Xu hướng chuyển đổi số trong ngành hàng không

Chuyển đổi số đã và đang trở thành xu thế tất yếu của ngành hàng không toàn cầu. Không chỉ giúp các doanh nghiệp hàng không giải bài toán thị trường, chuyển đổi số còn tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng điểm qua những xu hướng chuyển đổi số trong ngành hàng không trong tương lai gần.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Theo một báo cáo của Market Research Future (1), trong năm 2022, toàn thế giới đã chi ra đến gần 1,6 nghìn tỷ USD cho các khoản đầu tư vào công nghệ và chuyển đổi số – tương đương với mức đầu tư tăng thêm gần 16% so với cùng kỳ. Dự báo đến năm 2030, mức đầu tư sẽ lên đến 7,6 nghìn tỷ USD. Những con số tăng trưởng đáng kinh ngạc là minh chứng rõ rệt nhất cho quyết tâm chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên toàn cầu trong kỷ nguyên 4.0.

Không nằm ngoài dòng chảy đó, ngành hàng không nói chung và các hãng hàng không nói riêng cũng không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động. Theo báo cáo được đưa ra bởi SITA(2) (Một công ty toàn cầu chuyên về công nghệ thông tin và dịch vụ cho ngành hàng không), 96% hãng hàng không và 93% sân bay dự kiến ​​chi tiêu cho lĩnh vực này sẽ giữ nguyên hoặc tăng vào năm 2023.

Có thể thấy, ngành hàng không toàn cầu giờ đây đã xác định chuyển đổi số chính là chiếc chìa khóa vàng để vượt qua những thách thức trong giai đoạn hiện nay, cùng với đó là tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Xu hướng chuyển đổi số trong ngành hàng không

Theo Chiến lược Chuyển đổi số của Tổng công ty Hàng không Việt Nam giai đoạn 2022-2026(3) có đề cập đến tham vọng của IATA tới năm 2030 sẽ có 100% các hãng Hàng không số. Hội đồng tư vấn chuyển đổi số của IATA (DATC) đã tổng hợp và đưa ra nhận định xu hướng CĐS của các ngành hàng không sẽ tập trung vào các lĩnh vực chính sau:

  • Lấy khách hàng làm trung tâm: Mục đích cung cấp các nội dung có liên quan dựa trên sự hiểu biết về khách hàng và đối tác (Ví dụ: Thông qua quản lý danh tính số – Digital Identity giúp cung cấp trải nghiệm khách hàng liền mạch, không tiếp xúc). Cung cấp cho khách hàng công cụ và quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân theo ý muốn hoặc các tùy chọn phương thức thanh toán số… giúp mang trải nghiệm dễ dàng từ đầu đến cuối hành trình.

Ứng dụng Vietnam Airlines ngày càng được hoàn thiện để đem đến sự hài lòng cho khách hàng. (Ảnh: VNA).
  • Khai thác các giá trị từ công nghệ và dữ liệu để chuyển đổi vận hành hướng đến sự linh hoạt, bền vững: Các hãng hàng không có tham vọng trở thành tổ chức định hướng dữ liệu (Data driven Organizations) để gia tăng hiệu quả trong các hoạt động về vận hành (Điều hành chuyến bay, hoạt động trên mặt đất, lập kế hoạch và giám sát thực thi liên bộ phận). Dữ liệu cũng là nguồn đầu vào cho tự động hóa các quy trình, phát triển các công cụ dự đoán, dữ liệu có nguồn gốc từ các hãng hàng không khác và từ các đối tác trong chuỗi giá trị, đồng thời giúp triển khai các chương trình tối ưu hóa chi phí và theo dõi đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp.
  • Mở rộng hệ sinh thái dữ liệu mở: DTAC đã khuyến nghị với Hội đồng quản trị IATA (IATA Board of Governors) về hệ sinh thái dữ liệu tích hợp thông qua API, các tiêu chuẩn và kiến trúc mở, đồng thời đẩy nhanh cung cấp Cổng thông tin dành cho nhà phát triển. Mục tiêu là tạo ra một nền tảng tương tác nơi tất cả những người tham gia có thể đồng sáng tạo và chia sẻ ý tưởng mô hình kinh doanh hoặc dữ liệu giúp tăng tốc độ phát triển các tiêu chuẩn và đẩy nhanh quá trình số hóa.

6 hệ thống hàng không đỏi hỏi sự phát triển nhất quán trong tương lai

Trong những năm tới, cùng với sự phát triển của công nghệ số, các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không sẽ tiếp tục phải nắm bắt các xu hướng chuyển đổi số nếu muốn theo kịp hành trình cách mạng hóa của ngành và không bị bỏ lại phía sau. Theo một phân tích của Apty(4), 6 hệ thống hàng không dưới đây sẽ cần phải được chú trọng phát triển đồng bộ và nhất quán từ các hãng hàng không, các sân bay và các công ty trong ngành.

  • Hệ thống quản lý hãng hàng không – Airline Management System (AMS): Bộ phần mềm toàn diện giúp các hãng hàng không quản lý đội tàu bay và nhân sự cũng như theo dõi hiệu quả về mặt tài chính. AMS có thể giúp các hãng hàng không theo dõi và phân tích dữ liệu khách hàng, quản lý việc bán vé và cấu trúc giá vé cũng như cung cấp dịch vụ khách hàng.
  • Hệ thống kiểm soát không lưu – Air Traffic Control (ATC): Hệ thống này quản lý không lưu, giám sát không phận và điều phối liên lạc giữa kiểm soát viên không lưu và phi công. Phần mềm này có thể cung cấp các dịch vụ kiểm soát không lưu an toàn, hiệu quả và chính xác.
  • Hệ thống quản lý dữ liệu chuyến bay – Flight Management System (FMS): Các hãng hàng không sử dụng hệ thống này để lập kế hoạch đường bay, dẫn đường và khai thác. Hệ thống này giúp phi công và các hãng hàng không tìm đường bay hiệu quả nhất và tối ưu hóa hoạt động khai thác FMS cũng lập kế hoạch và quản lý các hoạt động khai thác bay và giám sát mức tiêu thụ nhiên liệu.

Hệ thống quản lý chuyến bay – Flight Management System (FMS). (Ảnh: St).
  • Hệ thống đặt giữ chỗ – Reservation System (RS): Các hãng hàng không sử dụng hệ thống này để quản lý việc đặt chỗ, đặt vé và lịch bay. Hệ thống này cho phép hành khách đặt vé và quản lý hành trình bay thông qua trang web hoặc ứng dụng di động của hãng hàng không. Hệ thống đặt giữ chỗ cũng xử lý việc xuất vé, phân bổ chỗ ngồi và các nhiệm vụ liên quan khác.
  • Hệ thống dẫn đường – Navigation System (NS): Phi công sử dụng hệ thống này để điều hướng tàu bay trong suốt chuyến bay. Hệ thống sử dụng kết hợp GPS, đài phát sóng vô tuyến dẫn đường và các cảm biến khác để xác định vị trí, độ cao và hướng của tàu Hệ thống định vị cũng cung cấp cho phi công thông tin về điều kiện thời tiết, hạn chế không phận và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến chuyến bay.
  • Hệ thống lập kế hoạch bay – Flight Planning System (FPS): Các hãng hàng không sử dụng để lập kế hoạch và tối ưu hóa các đường bay của họ. Hệ thống này tính đến các yếu tố khác nhau như điều kiện thời tiết, hạn chế không phận, mức tiêu thụ nhiên liệu và các yếu tố khác để mang đến kế hoạch bay an toàn và hiệu quả nhất.

—————

Vietnam Airlines xác định chuyển đổi số là tất yếu nếu muốn có những bứt phá trong sự phát triển, không bị bỏ lại trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là sau giai đoạn khủng hoảng do đại dịch Covid-19 mang lại.

Ngày 20/8/2021, Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số với chức năng tham mưu cho Thường vụ Đảng uỷ, HĐQT trong việc ban hành chủ trương, cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy chuyển đổi số toàn TCT, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi VNA thành hãng hàng không số vào năm 2025.

Tiếp sau đó, ngày 24/2/2022, Trung tâm Chuyển đổi số được thành lập với chức năng tham mưu, giúp việc cho Hội đồng quản trị, Ban chỉ đạo, Tổng giám đốc trong công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình chuyển đổi số của Tổng công ty; triển khai kế hoạch và các chương trình CĐS theo phân công, Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy CĐS của TCT.

Tham khảo

(1)Market Research Future. 09/2023. Market Research Future. Từ: https://www.marketresearchfuture.com/reports/digital-transformation-market-8685

(2)SITA. 01/2023. Aviation CIOs ramp up digital technology investments to meet demands of swift recovery. Từ: https://www.sita.aero/pressroom/news-releases/aviation-cios-ramp-up-digital-technology-investments-to-meet-demands-of-swift-recovery/

(3)Tổng công ty Hàng không Việt Nam. 2022. Chiến lược Chuyển đổi số của Tổng công ty Hàng không Việt Nam giai đoạn 2022-2026

(4)Apty. 30/03/2023. 2023 Enterprise Software Trends in the Airline Industry. Từ: https://www.apty.io/blog/2023-enterprise-software-trends-in-the-airline-industry/

Trung tâm Chuyển đổi số
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.