Tháng sáu, Sài Gòn vào mùa hạ,
Nhưng hè năm nay không còn rộn rã tiếng cười, niềm nôn nao của các em học sinh chuẩn bị thi chuyển cấp nữa… Dịch ập về, nhấn chìm thành phố phồn hoa vào lặng im. Những con phố trở nên vắng vẻ, dòng người ngổn ngang với âu lo, suy tư.
Mình lại ở nhà tự cách ly. “Thì, cũng như năm ngoái thôi mà. Rồi lại sớm ổn thôi mà”. Mình tự nhủ lòng bằng câu nói chính mình cũng không tin được. Thành phố thân yêu của mình ngày ngày lại báo về số lượng F0 tăng nhanh. Phải làm gì đó thôi, cho thành phố của mình! Nhưng, biết làm được gì đây, ngoài ở yên trong nhà, tuân thủ Chỉ thị 16…
Đang lúc hoang mang thì bạn tôi gửi link kêu gọi tình nguyện viên chống dịch của Thành Đoàn TP.HCM. Từng quận, từng huyện của thành phố đều đang cần người chung tay chống dịch. Hai đứa đăng ký đi cùng nhau.
Lần đầu tôi đi hỗ trợ, nên chỉ đăng ký công việc nhập liệu thôi. Ngày ngày xuống xã Phước Kiển (Nhà Bè) nhập từng xấp giấy. Ngày thì nhập số liệu lấy mẫu, ngày thì nhập số liệu tiêm Vaccine (khi đó đã bắt đầu tiêm cho các đối tượng ưu tiên rồi). Để bảo đảm an toàn cho tình nguyện viên, xã Phước Kiển sắp xếp cho các bạn nhập liệu ngồi trong phòng riêng, khi làm việc phải đeo bao tay, xịt cồn khử khu ẩn thường xuyên. Dẫu vậy, khi nhận từng xấp giấy thông tin lấy mẫu, vẫn thấy lo lắm.
Cuối tháng sáu, TCT tổ chức tiêm Vaccine cho toàn thể nhân viên. Nghỉ bao nhiêu tháng ngày, được lên gặp lại chị em VNA, tôi vui lắm. Dẫu chỉ được nói với nhau vài câu thôi, vì đang dịch mà.
Được tiêm Vaccine rồi, tôi cũng đỡ sợ hơn mỗi khi đi chống dịch. Lúc đó, ngồi trong phòng nhập liệu, có quạt mát, tôi thương các bạn điều phối và các y, bác sĩ phải làm việc bên ngoài lắm. Trời thì nắng, mọi người phải mặc đồ bảo hộ, chắc là rất nóng nực và khó chịu. May sao mình cũng giúp được họ phần nào.
Tháng bảy về, trái với kỳ vọng của mọi người, dịch lại bùng phát mạnh hơn. Nhà bạn cho không cho bạn đi tình nguyện nữa, Thành Đoàn cũng gởi đơn xuống, yêu cầu tình nguyện viên chỉ đi tình nguyện trong khu vực mình ở. Buồn hơn nữa là quận 7 của tôi ở nằm trong danh sách bùng phát dịch. 3 phường của quận 7 bị phong tỏa, trong đó có một phần phường Bình Thuận của mình… Vừa hụt hẫng, vừa sợ hãi, thì ra, dịch đang ở ngay kế bên mình đây thôi. Tôi đắn đo mãi, cũng băn khoăn đủ điều, nhưng mà tuổi trẻ, có những lúc, có những việc, không thể không làm. Đây là lúc đất nước cần đến chúng ta mà. Thế là tôi xin về phường đi tình nguyện. Từ bé đến lớn, toàn lên phường đi xin giấy tờ, lần đầu lên phường với tinh thần như thế.
Hôm đầu đi chống dịch ở phường, tôi bị hoảng thật sự. Anh phụ trách dắt mọi người vào bên trong khu phong tỏa, chia nhóm ra để lấy mẫu xét nghiệm ở từng con hẻm nhỏ. Đi qua bên kia dây rào, tôi không khỏi lo lắng. Hôm đó, lần đầu tiên tôi mặc bộ đồ bảo hộ lâu đên thế. Lúc đầu cứ nghĩ mặc đồ bảo hộ chắc là nóng lắm, nhưng khi ở trong khu phong tỏa, nơi nguy cơ rình rập xung quanh, lại thấy bộ đồ xanh ấy như chưa đủ dày. Cũng ngày hôm ấy, lần đầu tôi thật sự tiếp xúc với F0… Ngồi nhìn kết quả xét nghiệm mà ngơ người lấy một phút. Là sợ, là bàng hoàng, là thương xót. Đằng sau mỗi người F0 ấy, là gia đình, là người thân, là cuộc sống mưu sinh. Lặng người trong giây lát rồi tôi lại tiếp tục tập trung vào công việc. Vì bỗng tôi ý thức được việc mình đang làm quan trọng biết bao, không thể để xảy ra chút sơ sót, sai lệch nào.
Tiếp viên Trương Hiền Dung hỗ trợ nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm và đo huyết áp. (Ảnh: NVCC).
Những ngày sau đó, là chuỗi ngày ra vào khu cách ly. Mỗi ngày mọi người lại làm những điểm khác nhau, đến những nơi khác nhau, gặp những người khác nhau. Tôi làm qua gần hết các vị trí, từ nhập liệu, điều phối người dân giữ khoảng cách an toàn, đi đúng luồng, khu vực quy định, đến ngồi bên các y, bác sĩ, hỗ trợ công việc lấy mẫu xét nghiệm. Chỉ có đi từng nhà phát phiếu xét nghiệm, là chưa đi thôi, vì các bạn nam ưu tiên con gái đó. Có những điểm lấy mẫu, nằm ở nơi con hẻm to rộng, khang trang, cũng có những khu nhà hẻo lánh… Dịch bệnh, không chừa bất kỳ ai.
Đến điểm lấy mẫu lưu động, thì sẽ có nhiều khó khăn. Có nhiều nơi, sắp xếp, bố trí mất thời gian nhiều quá, bị người dân than phiền, buồn một chút, nhưng anh chị em biết động viên nhau, nên rồi cũng qua. Mình làm “tình nguyện” mà, phải cho đúng tinh thần tình nguyện chứ. Lại cũng có những bà con, mới dễ thương làm sao, cho mượn quạt, mượn bàn ghế, có khi còn cho chúng tôi đồ ăn vặt nữa. Nhờ sự động viên ấy mà mọi người trong đội của tôi ai cũng lạc quan, đoàn kết.
Đi nhiều, gặp nhiều cảnh đời thương thật thương. Những em bé còn tí xíu, được người nhà dắt ra xét nghiệm. Những cụ già lớn tuổi không đi được, phải cử riêng một tổ nhỏ xuống nhà giúp. Cực vậy đấy, mà cả đội không ai phàn nàn. Có hỏi tới, thì các bạn lại cười thật tươi bảo rằng “vì nhân dân mà.”
Làm việc trong môi trường nguy hiểm, nên đội lúc nào cũng “bị” anh Bí thư Đoàn phường nhắc bảo đảm an toàn, đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ đúng quy cách, ăn uống đầy đủ trước khi vào khu phong tỏa. Mỗi ba ngày, phường lại tổ chức test nhanh cho cả đội, lúc đó hồi hộp như đi thi vậy. Không chỉ sợ mình bị nhiễm, mà còn sợ sẽ thành gánh nặng cho mọi người trong đội. Các cô trong hội phụ nữ Phường Bình Thuận còn chuẩn bị cho mọi người nước chanh-gừng-sả để uống, tăng sức đề kháng. Mọi người hay trêu nhau rằng, nước chanh-gừng-sả là đặc điểm nhận dạng của phường Bình Thuận.
Đợt dịch này, tôi ngạc nhiên nhất là tinh thần làm việc của đội cán bộ phường. Không thể nghĩ rằng, mọi người lại nhiệt huyết như thế. Mỗi ngày, các “sếp” đều họp đến khuya, điều chỉnh phương thức làm việc sao cho hiệu quả, nhanh gọn, tiết kiệm hơn. Công văn đi đường toàn được ký duyệt lúc nửa đêm, khi mình đã ngủ mất rồi. Và các anh công an nữa. Họ không nề hà gì, ngày đêm canh chốt phong tỏa. Đi vào từng khu nhà trong những hẻm hóc khó đi nhất, thăm hỏi từng nhà có F0, đi phát đồ cứu trợ cho dân trong khu phong tỏa.
Trời không phụ lòng người, sau biết bao cố gắng, biết bao ngày nỗ lực, thì phường tôi ở được gỡ phong tỏa. Tranh thủ vài ngày rảnh rỗi, đội tình nguyện lại kéo nhau lên phường, chia đồ cứu trợ cho dân. Những đứa con miền Sài Gòn, lần đầu nhìn thấy măng rừng, những quả bí đỏ, bí đao, quả bầu to thiệt to từ miền Bắc gửi vào vừa ngỡ ngàng vừa xúc động… Tình thân đồng bào trong cơn hoạn nạn, không biết kể sao cho xiết…
Mấy ngày hôm ấy, đi qua những con đường từng bị chăng dây, mà thấy cứ vui làm sao ấy. Nhờ có một xíu công sức của mình trong ấy, mà người dân ở đó lại được trở lại nhịp sống bình thường, dù không thể so với trước khi có dịch, nhưng ít ra cũng có thể tự do đi mua thức ăn. Có con hẻm từng là khu phong tỏa, ấy vậy mà lại trở thành “vùng xanh”. Vui thật vui!
Khoảng 10 ngày sau khi gỡ phong tỏa, phường tôi bắt đầu chiến dịch tiêm Vaccine toàn dân mũi 1. Thế là mọi người hết “thất nghiệp”. Bố trí điểm tiêm Vaccine, anh chị em vất vả hơn nhiều, vì phải phân ra khu kiểm tra nhiệt độ, khai báo y tế, đo huyết áp, khám sàng lọc, khu tiêm và theo dõi sức khỏe sau tiêm. Mỗi ngày, một điểm tiêm bên mình phải tiêm cho khoảng 1.000 người. Nghe chỉ tiêu có chút lo lắng, nhưng mọi người vẫn làm rất tốt.
Những đồng đội đi tình nguyện cùng tôi, có những anh chị lớn dày dặn kinh nghiệm, linh hoạt, khéo léo, hiểu biết. Cũng có những bạn trẻ, vừa ra trường, hay còn là sinh viên, lác đác có cả những bạn còn học cấp 3 nữa. Những người con ấy của Tổ quốc, có trái tim thật nhiệt huyết, bao dung và lạc quan. Họ vượt qua hết những buồn vui, hằn học, tủi thân, nỗi lo lây bệnh, dốc hết tâm sức ra để giúp đỡ dân. Có cô bạn nhỏ, đỡ từng người lớn tuổi tập tễnh đi qua cả đoạn sân dài. Có người chị, nói chuyện với mọi người thật nhỏ nhẹ, để họ vơi bớt nỗi hồi hộp khi đi tiêm. Có cậu em, bế cụ già từ cổng vào… Thật nhiều, thật nhiều những hình ảnh mà mình không thể nào quên được.
Lần này đi tình nguyện, tôi được “đào tạo ngắn hạn” khóa kỹ năng đo huyết áp. Mới học mà phải thực hành liền, nên cũng có một chút trục trặc. Nhưng nhờ các y, bác sĩ kèm cặp, hỗ trợ nhiệt tình, nên ngày nào tôi cũng hoàn thành tốt công việc. Những ngày ở khu đo huyết áp, tôi gặp qua nhiều người mà mình nhớ mãi. Những người dân của quê hương mình, những người đồng bào của mình, ai ai cũng căng thẳng âu lo vì dịch bệnh hoành hành. Có những mảnh đời, trong cơn hoạn nạn này, lại càng thương tâm hơn…
Tôi nhớ mãi có một ngày, sắp kết thúc giờ làm việc buổi sáng, thì chú công an phường đưa một gia đình vào. Chị gái ấy đưa người bố bị cụt chân, người mẹ lớn tuổi đi không được vững, và cô em gái bị bại não bẩm sinh đi tiêm Vaccine. Giây phút thấy gia đình bước vào, tim mình như bị bóp nghẹp, nhìn thấy những mất mát như thế, mới thấy việc mình có đủ sức khỏe, đủ khả năng làm việc và cống hiến, là may mắn đến nhường nào. Sức khỏe hai bác không được tốt, nên kết quả đo huyết áp lần một không đạt, phải vào nghỉ ngơi chờ đo lại. Chị gái ấy đưa cô em đi tiêm, rồi quay lại chăm sóc bố mẹ. Tranh thủ lúc giãn người, tôi thương chị vất vả, định lại nói vài câu động viên với chị, nhưng chị gái ấy… không cần ai đến cổ vũ cả. Chính sự lạc quan và trái tim bao dung của chị, đã là nguồn động lực to lớn cho bản thân chị rồi. Chị cười bẽn lẽn nói với mình “Mấy em cố gắng nhanh giúp chị nha, ở nhà chị còn 2 con nhỏ đang đợi”, nhà của chị có 5 người, ai cũng cần được chăm sóc hết.” Tôi bất ngờ người trước cách dùng từ đầy yêu thương của chị, “cần được chăm sóc” chứ không phải là gánh nặng.
Gặp được chị, tôi thấy cuộc sống của mình sao nhỏ nhoi quá, chưa làm được gì nhiều cho ai… Có những con người như thế, vất vả cả cuộc đời, nhưng cuộc sống lại ngập tràn tình thương. Hy vọng, mọi người ai cũng sẽ tìm được niềm vui và hạnh phúc khi san sẻ thương yêu như chị.
Hy vọng rằng, chút công sức nhỏ của mình, của các đồng đội của mình, sẽ giúp được phần nào cho đất nước. Để rồi sớm thôi những chuyến xe, chuyến tàu, chuyến bay, lại ngày đêm ngược xuôi đưa người dân đi khắp quê hương tươi đẹp này. Sẽ không còn nữa những khu cách ly, khu phong tỏa. Nhân dân ta sẽ lại được trở về nhịp sống thường ngày, đường phố lại rộn ràng, tấp nập đông vui. Và mong rằng sẽ sớm thôi, trên khắp trái đất này, dịch bệnh không còn là mối đe dọa hay nỗi lo âu nữa. Mọi người lại được khám phá những chân trời mới. Và niềm vui, sẽ lại lan tỏa khắp muôn nơi.