Đoàn trưởng Đoàn bay – Tô Ngọc Giang: Tự hào tinh thần cống hiến của thế hệ trẻ Đoàn bay anh hùng 919.
******
Một cơ duyên kéo dài hơn 2 thập kỷ
Xin chào Đoàn trưởng Tô Ngọc Giang, từng nghe anh nói anh vào nghề như một cơ duyên, một cơ duyên ở lứa tuổi 25 đã khá trưởng thành ư?
25 tuổi mới vào nghề thì đúng là cơ duyên mà (cười). Năm 1994 tôi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa ở Nga về Việt Nam. Một kỹ sư vô tuyến điện nào biết nghề phi công là gì, cũng chẳng bao giờ nghĩ một ngày mình sẽ cầm lái những chuyến bay trở hàng trăm người như thế.
Tình cờ tôi thấy mẩu tin quảng cáo VNA tuyển phi công. Đây cũng là thời gian VNA bắt đầu tuyển phi công dân sự. Ứng tuyển với tâm lý thử cho biết, thi tuyển cho vui. Nhận giấy báo trúng tuyển tôi vẫn chưa xác định mình sẽ theo nghề vì khi ấy tôi đang thử việc tại Viettel và FPT, đúng chuyên ngành được đào tạo. Phải sau một khoảng thời gian cân nhắc, tôi mới quyết định đối mặt với thử thách mới – nghề phi công.
Năm 1995, tôi nhập học khóa phi công dân sự của VNA. Hoàn thành khóa học dự bị, tôi được cử đi học lái máy bay tại Pháp và sau đó học chuyển loại các loại máy bay.
Nếu bằng lòng với những gì số phận sắp xếp, tôi đã không trở thành một phi công và có những nhân duyên khác nữa. Đến thời điểm này tôi nghiệm ra là mình đã có quyết định đúng đắn.
Vậy làm gì để cơ duyên ấy gắn chặt một người phi công suốt 22 năm?
Đúng là có những điều hết sức đặc biệt xảy ra trong cuộc đời. Được ngồi trên ghế lái, được trải qua từng chuyến bay mới hiểu được tình yêu của người phi công với nghề nghiệp của mình.
Vẫn là đường bay ấy, đồng nghiệp bay ấy nhưng mỗi chuyến bay lại có những thử thách riêng. Mỗi chuyến bay luôn là một thách thức đối với người phi công. Vượt qua từng thách thức làm nên bản lĩnh của một người phi công và mang lại những cảm xúc không thể nào quên.
Đoàn bay 919 là nơi tôi cầm lái máy bay thương mại đầu tiên. Được là một phần của Đoàn bay có truyền thống 60 năm với tôi là niềm hạnh phúc.
******
Học nghề từ mỗi chuyến bay… truyền nghề
Là một cơ trưởng giàu kinh nghiệm, anh thấy nghề “mới” làm giáo viên dạy bay có ý nghĩa như thế nào?
Là một cơ trưởng, tôi cũng là một giáo viên, kiểm tra viên cho máy bay Airbus A350. Đối với ngành hàng không, đào tạo phi công là rất quan trọng vì cách thức đào tạo, kiến thức truyền tải ảnh hưởng đến việc người học viên thực hiện chuyến bay như thế nào ngay lập tức.
Mỗi chuyến bay có những trục trặc, khúc mắc riêng và tất cả phi công của chúng tôi, kể cả tôi hay những anh phi công sắp về hưu đều luôn luôn học hỏi được điều gì đấy từ chuyến bay của mình. Chính vì thế ngoài đào tạo kiến thức, chúng tôi còn truyền kinh nghiệm xử lý tình huống bất trắc trong quá trình khai thác.
Và anh hẳn cũng được truyền nghề không ít từ những thế hệ đi trước?
Đối với Đoàn bay 919, với lịch sử 60 năm, khi tôi vào đơn vị, điều tôi học được ở các phi công đi trước là tính sáng tạo và sự quyết tâm học hỏi. Có thể quay lại 60 năm về trước thì điều kiện khai thác máy bay, trang thiết bị rất kém, thế mà các phi công thời kỳ đầu vẫn thực hiện được những chuyến bay rất khó khăn, trên những tuyến đường bay lạ.
Áp dụng vào thực tế công việc đi dạy các phi công khác, tôi cũng nhắc nhở các em, những yêu cầu để thực hiện được một chuyến bay bình thường có thể không nhiều, nhưng mình phải luôn tự tìm hiểu, tự học hỏi. Kiến thức ấy có thể không dùng cho chuyến bay hôm nay, chuyến bay ngày mai, nhưng có thể dùng cho chuyến bay tuần sau. Vậy nên chúng ta phải thường xuyên, trau dồi kiến thức để sẵn sàng cho mọi tình huống thực tế.
Đối với Đoàn bay 919, với lịch sử 60 năm, điều Đoàn trưởng Tô Ngọc Giang học được ở các phi công đi trước là tính sáng tạo và sự quyết tâm học hỏi.
******
Tự hào thế hệ trẻ Đoàn bay 919
Từ vị trí của người quản lý, anh có thể nhận xét như thế nào về thế hệ trẻ của Đoàn bay 919 hiện nay?
Đoàn bay 919 có hiện tại khoảng 1.200 phi công, trong đó khoảng 270 phi công nước ngoài, còn lại là phi công Việt Nam. Các phi công chia về 6 đội bay, đội Boeing B787, A350, A321 Bắc, A321 Nam, ATR72 và A330.
Hẳn bạn cũng biết, sau khi đóng cửa máy bay, phi công sẽ là người quyết định mọi việc trên chuyến bay. Họ là người chịu trách nhiệm về tính mạng của hàng trăm hành khách và máy bay, khối tài sản hàng trăm triệu USD. Vì vậy, họ cực kì độc lập và họ khá là quyết đoán trong công việc. Để quản lý những người như thế, người quản lý phải hiểu được họ muốn gì, họ nghĩ gì và tại sao họ làm như thế.
Để hình dung các phi công Đoàn 919, tôi có thể dùng 3 từ ngắn gọn là Sức trẻ, Sáng tạo và Chuyên nghiệp. Tinh thần xuyên suốt là sự cống hiến mà không phải ở đâu cũng cũng có được. Vì Đoàn bay, vì VNA, họ sẵn sàng hy sinh những cuộc vui, những lần đi chơi với gia đình để thực hiện nhiệm vụ bay nhất là trong những thời gian cao điểm như trước Tết, sau Tết, dịp hè.
Anh có lời nào để gửi đến các thành viên Đoàn bay 919 nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Đoàn bay?
Nhân dịp 60 năm thành lập Đoàn bay 919, tôi muốn gửi lời tri ân đến các thế hệ phi công trước, các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp Hàng không và sự nghiệp xây dựng Đoàn bay 919 và VNA. Cảm ơn tất cả các thế hệ phi công trước đã gây dựng nên truyền thống anh hùng của Đoàn bay 919, tạo nền tảng cho sự phát triển của Đoàn bay 919 cũng như TCT hiện nay.
Đối với các thế hệ phi công mới, tôi xin gửi lời nhắn nhủ, hãy tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của Đoàn bay 919, cống hiến sức trẻ, sức sáng tạo, chuyên nghiệp cho Đoàn bay 919 và TCT, góp phần cùng TCT cất cánh bay xa.
Xin cảm ơn anh.