IoT là xu hướng tất yếu của công nghệ và khả năng giao tiếp của thiết bị là điểm quan trọng hàng đầu của IoT; trong đó, công nghệ RFID (Radio frequency Identification) nhận dạng ‘đối tượng’ bằng sóng vô tuyến đang góp phần thúc đẩy phát triển xu hướng này. RFID là một kỹ thuật nhận dạng vô tuyến từ xa, cho phép dữ liệu trên con chip được đọc một cách “không tiếp xúc” qua đường dẫn sóng vô tuyến ở khoảng cách từ 50cm đến tới 10m, tùy theo loại thẻ nhãn RFID. Việc gắn các thẻ RFID vào các thiết bị cho phép người sử dụng định danh thông tin của thiết bị. Từ đó, người theo dõi sẽ dễ dàng hơn cập nhập các số liệu về thiết bị.
RFID đã đưa công nghệ định danh tự động (auto ID) lên một tầm cao mới bằng cách cho phép đọc thông tin các thẻ mà không cần căn chỉnh máy quét trực tiếp vào bề mặt thẻ. Đối với ngành hàng không trên thế giới, công nghệ RFID đã được áp dụng từ lâu, phổ biến nhất là để theo dõi hành lý (baggage tracking) và quản lý trang thiết bị tàu bay (critical airplane part).
Trước đây để thực hiện công tác kiểm kê định kỳ số lượng cũng như thời hạn của từng trang thiết bị, công cụ, dụng cụ của TCT, các nhân viên kiểm kê đều phải thực hiện thủ công thao tác tháo/di dời và đếm từng thiết bị để kiểm tra. Cách xử lý thông tin này tồn tại nhiều nhược điểm như:
- Việc kiểm đếm bằng thẻ tài sản ghi theo danh sách và đi dán kiểm đếm thủ công khó tránh khỏi sai sót, không theo dõi nhanh được việc luân chuyển của tài sản.
- Số lượng thiết bị lớn dẫn đến việc kiểm kê mất nhiều thời gian, vì thế việc thực hiện định kỳ gặp nhiều khó khăn
- Dữ liệu được ghi thủ công và kiểm soát thủ công dẫn đến có khả năng dữ liệu thực tế không khớp với các dữ liệu trên báo cáo gây khó khăn trong công tác kiểm soát và giải trình
- Sai sót và chậm trong các thao tác thủ công dẫn đến khó kiểm soát và đo đếm sự thiếu hụt cũng như hạn sử dụng của thiết bị.
Việc tích hợp công nghệ RFID vào quá trình quản lý tài sản công cụ của TCT sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Thông qua việc gắn thẻ RFID vào từng công cụ, nhân viên có thể dễ dàng theo dõi vị trí và tình trạng sử dụng, giúp giảm thiểu mất mát và tăng cường khả năng đối phó với thất thoát.
Bên cạnh đó, công nghệ RFID cũng giúp tăng cường khả năng quản lý, theo dõi chất lượng tài sản công cụ. Quản lý công tác bảo trì và sửa chữa, đảm bảo rằng mọi công cụ luôn ở trong tình trạng hoạt động tốt nhất. Đồng thời, thông tin về tài sản được số hóa giúp người quản lý ra quyết định nhanh chóng và chính xác.
Chia sẻ về việc ứng dụng thành công công nghệ RFID trong quản lý tài sản, công cụ, ông Hoàng Ngọc Chí – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số cho biết: “Tôi tin rằng việc áp dụng công nghệ RFID sẽ mang lại sự linh hoạt và hiệu quả trong quản lý tài sản công cụ. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao chất lượng môi trường làm việc cho cán bộ, công nhân viên trên toàn TCT”.
Để CBNV trên toàn TCT nhanh chóng nắm bắt và có thể ứng dụng thành thạo công nghệ này trong hoạt động SXKD, Tổ triển khai đã tổ chức chương trình đào tạo trực tiếp tại 2 điểm cầu là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Tổ cũng tiến hành bàn giao hệ thống quản lý tài sản, công cụ dụng cụ áp dụng công nghệ RFID cho các cơ quan, đơn vị trong TCT và các chi nhánh nước ngoài. Đây là bước tiến quan trọng nhằm tối ưu hóa quá trình quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản.
Phát biểu tại chương trình đào tạo, ông Hồ Xuân Tam, Trưởng phòng Kế toán tổng hợp, Ban Tài chính kế toán cho biết: “Việc áp dụng công nghệ RFID trong công tác quản lý tài sản công cụ, dụng cụ sẽ giúp người sử dụng theo dõi và quản lý tài sản một cách nhanh chóng và chính xác, tiết kiệm thời gian và nhân lực trong quá trình kiểm kê tài sản. Việc sử dụng đầu đọc RFID tích hợp với phần mềm Mobile App khiến việc quản lý và kiểm kê trang thiết bị một cách dễ dàng và nhanh chóng. Nhân viên kiểm kê chỉ cần sử dụng thiết bị đầu đọc RFID thao tác, không cần phải tháo/di dời thiết bị để kiểm tra nhãn giấy”
Đến thời điểm hiện tại, quá trình triển khai công nghệ RFID đã được thực hiện tại văn phòng TCT và một số đơn vị thuộc TCT. Việc triển khai ở các đơn vị thành viên sẽ được thực hiện theo giai đoạn và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối quý II năm 2024.
Việc ứng dụng thành công công nghệ RFID trong quản lý tài sản, công cụ tại TCT là bước tiến quan trọng trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và hiệu suất hoạt động theo Chiến lược Chuyển đổi số TCT giai đoạn 2022 – 2026, đồng hành cùng mục tiêu trở thành hãng hàng không số vào năm 2025 của Vietnam Airlines.