Thuật ngữ IoT được Kevin Ashton nhắc đến từ hơn hai thập kỷ trước, khi đó không ít người cho rằng nó là “nhiệm vụ bất khả thi”, nhưng giờ đây nó đã bao gồm một hệ sinh thái toàn cầu gồm các cảm biến, máy tính nhúng và thiết bị thông minh giao tiếp với nhau và chia sẻ dữ liệu. Thế giới hiện có hơn 15 tỷ thiết bị kết nối IoT(1), đến năm 2030, con số này dự kiến sẽ tăng lên gần 30 tỷ. Sự kết hợp giữa sức mạnh điện toán đám mây và tốc độ truyền dữ liệu 5G nhanh hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhờ chi phí phần cứng giảm.
Trong tất cả các ngành nghề, IoT đã và đang có những tác động mạnh mẽ trong việc thay đổi thói quen, từ phương thức, hoạt động kinh doanh đến cách thu thập và trao đổi thông tin. Và ngành hàng không vũ trụ cũng không phải là ngoại lệ. Airbus là một minh chứng hàng đầu cho việc sử dụng công nghệ IoT trong hoạt động sản xuất của mình.
IoT giúp nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất
Trong quá trình sản xuất, hàng nghìn chiếc đinh tán được Airbus sử dụng để gắn các tấm kim loại vào khung tàu bay. Airbus ước tính họ phải khoan khoảng 120 triệu lỗ đinh tán mỗi năm để thực hiện công việc này. Điều đáng nói là chỉ có 25% hoạt động đang được tự động hóa, tức là 75% công việc đang được thực hiện bởi con người.
Quá trình lắp ráp bao gồm khoan, tán đinh và sau đó bôi keo để chống ăn mòn. Các quy trình thủ công để khoan và gắn các tấm kim loại phải được làm một cách vô cùng chính xác và nhất quán. Thời gian để hoàn thành việc gắn tấm kim loại là 12 giờ, trong khi ca làm việc của nhân viên là 8 giờ, tức là công việc sẽ được chuyển giao cho một nhân viên khác. Nguy cơ tiềm ẩn xuất hiện trong lúc bàn giao giữa các ca. Nếu nhân viên tiếp quản sau đó thực hiện sai sót – dù chỉ là nhỏ nhất – mà họ không nhận ra, công việc sẽ cần phải được thực hiện lại và dĩ nhiên là rất tốn kém. Bài toán đặt ra ở đây là làm sao để giám sát công việc mà mỗi nhân viên thực hiện trong thời gian thực để có thể sửa các lỗi sản xuất ngay lập tức.
Để giải quyết vấn đề này, Airbus sử dụng công nghệ dựa trên IoT của HPE(2) (Hewlett Packard Enterprise).
IoT giám sát quá trình sản xuất tàu bay thông qua hệ thống cảm biến tại nhiều thiết bị trên dây chuyền, dữ liệu được thu thập về hệ thống trung tâm, được xử lý. Tuy nhiên, việc làm này gặp một thách thức khi nó yêu cầu nền tảng Internet phải đủ mạnh, để tránh gây ra độ trễ. Giải quyết bài toán đó, thay vì việc chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào một máy chủ trung tâm, Airbus nâng cấp khả năng xử lý cho chính các “thiết bị vệ tinh” trên dây chuyền. Phần mềm hỗ trợ các công cụ này cung cấp thông tin cần thiết để quản lý việc bàn giao giữa các ca và đảm bảo các lỗi sản xuất được khắc phục nhanh chóng.
Bên cạnh đó, với việc ứng dụng công nghệ IoT, Airbus cũng cho ra đời những Bản sao số – Digital Twins – mô hình ảo cung cấp những hướng dẫn trong sản xuất một cách chân thực nhất, giúp cho việc lắp ráp trở nên đơn giản hơn rất nhiều(3). Với Digital Twins, Airbus hoàn toàn có thể thực hiện các bài kiểm tra ảo để phát hiện lỗi trong thiết kế cũng như quá trình sản xuất, điều này giúp tiết kiệm thời gian so với việc kiểm tra thực tế. Digital Twins rõ ràng đã giúp Airbus sản xuất nhanh hơn. Một ví dụ điển hình là thời gian lắp ráp hệ thống dây cáp trên tàu A330 nếu sử dụng Digital Twins sẽ còn 1/5 so với trước đây.
IoT cũng giúp cải thiện hiệu quả chuyến bay và dịch vụ khách hàng
Hiệu quả các chuyến bay sử dụng tàu bay của Airbus cũng được cải thiện đáng kể nhờ công nghệ IoT. Nhờ việc phân tích nâng cao các dữ liệu được thu thập, Airbus có thể nhanh chóng khắc phục những vấn đề còn tồn tại để nâng cao hiệu quả của tàu bay.
Ví dụ như đồng hồ đo tích hợp IoT thông minh có thể cung cấp thông tin về việc sử dụng năng lượng trong sản xuất tàu bay, điều này có thể giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và khai thác bền vững. Do các thuật toán nâng cao phân tích việc sử dụng và đề xuất các biện pháp tiết kiệm năng lượng nên mức tiêu thụ năng lượng có thể giảm tới 20%(4).
Không những thế, IoT cũng đang dần “xâm nhập” vào cabin tàu bay để mang đến cho hành khách những trải nghiệm thú vị. IoT giúp tạo ra một môi trường được cá nhân hóa hơn, được cải tiến với các ứng dụng mới cho phép tương tác với môi trường xung quanh hành khách ngay lập tức, bao gồm các lựa chọn giải trí và ăn uống được cá nhân hóa.
Để tạo ra trải nghiệm khoang hành khách mới, Airbus đã đưa ra giải pháp “Connected Experience”. Được phát triển với sự hợp tác của nhiều đối tác hàng đầu, hệ sinh thái mở này sẽ cung cấp kết nối theo thời gian thực giữa các khu vực như bếp, nhà vệ sinh, xe đẩy đồ ăn, ghế ngồi và tủ đựng đồ.
Dữ liệu hợp nhất theo thời gian thực trong suốt chuyến bay được phân tích trên nền tảng Skywise của Airbus sẽ nâng cao khả năng dự đoán bảo dưỡng, vận hành khoang hành khách và độ tin cậy. Ghế ngồi được kết nối sẽ giúp phi hành đoàn truy cập ngay vào thông tin có giá trị: dây an toàn đã được thắt chặt chưa?, bàn ăn đã được gập hay chưa? lưng ghế đã được dựng thẳng chưa?… Bên cạnh đó, những phân tích sau chuyến bay cũng sẽ cung cấp cho các hãng hàng không những hiểu biết sâu sắc có giá trị về hành vi của hành khách để họ có thể tiếp tục cải thiện dịch vụ trong tương lai.
Theo Chiến lược Chuyển đổi số của Tổng công ty Hàng không Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026(5), IoT là công nghệ được chú trọng trong việc góp phần đưa Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không số trong tương lai gần. IoT sẽ được áp dụng trong nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh như: ứng dụng trong công nghệ và nền tảng số Martech nhằm giúp tăng trải nghiệm khách hàng và tăng hiệu quả trong vận hành; Ứng dụng IoT và Digital Twins trong công tác bảo trì bảo dưỡng, điều hành, quản lý và tối ưu kho; IoT trong áp dụng công nghệ OCR, ưu tiên số hóa tài liệu.
Trung tâm chuyển đổi số
———–
Tham khảo
(1)Statista. 2023. Number of Internet of Things (IoT) connected devices worldwide from 2019 to 2023, with forecasts from 2022 to 2030. Từ: https://www.statista.com/statistics/1183457/iot-connected-devices-worldwide/
(2)Computerweekly. 31/01/2019. How Airbus handles IoT network traffic in manufacturing. Từ: https://www.computerweekly.com/news/252456522/How-Airbus-handles-IoT-network-traffic-in-manufacturing
(3)Lantek. 2023. The digital transformation of Airbus. Từ: https://www.lantek.com/us/blog/the-digital-transformation-of-airbus
(4)Airbus. 04/07/2019. IoT: Aerospace’s great new connector. Từ: https://www.airbus.com/en/newsroom/stories/2019-07-iot-aerospaces-great-new-connector
(5)Vietnam Airlines. 2022. Chuyển đổi số của Tổng công ty Hàng không Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026