Trò chuyện cùng người chinh phục “nấc thang” EDTO

Đã có: 0 lượt bình chọn
Để hiểu hơn về những khó khăn, thách thức trong quá trình xin được cấp chứng chỉ EDTO trên 180 phút, hãy cùng VNA Spirit lắng nghe những chia sẻ của anh Trần Văn Kiếm – Trưởng phòng Kỹ thuật khai thác, Trung tâm điều hành khai thác (OCC) cũng là người trực tiếp triển khai quá trình xin phê chuẩn.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Ngày 21/6/2022 vừa qua, VNA đã có một dấu mốc lịch sử khi được Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) phê chuẩn khai thác tầm bay mở rộng (EDTO) trên 180 phút với 8 tàu bay Boeing 787 và 14 tàu Airbus A350 (thời gian EDTO lần lượt là 207 phút và 240 phút). VNA cũng là hãng hàng không duy nhất tại Việt Nam làm được điều này. 

Để hiểu hơn về những khó khăn, thách thức trong quá trình xin được cấp chứng chỉ EDTO trên 180 phút, VNA Spirit xin mời tất cả anh chị em VNA cùng có buổi trò chuyện ngắn cùng anh Trần Văn Kiếm – Trưởng phòng Kỹ thuật khai thác (OCC) cũng là người trực tiếp triển khai quá trình xin phê chuẩn khai thác EDTO trên 180 phút.

alt text
Anh Trần Văn Kiếm – Trưởng phòng Kỹ thuật khai thác. (Ảnh: Mai Hương).

Xin cảm ơn anh Kiếm đã dành thời gian để trò chuyện cùng VNA Spirit.

Ở cương vị người trực tiếp triển khai quá trình xin phê chuẩn khai thác EDTO trên 180 phút, anh có thể chia sẻ đâu là nguyên nhân của việc VNA nhanh chóng đẩy mạnh việc thực hiện việc cấp chứng chỉ EDTO trên 180 phút đến như vậy, được biết VNA mới được cấp chứng chỉ EDTO 180 phút hồi tháng 8 năm ngoái?

Từ tháng 11/2021 VNA đã chính thức mở đường bay thường lệ đến San Francisco, đây là đường bay dài bay qua Bắc Thái Bình dương, trong vùng này rất ít sân bay để làm sân bay dự bị. Các chuyến bay này phải áp dụng EDTO 180 phút và sử dụng một số sân bay Viễn Đông của Nga để làm dự bị dọc đường bay. Tuy nhiên vào mùa hè thì việc sử dụng các sân bay Viễn Đông của Nga cho chuyến bay EDTO 180 phút không hiệu quả do đường bay tối ưu nằm xa các sân bay này hơn 180 phút.

Ngoài ra thời tiết bất thường xuất hiện vào mùa Đông ở các sân bay Viễn Đông Nga, Alaska và Canada cùng với chiến sự xảy ra giữa Nga và Ukraine từ ngày 24/02/2022 làm cho việc lựa chọn sân bay dự bị dọc đường cho các chuyến bay Mỹ khó khăn hơn dẫn đến nhu cầu khai thác EDTO trên 180 phút là cần thiết và cấp bách.

Trước tình hình này Trung tâm điều hành khai thác đã đánh giá và trình báo lãnh đạo TCT vào ngày 24/2/2022 để tiến hành xin phê chuẩn khai thác EDTO 207/180 phút cho 08 tàu B787-9 và 240/180 cho 14 tàu A350.

Công tác triển khai xin phê chuẩn được diễn ra như thế nào, thưa anh?

Trước tình hình cấp bách Lãnh đạo TCT đã chỉ đạo quyết liệt và triển khai thực hiện ngay việc xin phê chuẩn. Các đơn vị có liên quan trong TCT đều đã rất nỗ lực trong việc hiện thực hóa một cách nhanh nhất mục tiêu đề ra. Từ Trung tâm điều hành khai thác, Ban An toàn chất lượng, Đoàn bay cho đến Ban Dịch vụ hành khách, Ban kỹ thuật, Ban Tổ chức nhân lực, Trung tâm huấn luyện.

Các đầu việc lớn có thể kể đến như: Làm việc với Boeing và Airbus để xác định khả năng đáp ứng của các thiết bị đang lắp đặt trên tàu bay cũng như các quy trình khai thác chi tiết từng loại tàu bay B787/A350; Xây dựng kế hoạch xin phê chuẩn khai thác, tổ chức phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị và đề xuất Lãnh đạo TCT giao cho các đơn vị; Nghiên cứu và biên soạn cập nhật các tài liệu về chính sách, quy trình khai thác cho loại hình khai thác đặc biệt này gồm: FOM, FDM, EDTO operation manual, checklist, dữ liệu bay, Bản đồ đường bay, sơ đồ phương thức bay… Training cho tất cả điều phái viên EDTO trên 180 phút; Chuẩn bị trực tiếp các chuyến bay kiểm chứng của Cục HKVN.

alt text
VNA là Hãng hàng không đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được khai thác tầm bay mở rộng trên 180 phút. (Ảnh: OCC).

Trong quá trình thực hiện, anh và các đồng nghiệp đã gặp phải những khó khăn gì?

Để đạt được điều này là không hề dễ dàng, từ việc đạt được phê chuẩn cho đến việc thích ứng, phối hợp giữa các bộ phận sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Bởi so với tầm bay mở rộng EDTO 180 phút, tầm bay mở rộng trên 180 phút đòi hỏi nhiều quy định nghiêm ngặt hơn. Từ việc chuẩn bị trước chuyến bay, yêu cầu các thiết bị tàu bay cho đến quy trình dịch vụ mặt đất tại các sân bay dự bị, tất cả đòi hỏi khối lượng công việc nhiều hơn và đều phải tuân thủ theo các quy định của Cục HKVN. 

Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn đến từ việc xây dựng chính sách quy trình khai thác, thực hiện huấn luyện tổ bay và nhân viên khai thác, bay kiểm chứng do Cục HKVN giám sát phải diễn ra trong thời điểm COVID-19 còn nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, vượt qua tất cả khó khăn, đến ngày 21/6/2022, VNA đã chính thức được phê chuẩn khai khác EDTO trên 180 phút đối với hai dòng máy bay B787 và A350

Vậy còn việc được cấp chứng chỉ khai thác EDTO trên 180 phút mang đến cho Hãng những lợi ích gì trong SXKD thưa anh?

Việc đạt được chứng chỉ đã thể hiện năng lực khai thác, kỹ thuật cũng như độ tin cậy của đội tàu bay. Loại hình này sẽ giúp TCT tăng hiệu quả khai thác, tăng khả năng sử dụng vùng trời cũng như tăng thời gian bay liên tục.

Với giá nhiên liệu tăng cao hiện tại và thời tiết thay đổi bất thường trong khu vực Bắc Thái Bình Dương, việc áp dụng khai thác tầm bay mở rộng EDTO trên 180 phút cho các chuyến bay đi Mỹ theo lịch 2022 ước tính sẽ giúp TCT tiết kiệm được hàng chục tỷ/năm.

Được biết, lần xin phê chuẩn lần này chỉ kéo dài 3 tháng. Đâu là bí quyết để các anh “Đánh nhanh, thắng nhanh” đến như vậy?

Kinh nghiệm của mình đến từ những lần xin cấp phê chuẩn trước đó và quan trọng là sự nỗ lực và đồng lòng của toàn bộ hệ thống VNA, sự chỉ đạo sáng suốt và vào cuộc quyết liệt của Lãnh đạo TCT. 

2022 đã là năm thứ 19 anh gắn bó cùng VNA, anh có thể chia sẻ một kỉ niệm đặc biệt của mình với Hãng được không?

Kỷ niệm mà mình nhớ nhất là cách đây 14 năm, năm 2008. Mình và các anh em được Lãnh đạo TCT giao cho nghiên cứu và xây dựng phương thức tiếp cận hạ cánh bằng thiết bị sử dụng đài dẫn đường VOR/DME (đài dẫn đường đa hướng sóng cực ngắn – đài đo cự ly: xác định cự ly) cho đầu đường CHC 02 tại sân bay Cam Ranh – Nha Trang. Và sau rất nhiều nỗ lực và có sự hỗ trợ của TCT Quản lý bay Việt Nam, cuối cùng chúng mình cũng đã thành công. Đây là phương thức tiếp cận bằng thiết bị đầu tiên cho đầu đường CHC 02 lúc bấy giờ và Cục HKVN đã phê chuẩn chỉ dành cho VNA khai thác đối với các tàu bay loại CAT A/B/C và sau này được áp dụng rộng rãi cho các Hãng khác có chuyến bay đến Cam Ranh.

Đó là kỷ niệm mà mỗi khi nhắc đến mình luôn cảm thấy rất tự hào.

Với anh, đâu là điều tuyệt vời nhất ở VNA?

19 năm gắn bó với VNA, điều vẫn luôn là tuyệt vời nhất với mình đó chính là việc được làm công việc mà mình yêu thích. Mình từng học tập và nghiên cứu tại trường Dresden University of Technology – CHLB Đức, chuyên môn Khai thác bay và giờ đây mình hoàn toàn có thể học tập, nghiên cứu, đào sâu áp dụng những kiến thức đã học vào công việc của mình. Bởi VNA là hãng hàng không có đội tàu bay lớn và rất hiện đại. Đây cũng sẽ là môi trường giúp cho mình có thể chinh phục những đỉnh cao hơn nữa trong công việc khai thác bay.

Được làm công việc mình yêu thích chắc chắn sẽ giúp anh luôn có được năng lượng và sự hứng thú nhiều nhất cho công việc này. Một lần nữa xin cảm ơn anh vì đã dành thời gian để tham gia phỏng vấn cùng VNA Spirit. Xin chúc anh thật nhiều sức khỏe để tiếp tục cùng VNA chinh phục những đỉnh cao mới trong tương lai gần. 

Share bài viết:
Đã có: 0 lượt bình chọn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.