Từ “bài toán” khó nhằn
Từ 12h01 ngày 15/03/2021đến 23h59 ngày 31/05/2021, sân bay quốc tế Nội Bài tiến hành đóng toàn bộ đường cất hạ cánh 11R/29L (đường 1B), đường lăn S1 để sửa chữa giai đoạn 2. Do đó, Nội Bài chỉ còn 1 đường cất hạ cánh 11L/29R (1A) và chỉ có 1 đường lăn EW để phục vụ cho việc cất hạ cánh. Năng lực cất hạ cánh của sân bay Nội Bài trong giai đoạn sửa chữa giảm từ 36 lần/giờ xuống 24 lần/giờ.
Bên cạnh đó, trong tháng 3 hàng năm, tại sân bay Nội Bài thường có sương mù vào ban đêm và buổi sáng. Có những thời điểm, trần mây và tầm nhìn xuống dưới tiêu chuẩn khai thác. Ngoài ra, kể từ 15/3, sản lượng khai thác tại sân bay Nội Bài đã dần hồi phục, tần suất khai thác nội địa của các hãng bắt đầu tăng cao.
“Ba yếu tố khách quan trên đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác của các hãng hàng không nói chung và của VNA nói riêng tại sân bay Nội Bài. Trong một số ngày, tại một số khung thời gian xảy ra ách tắc cục bộ trên không và dưới mặt đất. Tình trạng này ảnh hưởng lớn đến việc kéo đẩy, sắp xếp tàu bay nhằm tối ưu hóa việc cập tàu bay vào cầu hành khách để khai thác.”, anh Phong Châu cho biết.
Trước bối cảnh ấy, vấn đề đặt ra là làm sao xác định được số lượng lượt máy bay cất hạ cánh và số lượng lượt máy bay cất hạ của VNA bị ảnh hưởng bởi tình trạng ách tắc trong một khung giờ (1 tiếng) của ngày kế hoạch N+1 tại sân bay Nội Bài. Một bài toán khác là khả năng linh hoạt kéo đẩy di chuyển tàu bay từ vị trí này sang vị trí khác. Đây đều là các thông tin được xác định là rất cần thiết cho lãnh đạo NOC và OCC trong công tác điều hành.
Sau khi xác định được bài toán cụ thể, “lời giải” mà anh Phong Châu xác định là cần một công cụ thống kê đạt yêu cầu để chi tiết được theo từng hãng, từng khung thời gian, dễ thao tác để có thể triển khai cho cả nhóm, từ đó có kết quả tổng hợp tin cậy.
Tới “lời giải” để xây dựng những kế hoạch khai thác hiệu quả
Trong quá trình xây dựng công cụ thống kê, theo anh Phong Châu, khó khăn lớn nhất là làm sao có thể khai thác được nguồn dữ liệu chuyến bay, giờ bay đi, đến của các hãng hàng không tại khu vực Nội Bài. Bên cạnh đó, trong nhiều nguồn dữ liệu thì việc lấy dữ liệu ở nguồn nào là phù hợp và nhanh nhất cũng không phải lựa chọn dễ dàng.
“Tôi đã được lãnh đạo NOC và các đồng nghiệp trợ giúp, tìm tòi để trả lời câu hỏi lấy dữ liệu ở nguồn nào là phù hợp và nhanh nhất. Ví dụ như muốn so sánh thời Flight time kế hoạch và Flight time thực hiện thì dữ liệu lấy ở nguồn nào?.. Bên cạnh đó, tôi được các anh chị tại Trung tâm Điều hành sân bay Nội Bài tạo điều kiện cung cấp một số dữ liệu theo yêu cầu.”
Được áp dụng từ ngày 20/3, công cụ mới đã mang lại những hiệu quả cụ thể trong thực tế. Có thể kể đến như Phòng Điều hành Khai thác đã có thể xác định ngay được trong một khung giờ (1 tiếng) của ngày kế hoạch N+1, tại sân bay Nội Bài có bao nhiêu lượt máy bay cất hạ, chi tiết được theo từng hãng. Qua đó, việc đánh giá tình trạng ách tắc được triển khai nhanh chóng hơn.
Bên cạnh đó, công cụ mới giúp xác định số lượng chuyến bay đến của VNA phải bay vòng, bay chờ, số lượng chuyến bay đi phải chờ huấn lệnh khởi hành lâu và số lượng chuyến bay đi phải đợi lâu tại các điểm do ùn tắc theo từng khung giờ của ngày thực hiện N-1. Những số liệu trên đã phục vụ tốt công tác quản trị, xây dựng kế hoạch cho ngày hôm sau.
Đồng thời, công tác kéo đẩy tàu bay đã được thực hiện một cách linh hoạt, kết quả là tỷ lệ cập cầu hành khách các chuyến bay chở khách nội địa đạt 45%, tăng 2% so với tháng trước.
Chia sẻ cảm xúc về sáng kiến “nhỏ mà không nhỏ” góp phần tối đa hiệu quả khai thác, anh Phong Châu cho biết: “Tôi thật may mắn khi được làm việc trong thời kỳ VNA có sự phát triển vượt bậc về quy mô đội bay, năng lực sản xuất, năng suất lao động không ngừng được cải tiến, trình độ người lao động không ngừng được tăng cường. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đối với TCT, tôi hy vọng mình được đóng góp sức lực vào mái nhà chung này để xứng đáng với danh hiệu “Chiến binh Sen vàng”.”
Vu Hoang Quy – COMM