Để có thể hiểu rõ hơn câu chuyện, VNA Spirit đã có buổi trò chuyện nhanh cùng anh Nguyễn Thanh Toàn.
Chào anh, cảm ơn anh đã dành thời gian để tham gia buổi trò chuyện cùng VNA Spirit. Anh có thể giới thiệu qua về mình để anh chị em VNA được biết không?
Xin chào anh chị em của Đại gia đình VNA, mình là Nguyễn Thanh Toàn, hiện tại mình đang công tác tại Đội phục vụ tàu bay, Trung tâm phục vụ sân đỗ Tân Sơn Nhất (VIAGS TSN).
Thưa anh, được biết vừa qua, trong quá trình làm việc, anh đã nhặt được một số tiền rất lớn mà khách hàng để quên, anh có thể chia sẻ rõ hơn về việc này được không?
Hôm đó, vào khoảng 7 giờ rưỡi tối, mình được phân công làm nhiệm vụ vệ sinh trên chuyến bay VN1179 chặng Hải Phòng – TP.Hồ Chí Minh. Trong quá trình làm việc, mình phát hiện một chiếc ví trên khoang máy bay. Ngay lập tức mình đã niêm phong chiếc ví theo đúng quy trình và giao cho quầy hành lý thất lạc của Hãng (L&F – Lost & Found).
Anh có biết trong ví có bao nhiêu tiền không?
Ngay lúc ấy thì mình chỉ biết làm sao chuyển đến quầy L&F nhanh nhất có thể thôi. Hành khách để quên mà, có thể họ cũng đang đi tìm và sẽ cảm thấy lo lắng lắm. Sau này khi được bên bộ phận đó báo lại, mình mới biết trong ví có số tài sản lên đến hơn 300 triệu đồng. Lúc ấy cũng có hơi sốc một chút vì không nghĩ số tiền lại lớn đến như vậy (Cười)
Thật là một số tiền rất lớn phải không anh. Trong quá trình làm việc của mình, đã bao giờ anh nhặt được số tài sản lớn như vậy chưa?
Mình gắn bó với VIAGS TSN được 9 năm rồi mà, cũng nhiều lần nhặt được đồ của khách để quên rồi, nhưng chưa bao giờ có giá trị lớn như thế này.
Đã có 9 năm gắn bó cùng VIAGS và VNA, với anh, đâu là điều quan trọng nhất trong công việc này? Đã bao giờ anh cảm thấy “chán” công việc này chưa?
Theo mình, sự cẩn thận chính là điều quan trọng nhất. Khi chúng ta cẩn thận trong từng hành động, trong từng suy nghĩ, chúng ta sẽ hạn chế được tối đa những sai sót. Ví như công việc vệ sinh tàu bay của mình, nhiều khi đồ khách hàng để quên nằm ở những vị trí rất khó nhìn, nếu không cẩn thận và tỉ mỉ kiểm tra từng khoang ghế, sẽ rất khó phát hiện. Điều đó dẫn đến nguy cơ đồ của hành khách bị thất lạc là rất cao. Không những là những thiệt hại cho khách hàng, bản thân chúng mình cũng sẽ có trách nhiệm vì không hoàn thành công việc của mình.
Vả lại, mình nghĩ, điều cần thiết là chúng ta không chỉ cần rèn luyện cho mình đức tính ấy trong cuộc sống hàng ngày, chứ không chỉ trong công việc. Khi sự cẩn thận đã thành thói quen thì gần như sẽ không thể có những sai sót trong công việc được.
Còn “chán” thì chắc là chưa bao giờ mình cảm thấy “chán” công việc này. Khi chúng ta làm một công việc đủ lâu thì nó ngấm vào máu luôn rồi. Bên cạnh đó, ở VIAGS, tôi luôn có sự đồng hành của người vợ thân yêu của mình. Thế nên là “chán” làm sao được (cười).
Vậy là vợ anh cũng đang công tác tại VIAGS? Hai anh chị gặp nhau ở VIAGS?
Mình vào VIAGS năm 2013, cô ấy thì vào 2016. Chúng tôi là đồng nghiệp của nhau tại Đội phục vụ tàu bay, Trung tâm phục vụ sân đỗ của VIAGS TSN. Ở nhà có vợ, đi làm cũng gặp vợ luôn. Với mình, VNA chính là ngôi nhà thứ hai bởi VNA đã mang đến cho mình một nửa hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời.
Nhân dịp này, anh có muốn lời gửi gắm lời nhắn nhủ gì đến anh chị em VNA không?
Chúc các anh chị em của Đại gia đình VNA chúng ta luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc để hoàn thành tốt nhất mọi công việc được giao. Chúc tất cả mọi người luôn yêu nghề và tìm thấy niềm vui trong công việc của mình. Những năm tháng khó khăn nhất đã qua đi, giờ đây là lúc chúng ta cùng nhau, cùng VNA trở lại bầu trời, sải rộng cánh bay.
PV: Cảm ơn anh về những chia sẻ rất chân thật. Chúc anh chị luôn có được thật nhiều sức khỏe để vững tin và đồng hành cùng gia đình VNA.