Góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp hàng không Việt Nam
Được thành lập theo Quyết định 1276/QĐ-TTg ngày 26/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sát nhập, tổ chức lại các Xí nghiệp sửa chữa máy bay A75, A76 và phòng kỹ thuật thuộc Văn phòng khu vực miền Trung của Tổng công ty Hàng không Việt Nam và trở thành công ty con của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), VAECO chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2009 theo tiêu chuẩn tổ chức bảo dưỡng của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (CAAV).
Trải qua hành trình 15 năm phát triển, VAECO đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không và bảo dưỡng máy bay. Những thành tựu này đã minh chứng cho sự phát triển vững mạnh của công ty và khẳng định vai trò quan trọng của VAECO trong tiến trình phát triển ngành công nghiệp hàng không ở Việt Nam và khu vực.
Ông Trần Quốc Hoài – Tổng giám đốc VAECO – chia sẻ, một trong những yếu tố làm lên thành công và thương hiệu của VAECO đó là, đảm bảo tuyệt đối an toàn về kỹ thuật trong bảo dưỡng, phục vụ bay cho Vietnam Airlines và các khách hàng, duy trì mức tăng trưởng hợp lý, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường bảo dưỡng khu vực.
“Trong suốt quá trình hoạt động, VAECO đã đạt được các chứng chỉ quốc tế uy tín, đơn cử như năm 2021, VAECO được Cục hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp chứng chỉ phê chuẩn tổ chức bảo dưỡng tàu bay FAR -145; năm 2017, VAECO được Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA) cấp chứng chỉ phê chuẩn tổ chức bảo dưỡng EASA -145. VAECO tiếp tục được gần 20 chứng nhận quốc tế từ các nhà chức trách hàng không các nước như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc…”- ông Hoài cho biết.
Không chỉ cung cấp dịch vụ bảo dưỡng máy bay cho Vietnam Airlines, VAECO còn mở rộng cung cấp dịch vụ bảo dưỡng cho hơn 50 hãng hàng không trong nước, trong khu vực và thế giới.
VAECO đã thiết lập và hợp tác với nhiều hãng hàng không quốc tế, cung cấp các dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa máy bay chất lượng cao như: All Nippon Airways, Asiana Airlines, Korean Air, Qatar Airways…
Bên cạnh đó, VAECO luôn chú trọng đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng để nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng năng lực bảo dưỡng các loại máy bay hiện đại và tăng năng suất lao động. Công ty đã trang bị các phòng thí nghiệm hiện đại, các phân xưởng kiểm tra, bảo dưỡng tiên tiến và đầu tư Trung tâm đào tạo với cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho yêu cầu phát triển của VAECO.
Những thành tựu nổi bật trên đã đưa VAECO trở thành một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực bảo dưỡng máy bay tại Việt Nam và có vị thế trong khu vực. Qua đó, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành công nghiệp hàng không Việt Nam.
Chuyển đổi số, tạo lợi thế cạnh tranh
Nhận thức rõ tầm quan trọng của khoa học – công nghệ trong quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với đó là đội tàu bay của Vietnam Airlines và các đối tác ngày càng được đầu tư hiện đại với những thế hệ tàu bay mới.
Do đó, ngay từ khi thành lập VAECO đã áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản trị doanh nghiệp. Việc ứng dụng CNTT đã giúp VAECO theo dõi và đánh giá sự hoạt động của tàu bay một cách tự động và chính xác hơn, từ đó tối ưu hóa các quy trình sửa chữa và bảo dưỡng.
Ngoài ra, VAECO cũng đã và đang đầu tư sử dụng CNTT để cải thiện quy trình quản lý và lưu trữ thông tin về tàu bay. Hệ thống quản lý thông tin bảo dưỡng AMASIS và sắp tới là hệ thống MRO IT mới được triển khai nhằm nâng cao công tác quản lý kỹ thuật cơ bản, quản lý vật tư phụ tùng và quản lý bảo dưỡng máy bay của tất cả đội bay của Vietnam Airlines và khách hàng.
Các quy trình quản lý và bảo dưỡng được thực hiện trực tiếp trên phần mềm theo hướng chuyển đổi số, không giấy tờ, hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp số. Qua đó, công ty có thể kiểm soát phụ tùng vật tư bằng mã vạch, kiểm soát thiết bị trên Cabin máy bay, thiết bị khẩn nguy bằng RFID, triển khai nhật ký kỹ thuật điện tử… hệ thống MRO IT mới sẽ hỗ trợ rút ngắn thời gian tương tác dữ liệu, rút ngắn quy trình làm việc, tăng năng suất lao động, giảm thời gian bảo dưỡng định kỳ của máy bay, nâng cao hiệu quả khai thác tàu bay, hiệu quả kinh tế cho khách hàng.
Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng
Trong chiến lược phát triển, VAECO xác định khoa học – công nghệ là yếu tố then chốt để tăng sức cạnh tranh, công ty đã và đang tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng mạng, hệ thống thông tin và nhân lực chuyên môn để nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.
Trước sự phục hồi và tăng trưởng của ngành hàng không, tạo ra nhu cầu lớn về dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, để đáp ứng yêu cầu phát triển, VAECO đang thực hiện đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng. Công ty thực hiện kế hoạch xây dựng hangar tại Nội Bài và Long Thành và hệ thống các phân xưởng hỗ trợ mới, nâng cấp phân xưởng sản xuất và áp dụng các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa hiệu suất làm việc cũng như tăng cường hợp tác với các đối tác để chia sẻ cơ sở hạ tầng, tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cùng với đó là nhu cầu nhân lực chất lượng cao cũng đã tạo ra áp lực lớn đối với các Tổ chức bảo dưỡng máy bay (MRO) trong đó có VAECO. Theo đó, VAECO đã xây dựng chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cả trong ngắn hạn và dài hạn. Công ty đã đào tạo huấn luyện và xây dựng được đội ngũ nhân viên kỹ thuật, hướng dẫn viên thực hành lành nghề, có kinh nghiệm lâu năm phục vụ cho công tác đào tạo thực hành OJT (On Job Training), đầu tư các cơ sở vật chất phù hợp cho đào tạo thực hành OJT với đầy đủ các dạng bảo dưỡng lớn nhỏ phong phú,.
Qua đó, đội ngũ nhân viên kỹ thuật công ty đã được đào tạo, tích lũy kinh nghiệm bảo dưỡng đảm bảo đáp ứng các yêu cầu rất khắt khe của Cục Hàng không Việt Nam và các nhà chức trách hàng không khác. Công ty cũng đã và đang thực hiện các chương trình hợp tác đào tạo với các trường đại học để đào tạo kỹ sư hàng không chất lượng cao. Đồng thời, tăng cường công tác tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực nội bộ, tạo điều kiện thu hút và giữ chân nhân tài.
Trong thời gian tới, VAECO định hướng, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hangar, đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số; xây dựng kế hoạch xin phê chuẩn… Đặc biệt, để trở thành doanh nghiệp số, VAECO sẽ đầu tư phần mềm CNTT lõi, thực hiện quản lý kỹ thuật đội tàu bay và công tác bảo dưỡng (MRO IT) thay thế cho hệ thống AMASIS hiện tại và đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của VAECO. Đây là cơ sở để công ty tăng cường chuyển đổi số và sử dụng các ứng dụng CNTT khác như các hệ thống kiểm soát trạng thái máy bay, nâng cao độ tin cậy thiết bị, chất lượng và hiệu quả quản lý kỹ thuật đội tàu bay và công tác bảo dưỡng.
VAECO phấn đấu đến cuối năm 2024, hoàn thành việc triển khai ứng dụng toàn bộ hệ thống MRO IT mới, xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng CNTT tại VAECO. Chú trọng phát triển công tác đào tạo thực hành OJT đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn lực nhân viên kỹ thuật chất lượng cao cho VAECO cũng như toàn ngành bảo dưỡng tàu bay trong nước và khu vực; đặt mục tiêu phát triển và mở rộng thị trường để chia sẻ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và kinh nghiệm. Đồng thời, mở rộng phạm vi hoạt động và tìm kiếm khách hàng mới ở khu vực và trên thế giới.
VAECO cam kết liên tục cải tiến quy trình làm việc, tăng cường kiểm soát chất lượng và nâng cao uy tín, vị thế trong ngành bảo dưỡng máy bay để trở thành đối tác tin cậy và chất lượng cho các khách hàng.
Theo báo Công thương