắn cho đến hôm nay là sau không biết bao nhiều lần xét nghiệm Covid-19, các anh em chúng tôi vẫn âm tính. Có lẽ đây là điều may mắn, cũng có thể do chúng tôi tuân thủ tuyệt đối quy định phòng dịch, nguyên tắc 5k.
Một điều đặc biệt, khi có lịch chuyến bay hồi hương, các anh em lại xung phong được phục vụ khách, không ngại nguy hiểm. Đây chính là tình thần làm việc trách nhiệm và tinh thần của nhân viên VIAGS – VNA.
Anh Đức Nhã tham dự lễ tri ân “tuyến đầu chống dịch Covid-19” do báo Tuổi trẻ tổ chức (Ảnh: NVCC)
– Năm Tân Sửu 2021 đã tới, anh có thể chia sẻ về mong muốn, định hướng trong năm mới?
Trong năm mới, tôi mong muốn đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt và các chuyến bay quốc nội và đặc biệt các đường bay quốc tế sẽ khai thác trở lại và mong rằng tốc độ phát triển sẽ sớm đạt được như đỉnh điểm năm 2019. Bản thân tôi sẽ tiếp tục trao dồi kiến thức hơn nữa về các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực khai thác để phục vụ tốt nhất cho khách hàng là các Hãng hàng không và đặc biệt nâng cao chất lượng phục vụ cho các chuyến bay của VNA.
Hy vọng rằng, mỗi thành viên VNA với tinh thần Sen Vàng sẽ tiếp tục đồng lòng chia sẻ những khó khăn và vững tâm hướng về một ngày mai tươi sáng khi những cánh bay sen vàng vươn xa, bay cao hơn nữa trên bầu trời.
Vu Hoang Quy – COMM