Ứng dụng chuyển đổi số để tạo đột phá trong công tác bảo dưỡng tàu bay của Khối Kỹ thuật và thực tiễn áp dụng tại VAECO

Trong thời gian vừa qua, Khối Kỹ thuật đã triển khai nhiều hệ thống, ứng dụng để nâng cao hiệu quả trong công tác đảm bảo kỹ thuật, bảo dưỡng tàu bay, thiết bị và cung ứng phục vụ khai thác. Là một trong những hệ thống lõi trong quá trình chuyển đổi số của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (TCTHK), việc triển khai sử dụng hệ thống MRO IT mới tại VAECO không chỉ giúp đơn vị bảo dưỡng tàu bay hàng đầu Việt Nam mở rộng thị trường, mà còn góp phần đưa Vietnam Airlines tới gần hơn với mục tiêu trở thành hãng hàng không số trong tương lai.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Công tác bảo dưỡng luôn được quan tâm, chú trọng tại VNA. (Ảnh: VAECO)

Hệ thống mới giúp tăng năng suất đáng kể

Không như các phương tiện giao thông khác, tàu bay sở hữu một kết cấu phức tạp, với hàng ngàn chi tiết lớn nhỏ cùng hệ thống động cơ, máy móc hoạt động theo những nguyên lý rất riêng. Cũng vì vậy, quá trình bảo dưỡng, sửa chữa một chiếc tàu bay tốn rất nhiều thời gian, công sức, trí lực, và lại được phân thành nhiều chương trình khác nhau: bảo dưỡng thân cánh, bảo dưỡng động cơ và bảo dưỡng thiết bị. Bên cạnh đó, quy trình bảo dưỡng tàu bay cũng được thực hiện với nhiều công đoạn: trước và ngay sau chuyến bay; định kỳ theo từng loại tàu bay, từng bộ phận riêng lẻ… Hệ thống MRO IT mới đang được VAECO đưa vào sử dụng sẽ kiểm soát tất cả những hoạt động này.

MRO IT (The Information Technology system of Maintenance, Repair and Overhaul of Aircraft) là hệ thống phần mềm được Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) sử dụng trong công tác quản lý kỹ thuật và phụ tùng vật tư cho đội bay của TCTHK.

Trước đây, trên hệ thống MRO IT cũ sử dụng phần mềm AMASIS (từ năm 1996), các chức năng còn nhiều hạn chế, lại thường xuyên xảy ra lỗi nên không đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của công việc, buộc VAECO phải “tự chế” ra một số ứng dụng vệ tinh để  khắc phục những thiếu hụt tồn tại.

Tuy nhiên, với hệ thống mới sử dụng giải pháp phần mềm AMOS – được ví như sổ tay theo dõi sức khoẻ tích hợp với hồ sơ bảo hiểm, hồ sơ cá nhân của tàu bay…toàn bộ hoạt động động chạm vào tàu bay đều lưu lại.

Mỗi ngày, tàu bay thực hiện bao nhiêu chuyến, bay bao nhiêu giờ hay từng thông tin chi tiết về tần suất bảo dưỡng các bộ phận và thiết bị của tàu bay đều được hiển thị trên phần mềm này. Thậm chí, hành trình của 1 con ốc từ lúc rời khỏi tàu bay, đưa vào kho rồi lại lắp lên một tàu bay khác cũng được ghi lại hết.

Như vậy, các nhân viên kỹ thuật có thể đánh giá chính xác tình trạng hỏng hóc của phụ tùng vật tư, từ đó đưa ra các quyết định sửa chữa kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng dừng bay, chậm giờ, hủy chuyến. Đồng thời, rút ngắn thời gian quay đầu của tàu bay (turnaround time).

Bên cạnh đó, hệ thống MRO IT mới cũng làm giảm tối đa chi phí nhân công cho việc ghi chép, nhập liệu, kiểm soát công việc, qua đó góp phần tăng năng suất lao động lên đáng kể. Không những thế, AMOS còn được kỳ vọng sẽ trở thành một hệ thống thông tin quan trọng của VAECO cũng như TCTHK, cung cấp giải pháp đồng bộ trong điều hành và lập kế hoạch sản xuất, giảm tối đa thời gian trao đổi và xử lý thông tin so với hiện nay khi phải sử dụng các công cụ khác như điện thoại, tin nhắn, email.

“Tất nhiên là quá trình chuyển đổi sang hệ thống mới không đơn giản. Theo dự tính, sẽ phải mất 18 tháng đầu để xây dựng chương trình triển khai, xem lại tính phù hợp với phần mềm mới của quy trình đang hoạt động, rà soát lại toàn bộ hệ thống dữ liệu để “chuyển nhà”, phát triển giao diện và còn huấn luyện, đào tạo nhân sự. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng một khi hệ thống mới đi vào vận hành, VAECO có thể tận dụng thời gian và nhân lực dư thừa để tiếp nhận thêm khách hàng mới, mở rộng thị phần” – ông Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng giám đốc VAECO chia sẻ.

Theo kịp thời đại số, vươn xa ra thế giới

Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường hàng không, đặc biệt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các chuyên gia dự kiến sắp tới ngành bảo dưỡng tàu bay sẽ thiếu hụt rất nhiều nhân lực có tay nghề, đã trải qua huấn luyện, đào tạo và được phê chuẩn. Do đó, cần có các công nghệ, trang thiết bị, dụng cụ mới, đặc biệt là các phần mềm quản lý để tối đa hóa năng suất lao động, giảm bớt sức ép về nhu cầu nhân lực cho ngành.

Chuyển đổi số – Chìa khóa cho những bước tiến vượt bậc của VAECO. (Ảnh: VAECO)

Đặc biệt là sau dịch, tình trạng thiếu hụt slot bảo dưỡng tàu bay diễn ra khá phổ biến, bởi 3 năm qua, để tiết kiệm chi phí, các hãng hàng không đều trì hoãn các hoạt động bão dưỡng những tàu bay không khai thác. Tới khi hạn chế Covid được dỡ bỏ, đồng loạt các hãng quay trở lại đưa tàu bay đi bảo dưỡng, nhu cầu tăng cao trên khắp thế giới nên những cơ sở bảo dưỡng uy tín hiện có không đáp ứng nổi.

Ở Việt Nam, nhiều hãng bay nước ngoài đã đặt vấn đề muốn được gửi tàu bay tới VAECO – đơn vị hàng đầu trong bảo dưỡng tàu bay – nhưng với hệ thống MRO IT cũ, điều này dường như là bất khả thi. Có phần mềm mới, tối ưu hóa quy trình sản xuất, tận dụng tối đa nguồn lực thì bài toán đã có lời giải

Giải pháp phần mềm AMOS của hệ thống MRO IT được cung cấp bởi Liên danh Swiss – AS và NGS (Liên danh Swiss Aviation Software LTD và Công ty Cổ phần Thiết bị và Truyền thông NGS). AMOS hiện đang được 200 hãng hàng không trên khắp thế giới sử dụng nhằm áp dụng công nghệ xử lý dữ liệu, thông tin (big data) để tính toán, phân tích, dự đoán tình trạng của tàu bay, tạo điều kiện cho việc áp dụng hệ thống theo dõi “sức khỏe” tàu bay (Aircraft Health Monitoring System – AHMS) đưa ra những hành động nhanh, kịp thời khắc phục hỏng hóc của tàu bay trong quá trình khai thác. Đồng thời, giúp các hãng tính toán, phân tích, dự đoán tình trạng của tàu bay. Từ đó xác định các nội dung bảo dưỡng/sửa chữa phù hợp trước khi hỏng hóc xảy ra (bảo dưỡng phòng ngừa), nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng và tăng tỷ lệ sẵn sàng khai thác tàu bay.

Chuyển đổi số giúp VAECO từng bước vươn mình ra thế giới. (Ảnh: VAECO)

VAECO phấn đấu đến cuối năm 2024, hoàn thành việc triển khai ứng dụng toàn bộ hệ thống MRO IT mới, xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng CNTT tại VAECO. Chú trọng phát triển công tác đào tạo thực hành OJT (On Job Training) đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn lực nhân viên kỹ thuật chất lượng cao cho VAECO cũng như toàn ngành bảo dưỡng tàu bay trong nước và khu vực; đặt mục tiêu phát triển và mở rộng thị trường để chia sẻ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và kinh nghiệm. Đồng thời, mở rộng phạm vi hoạt động và tìm kiếm khách hàng mới ở khu vực và trên thế giới.

Trong thời gian vừa qua, bên cạnh giải pháp phần mềm AMOS của hệ thống MRO IT, Khối Kỹ thuật đang triển khai nền tảng TIMS nền tảng thực hiện trực tiếp các công việc quản lý kỹ thuật từ đó giúp tăng hiệu quả và chất lượng quản lý; thực hiện quản lý thiết bị thọ mệnh bằng công nghệ RFID; theo dõi tình trạng tàu bay – AHM (Boeing), SHM, SPM (Airbus); theo dõi tình trạng động cơ tàu bay – ADEM, EHM, Remote Diagnostic, ECPM (engine OEMs). Với sự quyết tâm và nỗ lực từ lãnh đạo và toàn thể CBNV, Khối Kỹ thuật đã và đang dần chuyển mình để tạo ra bứt phá trên hành trình chuyển đổi số, góp phần đưa VNA tới gần hơn với mục tiêu trở thành hãng hàng không số trong tương lai.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.