Vietnam Airlines hòa mình vào guồng quay chuyển đổi số quốc gia

Không nằm ngoài guồng quay chuyển đổi số đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, Vietnam Airlines đã và đang không ngừng đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, xây dựng văn hóa số với mục tiêu đưa Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không số vào năm 2025.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội cho các quốc gia bứt phá vươn lên. Tại Việt Nam, tiến trình chuyển đổi đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Căn cứ cho các hoạt động chuyển đổi số tại Vietnam Airlines  

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư(1). Nghị quyết nêu rõ: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Vì thế, cần phải nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội thông qua nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội.

Đến tháng 6/2020, “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” chính thức được phê duyệt với tầm nhìn đến năm 2030: Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng(2). Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu

Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030(3) với tầm nhìn: Phát triển số với việc tạo tăng trưởng dựa trên yếu tố đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số, trở thành một trong những phương thức phát triển chủ đạo mới để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững,… phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, hạnh phúc hơn, tham gia các hoạt động xã hội toàn diện hơn, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuận lợi hơn, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn, nhân văn và rộng khắp.

3 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia: Chính phủ số – Kinh tế số – Xã hội số.

Trong đó, nhấn mạnh các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước khác chủ động tích cực tham gia triển khai Chiến lược; phát huy vai trò dẫn dắt phát triển và triển khai các nền tảng, giải pháp phát triển kinh tế số và xã hội số, hình thành các hệ sinh thái số, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực mình hoạt động; tích cực, tiên phong đầu tư phát triển các nền tảng số quốc gia, nền tảng số ngành; huy động, tập hợp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghệ số cùng tham gia phát triển hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số.

Với những mục tiêu, tầm nhìn rõ ràng, quy định cụ thể, các văn bản pháp luật của Đảng, Nhà nước là tiền đề căn bản vô cùng quan trọng để Việt Nam tiến nhanh trên hành trình Chuyển đổi số quốc gia.

Từ năm 2022, ngày 10/10 hàng năm được chọn là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Sự kiện được tổ chức hằng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số, đồng thời thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Bộ Chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp – Digital Business Indicators (DBI)

Năm 2022, Vietnam Airlines đã tiến hành đánh giá mức độ CĐS theo bộ chỉ số DBI của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ Chỉ số DBI gồm có 6 trụ cột đánh giá bao gồm: Trải nghiệm số cho khách hàng, Chiến lược, Hạ tầng và công nghệ số, Vận hành, Chuyển đổi số văn hóa doanh nghiệp và Dữ liệu và tài sản thông tin(4).

Với cấp độ doanh nghiệp nhỏ và vừa, 6 trụ cột được chia thành 10 chỉ số thành phần và 60 tiêu chí cụ thể với tổng điểm là 320. Với cấp độ doanh nghiệp lớn, 6 trụ cột được chia thành 25 chỉ số thành phần và 139 tiêu chí cụ thể với tổng điểm là 695. Với cấp độ tập đoàn/tổng công ty, việc đánh giá mức độ chuyển đổi số được tổng hợp trên cơ sở kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của các đơn vị thành viên (gồm công ty mẹ và các công ty con, đơn vị thành viên, đơn vị sự nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện… của tập đoàn, tổng công ty).

Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cho doanh nghiệp lớn.

Trên cơ sở kết quả đánh giá, Mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp được chia thành các cấp độ cụ thể bao gồm: Chưa chuyển đổi số, Khởi động, Bắt đầu, Hình thành, Nâng cao và Dẫn dắt.

6 mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp (DBI).

Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng văn hóa số tại Vietnam Airlines

Tại Vietnam Airlines, công tác chuyển đổi số cũng rất được chú trọng. Tháng 6/2021, Đảng ủy Tổng công ty ban hành Nghị quyết số 55-NQ/ĐUTCT về việc triển khai công tác CĐS tại TCTHK giai đoạn 2021-2025.

Tháng 8/2021, Hội đồng quản trị Tổng công ty ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số, nhằm tham mưu cho Thường vụ Đảng uỷ, HĐQT trong việc ban hành chủ trương, cơ chế và tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ triển khai nhanh các công việc chuyển đổi số. Đến tháng 4/2022, là sự ra đời của Trung tâm Chuyển đổi số.

Lộ trình triển khai để Vietnam Airlines trở thành Hãng hàng không số.

Ngay sau khi được thành lập, Trung tâm Chuyển đổi số đã nhanh chóng hoàn thành hai nhiệm vụ quan trọng là: Đánh giá Mức độ chuyển đổi số năm 2022 của TCTHK đánh giá theo bộ chỉ số DBI của Bộ Thông tin và Truyền thông và xây dựng Chiến lược Chuyển đổi số của TCTHK giai đoạn 2022 – 2026.

Tiến thêm một bước trên hành trình chuyển đổi số toàn diện – cả về văn hóa lẫn công nghệ, dữ liệu, tháng 10/2022, Tuyên bố Văn hóa số Vietnam Airlines ra đời – cột mốc đánh dấu cho việc Vietnam Airlines đã bắt tay vào xây dựng văn hóa số khởi đầu bằng xây dựng văn hóa và hành vi lãnh đạo thể hiện qua đường lối, chiến lược và kế hoạch rõ ràng cùng sự cam kết, quyết tâm và chuyển hóa thành các hành động cụ thể trong toàn tổ chức. Và sắp tới đây là ban hành Sổ tay Văn hóa số Vietnam Airlines và Chiến lược Văn hóa số Vietnam Airlines.

Với những giá trị đã được xác lập rõ ràng, Vietnam Airlines sẽ không ngừng kiến tạo văn hóa số. Từng lãnh đạo, từng nhân viên sẽ hiểu rõ và làm việc theo những thành tố văn hóa số, từng bước xây dựng một nền văn hóa số vững chắc, tiên tiến của Vietnam Airlines – tạo môi trường thuận lợi nhất cho chuyển đổi số tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Trung tâm Chuyển đổi số

Tham khảo

(1)Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

(2)Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030

(3)Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

(4)Quyết định số 1970/QĐ-BTTTT ngày 13/12/2021 của Bộ Thông tin & Truyền thông về phê duyệt Đề án xác định Chỉ số đánh giá Mức độ Chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số.

Trung tâm CĐS
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.