Quản lý theo nguyên tắc Sandbox – cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

Việc áp dụng Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) là một trong những cách hiệu quả nhất để xây dựng các khung pháp lý cho cho các sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới trong thời đại 4.0. Trong thời gian qua, Sandbox đã và đang được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực hàng không. Hãy cùng tìm hiểu một số case study về Sandbox trong bài viết này.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát – Sandbox

Với sự ra đời của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các sản phẩm, công nghệ, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo (ĐMST) đầy tiềm năng được tạo ra nhanh chóng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chúng thường rất khác những sản phẩm/dịch vụ trên thị trường truyền thống và thường không có các quy định pháp lý phù hợp để điều chỉnh.

Vì vậy, các sản phẩm/dịch vụ này không thể được đưa ra thị trường nếu những rủi ro của chúng không được xác định rõ. Thực tế này dẫn đến nhu cầu về một hệ thống vừa thúc đẩy ĐMST sản phẩm/công nghệ mới, vừa giảm thiểu các rủi ro khi đưa ra thị trường, và cho phép chủ sở hữu chúng có thể đón đầu thị trường toàn cầu.

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là “lời giải” cho bài toán về đổi mới sáng tạo. (Ảnh: Sưu tầm)

Theo Ngân hàng thế giới, các Sandbox được phân thành 4 loại (2), tùy vào các mục tiêu khác nhau của chúng trong thực tế:

  • Cơ chế thử nghiệm tập trung vào chính sách: các Cơ chế thử nghiệm này sử dụng quy trình Cơ chế thử nghiệm để đánh giá các quy định hoặc chính sách cụ thể.
  • Cơ chế thử nghiệm tập trung vào sản phẩm hoặc ĐMST: các Cơ chế thử nghiệm này khuyến khích ĐMST bằng cách giảm chi phí gia nhập thị trường, cho phép các công ty kiểm tra khả năng tồn tại trên thị trường của các mô hình kinh doanh mới.
  • Cơ chế thử nghiệm chuyên đề: Cơ chế thử nghiệm loại này tập trung vào một chủ đề đã được xác định với mục tiêu thúc đẩy việc áp dụng một chính sách hoặc ĐMST cụ thể hoặc hỗ trợ phát triển một phân ngành cụ thể hoặc thậm chí các sản phẩm cụ thể nhằm vào các phân khúc khách hàng cụ thể.
  • Cơ chế thử nghiệm xuyên biên giới: Cơ chế thử nghiệm xuyên biên giới hoặc đa khu vực pháp lý hỗ trợ hoạt động và di chuyển xuyên biên giới của các công ty, đồng thời khuyến khích sự hợp tác của cơ quan quản lý và giảm sự khác biệt về luật lệ.

Trong lịch sử phát triển, Cơ chế thử nghiệm được áp dụng chính thức lần đầu tiên bởi Cơ quan Quản lý Tài chính Vương quốc Anh (FCA) vào tháng 6/2016 trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech). Mặc dù với mục đích ban đầu là thúc đẩy ĐMST dịch vụ tài chính, nhưng hiện nay cơ chế này đã không còn bó hẹp trong lĩnh vực này nữa, mà còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, năng lượng, giao thông vận tải… đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi của Cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện đã có hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp Cơ chế thử nghiệm, chủ yếu nhất vẫn là lĩnh vực tài chính. Các quốc gia sử dụng Cơ chế thử nghiệm cũng đang ngày càng hoàn thiện cơ chế này thông qua một thời gian áp dụng (1).

Một số ví dụ về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong công nghệ hàng không

      1. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ

Tháng 11/2017, Cục hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) đưa ra Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho các tàu bay không người lái, dưới tên gọi Chương trình thí điểm hệ thống tàu bay không người lái (UAS Integration Pilot Program – IPP) nhằm thử nghiệm các phương tiện bay không người lái (UAV hay drones) trong thời gian 3 năm.

Ở Hoa Kỳ đã sử dụng những tàu bay này với mục đích giải trí hoặc thực hiện các hoạt động thương mại. Tàu bay không người lái đi đến những nơi và làm những việc có thể nguy hiểm, và chúng thường tiết kiệm tiền bạc và thời gian. Do vậy, FAA đã đưa ra sandbox này cho các tàu bay không người lái. Những người đăng ký thử nghiệm khu vực tư nhân phải liên hệ với chính quyền địa phương để xin được miễn trừ các quy định về không phận của Hoa Kỳ, và tranh thủ sự giúp đỡ của các đối tác công nghiệp và các đối tác khác để hỗ trợ các hoạt động thử nghiệm các drones của họ trong thời gian 3 năm.

IPP mang đến cho FAA bức tranh toàn cảnh về vận hành UAV. (Ảnh: Sưu tầm)

Chương trình đã nhận được 149 đơn xin đăng ký thử nghiệm và vào tháng 5/2018 có 10 đơn đăng ký đã được chọn thử nghiệm. Hầu hết dữ liệu thu thập trong được các chuyến bay IPP sẽ giúp trả lời cho câu hỏi: thực sự tàu bay không người lái hoạt động như thế nào so với kế hoạch ban đầu. Dữ liệu bao gồm thông tin về đường bay, kết nối thông tin liên lạc và bất kỳ sai lệch nào so với kế hoạch ban đầu. Sau khi những người tham gia thu thập và báo cáo dữ liệu, FAA sẽ có thể xem các biện pháp giảm thiểu rủi ro của họ hoạt động tốt như thế nào. Thông tin này rất quan trọng để phát triển các quy định và hướng dẫn trong tương lai của FAA về việc sử dụng tàu bay không người lái an toàn và bảo mật.

      2. Kinh nghiệm của Anh

Tháng 4/2019, Cục hàng không dân dụng Vương quốc Anh (CAA) đã đưa ra Innovation Sandbox để cung cấp cho ngành hàng không khả năng kiểm tra và thử nghiệm các giải pháp hàng không sáng tạo trong một môi trường an toàn và được kiểm soát. Với các dự án thử nghiệm từ taxi hàng không đến AI trong kiểm soát không lưu, Innovation Sandbox của CAA được kỳ vọng sẽ giúp cho ngành hàng không Vương quốc Anh đi đầu về công nghệ.

Nhóm Đổi mới của CAA (CAA Innovation Team), bước đầu được tài trợ bởi Bộ Doanh nghiệp, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp (BEIS), để khởi chạy Cơ chế thử nghiệm với 6 doanh nghiệp tham gia gồm:

  • Altitude Angel – một công ty cung cấp các giải pháp cho phép tích hợp và sử dụng an toàn các tàu bay không người lái tự động hóa cao.
  • Amazon – một hệ thống giao hàng trong tương lai của Amazon được thiết kế để đưa các gói hàng đến tay khách hàng một cách an toàn trong vòng 30 phút hoặc ít hơn bằng cách sử dụng các phương tiện bay không người lái.
  • NATS và Searidge Technologies – cơ quan kiểm soát không lưu NATS và đối tác về đài kiểm soát không lưu kỹ thuật số Searidge Technologies đang cùng nhau triển khai công nghệ mới như AI và đài kiểm soát không lưu kỹ thuật số. Công nghệ mới, chẳng hạn như AI và đài kiểm soát không lưu kỹ thuật số, được thiết lập để cách mạng hóa cách quản lý không lưu tại các sân bay trên toàn thế giới.
  • NBEC Consortium – Đại học Cranfield và các đối tác của trường, Blue Bear Systems Research, Thales và Vodafone đang tạo ra một hành lang thử nghiệm cho phép tàu bay không người lái bay ngoài tầm nhìn trực quan (BVLOS) bằng cách theo dõi vị trí của chúng và do đó bay an toàn trong cùng một vùng trời với tàu bay có người lái.
  • Nesta Challenges – Flying High Challenge (thuộc Quỹ Quốc gia về Khoa học, Công nghệ và Nghệ thuật của Anh – Nesta) hợp tác với các thành phố, nhà công nghệ, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý, chính phủ, dịch vụ công và công chúng để định hình tương lai của việc sử dụng tàu bay không người lái ở đô thị của Anh.
  • Volocopter – một công ty phát triển taxi hàng không đô thị chạy bằng điện (eVTOLs) dựa trên công nghệ tàu bay không người lái để giúp các thành phố hiện đại giải quyết các vấn đề di chuyển ngày càng tăng.

Theo CAA, Vương quốc Anh dẫn đầu toàn cầu về đổi mới hàng không và Cơ chế thử nghiệm này được kỳ vọng đóng vai trò duy trì thế mạnh này. An toàn công cộng vẫn là ưu tiên số 1 của CAA và Cơ chế thử nghiệm sẽ cho phép tạo ra các công nghệ đầu tiên trên thế giới, đã được thử và kiểm tra trong một môi trường an toàn. 6 đơn vị tham gia thử nghiệm đầu tiên này trong Cơ chế thử nghiệm đang mang lại những cơ hội lớn để có thể đi đầu xu hướng trong những năm tới, sẽ đưa Vương quốc Anh lên vị trí hàng đầu trong các ngành tăng trưởng trong tương lai.

Đây có phải sẽ là hình ảnh sẽ trở nên vô cùng quen thuộc trong tương lai? (Ảnh: Sưu tầm)

Phương pháp tiếp cận thân thiện với ĐMST của CAA được xây dựng dựa trên uy tín toàn cầu về quy định và đang giúp đưa Vương quốc Anh trở thành điểm đến toàn cầu được lựa chọn cho công nghệ hàng không mới – như một phần trong Chiến lược công nghiệp hiện đại tại đây. Theo CAA, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và tàu bay không người lái có tiềm năng thay đổi cách di chuyển của hành khách và hàng hóa. Vương quốc Anh là quốc gia đi đầu trong việc khám phá cách tận dụng những cơ hội này một cách an toàn.

Dù mới chỉ được chính thức áp dụng trên thế giới từ năm 2016, nhưng Sandbox đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới và trở thành một phần quan trọng trong các biện pháp thúc đẩy ĐMST trong các lĩnh vực công nghệ mới hiện nay.

Mặc dù còn quá sớm để đánh giá hết những lợi ích, rủi ro và tác động của các Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trên thế giới, nhưng qua những phân tích, đánh giá ở trên cho thấy vì sao Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát lại được nhiều nước áp dụng. Cơ chế thử nghiệm thể hiện sự sáng tạo, sự phản ứng chính sách kịp thời của cơ quan quản lý và hoạch định chính sách. Vấn đề là làm sao xây dựng được Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đáp ứng được các mục tiêu đặt ra như thúc đẩy ĐMST và cạnh tranh, đưa nhanh được sản phẩm/dịch vụ mới của tổ chức/doanh nghiệp ra thị trường, đem lại lợi ích cho cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội, đồng thời đảm bảo được các biện pháp hạn chế rủi ro.

Tham khảo

(1) Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia. 2021. Cơ chế thử nghiệm (Regulatory Sandbox): từ lý thuyết đến thực tiễn áp dụng trên thế giới

(2) World Bank. 2020. Global Experiences from Regulatory Sandboxes. Từ: https://documents1.worldbank.org/curated/en/912001605241080935/pdf/Global-Experiences-from-Regulatory-Sandboxes.pdf

Le Thu Quynh-DX
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.