Nhân dịp Vietnam Airlines vinh dự là hãng hàng không chủ nhà đăng cai Hội nghị An toàn và Khai thác hàng không thế giới do Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9/2023, VNA Spirit đã có cuộc trò chuyện cùng Cơ trưởng Nguyễn Đăng Quang, Trưởng ban An toàn – Chất lượng, Tổng công ty Hàng không Việt Nam về chủ đề này.
Được biết Vietnam Airlines đưa “An toàn” vào hệ giá trị cốt lõi của mình. Ông có thể chia sẻ thêm được không?
Vietnam Airlines luôn xác định An toàn là số 1, là giá trị cốt lõi và nền tảng cho mọi hoạt động. Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng hàng chục nghìn hành khách mỗi ngày, hàng chục triệu hành khách mỗi năm đang đặt niềm tin và có thể nói là cả sinh mạng vào mỗi chuyến bay của Vietnam Airlines. Vì thế, củng cố và nâng cao an toàn là mục tiêu hàng đầu trong công tác điều hành khai thác của chúng tôi. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng dành nguồn lực tốt nhất để đảm bảo thực thi chính sách an toàn cao nhất.
An toàn không thể xây dựng trong ngày một, ngày hai mà một quá trình, Vietnam Airlines là hãng hàng không có lịch sử hoạt động lâu đời và có bề dày kinh nghiệm về an toàn nhất Việt Nam, ông cho biết một vài nét về quá trình xây dựng Hệ thống Quản lý an toàn của Vietnam Airlines?
Bạn biết đấy, hàng không là một ngành rất đặc thù, An toàn hàng không là nhiệm vụ rất quan trọng và cũng là nhiệm vụ sống còn vì đảm bảo an toàn hàng không sẽ tạo dựng uy tín của hãng hàng không, khả năng thu hút vận chuyển hàng không, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và sâu rộng hơn tác động tích cực đến nền kinh tế, uy tín quốc gia. Vì vậy, tiêu chuẩn an toàn hàng không vô cùng khắt khe. Công tác an toàn là hoạt động trường kỳ, liên tục, đòi hỏi Vietnam Airlines không ngừng theo dõi và hành động để củng cố, nâng cao nhận thức an toàn cho toàn thể CBNV.
Hệ thống Quản lý an toàn của Vietnam Airlines đáp ứng quy định tại ICAO Annex 19 và cụ thể hóa tại Phần 1 Bộ Quy chế an toàn hàng không lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay với nội dung chính gồm: chính sách – mục tiêu an toàn, quản lý rủi ro an toàn hàng không, bảo đảm và thúc đẩy an toàn, chia sẻ bảo vệ dữ liệu an toàn hàng không.
Hệ thống quản lý an toàn có 3 mức: Bị động (Reactive), Chủ động (Proactive), Dự báo (Predictive). Vietnam Airlines hiện tại đang ở mức Chủ động và hướng tới mức Dự báo các rủi ro tương lai dựa trên quá trình thu thập, phân tích dữ liệu trong quá khứ, kịp thời xác định các nguy cơ, xử lý phòng ngừa rủi ro với mục tiêu cao nhất đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay.
Vietnam Airlines tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn quản lý và tiêu chuẩn an toàn của các nhà chức trách hàng không lớn trên thế giới như Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Cơ quan an toàn hàng không Châu Âu (EASA), Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) để xây dựng, triển khai hệ thống quản lý an toàn phù hợp với chuẩn mực cao của quốc tế và đã được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn, cơ chế hoạt động đã làm điểm mẫu cho các cơ quan, đơn vị khác trong ngành.
Trước và sau khi có Hệ thống Quản lý an toàn, hoạt động khai thác của Vietnam Airlines có gì khác biệt?
Trong suốt 25 năm qua, chúng tôi luôn tự hào là một điển hình khai thác hàng không an toàn, không để bất cứ sự cố nghiêm trọng nào xảy ra.
Sau khi có hệ thống Quản lý an toàn, các chỉ số an toàn của Vietnam Airlines không ngừng được chuẩn hóa trong bối cảnh quy mô khai thác mở rộng nhanh chóng, thị trường hàng không tăng trưởng nóng. Những chỉ số an toàn trọng yếu vượt trội so với các hãng hàng không khác trong nước và ở mức cao so với mặt bằng chung thế giới (theo đánh giá của IATA).
Chúng tôi luôn tiên phong trong công tác đảm bảo an toàn hàng không và thiết lập nhiều thành tựu an toàn như:
- Năm 2015 trở thành hãng hàng không đầu tiên ở Châu Á – Thái Bình Dương cùng lúc tiếp nhận và khai thác an toàn 2 loại tàu bay hiện đại nhất thế giới là Airbus A350 và Boeing 787-9 Dreamliner.
- Liên tiếp duy trì đạt chứng nhận an toàn khai thác IOSA lần thứ 10 trong suốt chặng đường gần hai thập kỷ kể từ khi là thành viên của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA). Chứng nhận IOSA được coi như một “tấm thẻ xanh” trên con đường hội nhập quốc tế của Vietnam Airlines.
- Tiên phong thực hiện hóa tầm nhìn mới về đánh giá an toàn An toàn Enhanced IOSA năm 2015 và Risk-Based IOSA vào năm 2024 (đây là một trong ba chủ đề lớn của IATA về An toàn gồm: Safety Leadership, Safety Risk, Safety Connect).
- Năm 2021, trở thành Hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam chính thức được cấp phép khai thác các chuyến bay thẳng thương mại thường lệ đến Hoa kỳ, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn khắt khe nhất thế giới.
- Năm 2023, AirlineRatings (trang web uy tín chuyên đánh giá mức độ an toàn và chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không toàn cầu) vinh danh Vietnam Airlines nằm trong Top 20 hãng hàng không tốt nhất thế giới về an toàn và chất lượng dịch vụ.
Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục nâng cấp, vận hành hiệu quả nhất Hệ thống quản lý An toàn – Chất lượng tổng thể (AQD), hệ thống phân tích dữ liệu bay (AGS), tập trung vào thực hiện báo cáo an toàn, xây dựng chương trình phân tích, quản lý rủi ro an toàn, quản lý Big data, đang nghiên cứu áp dụng công nghệ AI để kiểm soát tự động hoá, chuẩn hoá công tác An toàn, duy trì và thực hiện có hiệu quả chương trình đánh giá An toàn – Chất lượng.
Ông đã nhắc tới Văn hóa an toàn và cho biết đây là một phần của văn hoá doanh nghiệp tại Vietnam Airlines. Cụ thể thì Văn hoá an toàn được hiểu như thế nào, thưa ông?
Điểm nổi bật trong Văn hóa an toàn của Vietnam Airlines là đề cao tính trung thực, minh bạch, tạo môi trường làm việc mà mọi nhân viên luôn sẵn sàng báo cáo lỗi, không áp dụng các biện pháp kỷ luật đối với bất cứ nhân viên nào khi chủ động báo cáo trung thực về các sự cố, sự việc ảnh hưởng tới an toàn, các lỗi do sơ ý.
Chúng tôi xác định giữ vững khả năng vận hành an toàn là số 1- không đánh đổi bằng bất cứ giá nào, cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn 4 sao, hướng đến 5 sao theo đánh giá của SkyTrax, bảo vệ môi trường gắn với trách nhiệm xã hội, xây dựng văn hóa an toàn trên cơ sở học hỏi từ các doanh nghiệp lớn như BOS, Inamori và các hãng hàng không 5 sao khác.
Hành trình của Văn hóa an toàn từ khi xây dựng đến nay diễn ra như thế nào?
Một trong những trọng tâm của hệ thống quản lý an toàn là xây dựng văn hóa an toàn hàng không tích cực (positive safety culture) theo mục tiêu của ICAO và IATA. Văn hóa an toàn hàng không được quy định tại Phụ ước 19, cụ thể trong Chương 3 – Văn hóa an toàn của Tài liệu hướng dẫn (Doc) 9859 của ICAO và hiến chương văn hóa an toàn Safety Leadership Charter của IATA.
Theo IATA, Văn hoá an toàn chia ra thành 5 mức độ Sơ khai, Thụ động, Cân nhắc, An toàn chủ động, An toàn tiên tiến.
Năm 2018: Vietnam Airlines xây dựng lộ trình phát triển Văn hóa an toàn gồm xây dựng website văn hóa an toàn, tổ chức Hội thảo, truyền thông văn hóa an toàn, triển khai đồng bộ chương trình đào tạo sâu rộng từ người lao động tuyến đầu đến các cấp quản lý – giám sát, lãnh đạo cấp cao.
Năm 2019: Thực hiện khảo sát văn hóa an toàn độc lập của tổ chức quốc tế Welbees, số hóa tài liệu bài giảng trên hệ thống Elearning, xây dựng và ban hành bộ định nghĩa hành vi về văn hóa an toàn.
Năm 2020: Đổi mới website văn hóa an toàn (https://vhat.vietnamairlines.com) và ứng dụng trên di động. Website VHAT trở thành thư viện thông tin vô cùng phong phú về các hoạt động của UBAT, bản tin an toàn trong và ngoài nước, video các sự cố hàng không và các cuộc điều tra an toàn trên thế giới, thông tin khóa học, bộ định nghĩa hành vi văn hóa an toàn. Ngoài ra, chúng tôi liên tục đào tạo văn hóa an toàn, tổ chức cuộc thi “Gamification”, thu hút hàng nghìn CBNV tham dự. Đáng vui mừng là năm 2020, VHAT Vietnam Airlines đã đạt Mức độ An toàn chủ động (Proactive).
Năm 2023: Lãnh đạo an toàn, tư duy học hỏi và cải tiến liên tục là chìa khóa để tạo điều kiện cho sự trưởng thành văn hóa an toàn ở mức độ cao nhất. Vietnam Airlines đang chuẩn bị khởi động cuộc khảo sát văn hóa an toàn hàng không (I-ASC) của IATA trong tháng 9 tới.
Vietnam Airlines đặt mục tiêu Văn hóa an toàn tiệm cận mức 5.0 An toàn Tiên tiến (Generative level) dựa trên các mục tiêu: Lãnh đạo ở mọi cấp vào cuộc và hành động; tạo dựng môi trường tin cậy nơi cán bộ nhân viên được khuyến khích, tin tưởng, tự nguyện và chủ động báo cáo các thông tin liên quan đến an toàn trên hệ thống AQD; cán bộ nhân viên thấu hiểu bộ định nghĩa hành vi; tư duy học hỏi, cải tiến liên tục là chìa khóa để tạo điều kiện cho sự trưởng thành văn hóa an toàn ở mức độ cao nhất; thúc đẩy khai thác an toàn và hiệu quả.
Để đạt được mục tiêu trên, chúng tôi phát triển mạnh mẽ các giá trị:
- 5 giá trị văn hóa nền tảng: Văn hóa báo cáo, văn hóa học tập liên tục, văn hóa chính trực, văn hóa thông tin, văn hóa thích ứng linh hoạt.
- 6 trụ cột của Văn hóa an toàn: Chuyển đổi số an toàn, truyền thông an toàn, huấn luyện đào tạo Hệ thống quản lý an toàn, đánh giá và quản lý rủi ro đối với Hệ thống quản lý an toàn, khảo sát văn hóa an toàn, chuyển giao kiến thức.
Thúc đẩy văn hóa an toàn là quá trình liên tục, không ngừng nghỉ với mục đích nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân trong tổ chức hàng không. Chúng tôi giữ vững tinh thần nhiệt huyết để tạo ra “đường băng” thuận lợi cho hành trình cất cánh mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn và an toàn hơn.
Xin chân thành cảm ơn ông về những chia sẻ vừa rồi!