Vietnam Airlines: An toàn bay là ưu tiên cao nhất, đào tạo an toàn bay là ưu tiên hàng đầu

Để đảm bảo an toàn cho hành khách và phi hành đoàn, các Trung tâm, cơ sở đào tạo và hãng hàng không đều có các quy trình bồi dưỡng và huấn luyện được tiến hành một cách cẩn thận và chi tiết nhất.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Gieo mầm “lá chắn” an toàn bay từ trong nhà trường

Là “cái nôi” đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực lớn nhất cho ngành hàng không nước ta, theo bà Nguyễn Thị Hải Hằng, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam, đối với các chương trình đào tạo Đại học, Cao đẳng, an toàn hàng không là một trong số các môn học chuyên ngành bắt buộc bao gồm những kiến thức cơ bản về an toàn và các kỹ năng quan trọng nhất.

“An toàn trong hoạt động bay là ưu tiên cao nhất của ngành hàng không mà ai bước chân vào ngành cũng đều phải hiểu và được học tổng quan để có kiến thức nền tảng nhất về sự vận hành của chuỗi giá trị vận tải hàng không trên phạm vi toàn cầu cũng như trong từng quốc gia”, bà Hằng nói.

Bày tỏ quan điểm giữa thực tế và lý thuyết là khác nhau, để có đủ ý thức và kỹ năng đảm bảo an toàn trong từng vị trí công việc là vô cùng khó khăn. Đó chính là các vấn đề liên quan đến yếu tố con người, một trong những nội dung cốt lõi của đào tạo, huấn luyện về an toàn hàng không. Mỗi một nhân viên hàng không đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra các ‘lá chắn’ nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động bay.

Với việc phi công hoàn toàn tự chủ đào tạo tại Việt Nam, đại diện Trường Phi công Bay Việt cho biết, học viên sẽ được đào tạo chuẩn quốc tế, lý thuyết về chuyên ngành hàng không; huấn luyện cất cánh và hạ cánh trong môi trường thực tế; huấn luyện kỹ năng bay đường dài; huấn luyện tình huống khẩn nguy.

An toàn trong hoạt động bay là ưu tiên cao nhất của ngành hàng không.

“Mỗi một quy trình đào tạo tại Bay Việt đều đưa ra các kỹ năng điều khiển tàu bay, khả năng ứng biến trong các tình huống khẩn cấp để đưa ra quyết định… Việc huấn luyện tình huống khẩn nguy sẽ diễn ra liên tục và xuyên suốt quá trình đào tạo của học viên, giúp cập nhật liên tục kiến thức và kỹ năng ứng phó”, đại diện trường Bay Việt chia sẻ.

Bổ sung thêm, Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên, nguyên Hiệu trưởng Trường Phi công Bay Việt cho hay, thử thách lớn nhất mỗi phi công vẫn là thích ứng linh hoạt với môi trường khai thác bay thay đổi liên tục và được huấn luyện để tự tin xử lý kiểm soát được các tình huống. An toàn bay cần trau dồi thường xuyên để tạo ra sự khác biệt trong nhận thức, kỹ năng và phẩm chất ở mỗi cá nhân.

Nền móng nâng tầm hàng không Việt trên bản đồ thế giới

Khẳng định mục tiêu để đảm bảo an toàn và bảo vệ tính mạng của hành khách trên máy bay là nhân tố cốt lõi, đại diện Vietnam Airlines (VNA) cho biết, tất cả nhân viên của hãng đều được đào tạo bài bản, định kỳ theo đúng tiêu chuẩn của Tổng công ty và Cục Hàng không Việt Nam, Tổ chức hàng không quốc tế đề ra.

Cụ thể, phi công và tiếp viên sẽ được đào tạo về kiến thức cơ bản về an toàn bay, quy trình khẩn cấp và quy định của ngành hàng không, đồng thời tham gia vào các buổi thực hành trên các mô hình mô phỏng.

Tiếp đến, phi công và tiếp viên thực hiện các chuyến bay dưới sự giám sát của giáo viên để đảm bảo rằng họ sẵn sàng thuần thục các thao tác an toàn đúng cách trong các trường hợp cần thiết.

Xây dựng văn hóa an toàn không thể làm một sớm, một chiều mà là một quá trình xây dựng kiên trì.

“An toàn bay là một lĩnh vực không ngừng phát triển và tiến bộ. Do đó, phi công và tiếp viên sẽ thường xuyên tham gia vào các khóa đào tạo liên tục và cập nhật kiến thức về an toàn bay. Điều này đảm bảo rằng họ luôn cập nhật với những thay đổi mới nhất trong ngành và có khả năng đối phó với những tình huống khẩn nguy một cách hiệu quả”, đại diện VNA quả quyết.

Đặc biệt, tại VNA, phi công phải tuân thủ các quy trình an toàn được đặt ra bởi tổ chức hàng không quốc tế và của Người khai thác (Vietnam Airlines).

“Xây dựng văn hóa an toàn không thể làm một sớm, một chiều mà là một quá trình xây dựng kiên trì, mỗi ngày; kết hợp cùng lúc nhiều biện pháp để có được sự thay đổi rõ rệt ở mỗi cá nhân, qua đó góp phần đảm bảo an toàn cho hàng trăm hành khách trên mỗi chuyến bay”, đại diện VNA nói.

Ngành hàng không Việt Nam trong nhiều năm qua đã đạt được thành tích đáng ghi nhận về đảm bảo an toàn khai thác, đây là một nỗ lực không nhỏ của toàn bộ hệ thống. Trong đó, VNA là “con chim đầu đàn” trong công tác xây dựng thành công văn hóa an toàn, đặt nền tảng cho việc đạt được các thành tích đã được ghi nhận bởi IATA và cộng đồng hàng không quốc tế.

“Hội nghị An toàn khai thác toàn cầu IATA năm 2023 được Vietnam Airlines đăng cai tổ chức là sự kiện hết sức quan trọng đối với hàng không quốc tế. Đây là sự khẳng định tuyệt vời nhất về sự công nhận của IATA và cộng đồng hàng không thế giới với năng lực và vị thế của Hãng hàng không Quốc gia nói riêng và ngành hàng không Việt Nam nói chung”, đại diện VNA chia sẻ.

Theo Soha

Truyen Thong Noi Bo-COMM
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.