Những hiểu lầm về văn hóa số mà có thể chính bạn cũng đang gặp phải

Tầm quan trọng của văn hóa số trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư là điều không còn phải bàn cãi. Tuy nhiên, khái niệm văn hóa số hiện còn chưa được hiểu một cách đúng đắn. Dưới đây là một số hiểu lầm về văn hóa số mà có lẽ khá nhiều người đang gặp phải.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hiểu lầm thứ nhất: “Văn hóa số có thể thay thế cho văn hóa doanh nghiệp”

Theo Cẩm nang Chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, văn hóa số là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức và sự hưởng thụ các giá trị văn hóa của con người trong môi trường số(1).

Trong khi đó, văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, nhận thức, hành vi và biểu hiện trong doanh nghiệp, làm nên bản sắc riêng của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp bắt nguồn từ nền tảng ngầm định, thể hiện qua những hành vi, biểu hiện cụ thể và trở thành những thói quen, nghi thức, biểu tượng khác biệt(2).

Từ hai định nghĩa trên, có thể thấy, văn hóa doanh nghiệp mang nội hàm rộng hơn, bao phủ lên văn hóa số. Do đó, văn hóa số không thể thay thế cho văn hóa doanh nghiệp.

Văn hóa số giúp thúc đẩy cách làm việc theo kiểu số hóa trong một tổ chức. (Ảnh: St).

Để tạo nên sức mạnh cho chuyển đổi số tại doanh nghiệp, văn hóa số cần được tạo ra dựa trên những nền tảng căn bản của văn hóa doanh nghiệp. Và khi đã tạo ra được một “môi trường số” trong tổ chức, văn hóa số tác động ngược trở lại, trở thành yếu tố thúc đẩy sự phát triển văn hóa doanh nghiệp. Đó là mối quan hệ hai chiều tạo nên động lực thúc đẩy liên tục giữa văn hóa doanh nghiệp và văn hóa số.

Hiểu lầm thứ hai: “Văn hóa số là một chương trình truyền thông số”

Từ định nghĩa về văn hóa số, có thể nhận định văn hóa số tạo sự thay đổi tư duy và hành vi để thúc đẩy chuyển đổi số thành công và đưa doanh nghiệp trở thành một tổ chức số, và để góp phần thực hiện những sự thay đổi đó, cần có vai trò của truyền thông. Do đó, truyền thông chỉ đơn thuần là một công cụ của văn hóa số.

Khi văn hóa số của một tổ chức đã được định hình bởi những thành tố và hành vi cụ thể, truyền thông sẽ đóng vai trò lan tỏa văn hóa số đến các thành viên trong tổ chức, qua đó tạo nên “môi trường số” giàu bản sắc của tổ chức.

Hiểu lầm thứ ba: “Xây dựng văn hóa số là việc của một cá nhân hay tổ chức cụ thể nào đó”

Nhiều người vẫn cho rằng văn hóa số là việc của cá nhân hay tổ chức cụ thể nào đó ví dụ: lãnh đạo công ty hay những bộ phận phụ trách công tác chuyển đổi số. Điều đó không đúng bởi lẽ xây dựng văn hóa số là việc của mỗi cá nhân trong tổ chức, bắt đầu từ lãnh đạo cao nhất, tiếp đó là những bộ phận chuyên trách với những “chuyên gia” về văn hóa số, đội ngũ nhân sự, truyền thông nội bộ, công nghệ thông tin, đào tạo, pháp chế…

Văn hóa số cần có sự tham gia của mỗi cá nhân trong tổ chức. (Ảnh: St).

Vì bản chất của văn hóa số là sự thay đổi về tư duy nên văn hóa số sẽ thành công khi tất cả các thành viên trong tổ chức đều mang trên mình hành trang là những tư duy đổi mới. Là một thành viên trong tổ chức, bạn hoàn toàn có thể tham gia vào quá trình xây dựng văn hóa số thông qua các hành động nhỏ như tham gia các cuộc khảo sát, phỏng vấn…; tham gia vào quá trình đào tạo hoặc chủ động tìm hiểu về văn hóa số qua các kênh truyền thông; tham gia vào quá trình thay đổi tư duy của bản thân và những người xung quanh. Càng nhận được sự đồng thuận và tham gia của đại đa số thành viên trong tổ chức, văn hóa số càng nhanh chóng được định hình và lan tỏa, mang đến hiệu quả thiết thực cho tổ chức.

Hiểu lầm thứ tư: “Văn hóa số rất tốn kém”

Điều này không hoàn toàn sai nhưng nhìn xa hơn, nếu không làm sớm, làm quyết liệt thì những thiệt hại của tổ chức khi mà không kịp thời chuyển đổi số thành công sẽ còn lớn hơn rất nhiều so với chi phí đầu tư xây dựng và phát triển văn hóa số.

Những năm gần đây, chuyển đổi số đang được tiến hành ồ ạt trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, không có quá nhiều doanh nghiệp đạt được hiệu quả cao và lý do của “thất bại” hầu hết trong số đó là việc xem nhẹ vai trò của văn hóa số trong chuyển đổi số.

Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là những thay đổi về mặt công nghệ, mà còn là những thay đổi về con người. Cần phải tạo ra được tư duy số đồng nhất trong tổ chức. Cũng bởi thế mà “trừ khi các nhà lãnh đạo thật sự thu phục được trái tim và khối óc của đội ngũ nhân viên, nếu không quá trình chuyển đổi số chắc chắn sẽ bị đình trệ hoặc không đạt được thành công như mong đợi”(3).

Hướng đến mục tiêu trở thành hãng hàng không số trong tương lai, Vietnam Airlines đã và đang đẩy mạnh xây dựng, lan tỏa văn hóa số trong tổ chức. Văn hóa số Vietnam Airlines mang đầy đủ những nét đặc trưng nhất về tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của Vietnam Airlines.

Văn hoá số sẽ dần được hình thành trên lộ trình chuyển đổi số tại Vietnam Airlines, tạo ra nguồn nhân lực với những phẩm chất và năng lực tốt để cống hiến cho Vietnam Airlines. Đó là những nhân sự có tư duy đột phá tạo ra nhiều ý tưởng mới, có khả năng tự thích ứng với thay đổi của tổ chức, sẵn sàng tiếp thu các phản hồi để biến thành cơ hội mới, chia sẻ hợp tác với nội bộ và khách hàng, giúp doanh nghiệp luôn tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong dài hạn.

Sau cùng, sự thống nhất về tư duy và nhận thức, sự đồng lòng, quyết tâm trong việc theo đuổi các mục tiêu sẽ là tiền đề quan trọng để Vietnam Airlines chuyển đổi số thành công.

————-

Tham khảo

(1)Bộ Thông tin & Truyền thông. 2021. Cẩm nang Chuyển đổi số

(2)Blue C. 26/04/2021. Mọi thứ bạn cần biết về văn hóa doanh nghiệp. Từ: https://bluec.vn/nhung-nhan-thuc-can-ban-ve-van-hoa-doanh-nghiep.html

(3)The Wall Street Journal. 19/07/2019. The Role of Culture in Digital Transformation. Từ: https://deloitte.wsj.com/cio/the-role-of-culture-in-digital-transformation-01563498125

TT Chuyển đổi số
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.