“Những chiến sỹ mở đường” kiểm soát FOD cho chuyến bay an toàn

Một chiếc bút, chìa khóa vô tình đánh rơi trong khu bay, một tag hành lý bị rời ra hoặc một chai nước bị bỏ lại, một chiếc bánh xe vali, một cái đinh, con ốc… tưởng chừng như vô hại nhưng có thể đe doạ tới an toàn bay nếu xuất hiện trên đường băng, sân đỗ. Nhưng nhờ “những chiến sỹ mở đường” kiểm soát FOD tại ASOC, “chim sắt” VNA an toàn sải cánh.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Những mối nguy hại thường trực trong khu vực bay

Theo kế hoạch, 19h10, chuyến bay số hiệu VN134 sẽ cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Đà Nẵng. Thế nhưng chỉ trước giờ cất cánh 30 phút, đội ngũ kỹ thuật đã phát hiện ra lốp máy bay bị cán đinh, buộc phải thay. Điều đó đồng nghĩa chuyến bay bị tạm hoãn, gây ảnh hưởng tới các hành khách trên chuyến bay này, đồng thời kéo theo những tác động dây chuyền tới các chuyến bay khác. Ngoài ra, những sự cố như trên cũng gây ra thiệt hại kinh tế cho hãng hàng không. Tuy vậy, may mắn là trường hợp này chưa gây nguy cơ mất an toàn bay vì đã được phát hiện và xử lý kịp thời.

Hãy thử tưởng tượng, máy bay đang chạy đà thì cán qua đinh, ốc vít hay vật ngoại lai sắc nhọn, hay có vật ngoại lai nào đó bị hút vào miệng hút của máy bay hoặc động cơ, gây cháy nổ, hậu quả sẽ nghiêm trọng biết chừng nào.

Các vật được nêu trên hay các mảnh vỉ hàn, ốc vít, đá sỏi, mảnh vỡ từ hành lý, các bộ phận rơi ra từ các kiện hàng hóa, rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, động vật nuôi hay hoang dã xuất hiện sân đậu, đường lăn, đường cất hạ cánh… có khả năng gây thương tích cho con người, thiệt hại cho trang thiết bị, phương tiện và máy bay được gọi chung là vật ngoại lai (FOD).

Các mảnh vỉ hàn, ốc vít, đá sỏi, mảnh vỡ từ hành lý, các bộ phận rơi ra từ các kiện hàng hóa, rác thải sinh hoạt… gây nguy cơ mất an toàn bay. (Ảnh: ASOC).

Trong quá trình tàu bay di chuyến trên sân đỗ, cất hạ cánh, với vận tốc cao nếu va chạm hoặc hút vào động cơ các vật thể này có thể gây ra sự cố nghiêm trọng, lốp tàu bay bị cắt; cấu trúc bên ngoài, động cơ của tàu bay có thể bị hư hại. Hậu quả do FOD gây ra tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc, kéo theo tình trạng chậm hủy chuyến, có thể gây nên sự cố tai nạn hàng không, giảm sự hài lòng của khách hàng và ảnh hưởng hình ảnh của hãng hàng không…

Theo ghi nhận, chỉ trong 1 tuần của tháng 7, tại sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất, đã có tới 3 chiếc máy bay bị cán đinh khi hoạt động. Vì vậy, việc kiểm soát vật ngoại lai tại sân đỗ sẽ giúp giảm thiểu thời gian và tiền bạc phải sử dụng để khắc phục hậu quả của việc FOD rơi vào làm hỏng hóc máy bay, đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác tàu bay.

“Những chiến sỹ mở đường” cho chim sắt sải cánh

Tại Sân bay Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất, công tác kiểm soát vật ngoại lai nói riêng và bảo đảm an toàn hoạt động bay nói chung là nhiệm vụ được ưu tiên của ASOC. Đội Dịch vụ sân đỗ trên không (DVSĐ-TK), thuộc Phòng Dịch vụ khai thác là bộ phận trực tiếp thực hiện kiểm soát, kiểm tra, thu gom vật ngoại lai thường xuyên tại các vị trí sân đỗ máy bay, đường lăn và các đường công vụ. Đội có 04 chuyên viên, đều đặn mỗi ngày 2 lần, buổi sáng và buổi chiều, các chuyên viên tập trung đi kiểm tra FOD ở sân đỗ.

Ngoài ra, đội DVSĐ-TK còn tham gia với các đơn vị hoạt động tại cảng theo đoàn kiểm tra chuyên sâu về công tác kiểm soát vật ngoại lai trên khu bay định kỳ hằng tuần, hằng tháng để kịp thời phát hiện các vấn đề tồn tại và giám sát công tác khắc phục. Bên cạnh đó, đội DVSĐ cũng tiến hành kiểm tra đột xuất về công tác kiểm soát vật ngoại lai khi có sự vụ và trước – sau khi phục vụ các chuyến bay của đơn vị VIAGS, VACS và VAECO.

Nếu phát hiện máy bay bị rách lốp, thủng lốp hoặc vật ngoại lai trên khu bay, chuyên viên đội DVSĐ sẽ phối hợp với Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng vụ hàng không miền Nam, Phòng An toàn kiểm soát chất lượng tổ chức đoàn kiểm tra theo lộ trình di chuyển của máy bay nhằm nhanh chóng phát hiện nguyên nhân và kịp thời có giải pháp. Đồng thời, căn cứ theo mức độ của sự việc để rút kinh nghiệm nhằm nâng cao nhận thức của người lao động làm việc trên khu bay về an toàn khai thác.

Tại Sân bay Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất công tác kiểm soát vật ngoại lai nói riêng và bảo đảm an toàn hoạt động bay nói chung là nhiệm vụ được ưu tiên của ASOC. (Ảnh: ASOC).

Bên cạnh đó, để ngăn ngừa các vật thể lạ, vật ngoại lai ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, ASOC thực hiện quy trình nhận diện mối nguy, đánh giá rủi ro, xác định mức độ có sự gia tăng về chỉ số vật thể lạ, vật ngoại lai. Từ đó đưa ra các kiến nghị giải pháp cụ thể theo từng khu vực và gửi về Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất.

Nhờ công tác kiểm tra, kiểm soát FOD của ASOC diễn ra khá chặt chẽ nên thời gian gần đây tại sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt là các tàu của VNA đã giảm tình trạng cắt lốp và động cơ hút các vật lạ. Theo ghi nhận, 8 tháng đầu năm 2023, có 13 trường hợp máy bay bị cắt lốp do FOD, giảm 48% so với cùng kỳ 2022. Điều này góp phần tiết kiệm được thời gian và giảm thiểu chi phí phát sinh sửa chữa tàu bay.

Bên cạnh đó, việc ASOC tích cực báo cáo các trường hợp thu nhặt dọn dẹp được nhiều FOD đã tác động tốt đến việc kiểm soát vật ngoại lai của Cảng, và từ đó Cảng đã có nhiều kế hoạch triển khai kiểm tra, đánh giá, nghiêm túc thực hiện phòng chống FOD tại sân hơn.

Trong khi đó, ở Sân bay Nội Bài, mỗi ngày 2 lần, 06 chuyên viên Đội DVSĐTK tập trung kiểm tra FOD. Theo ghi nhận, trong 8 tháng đầu năm 2023, có 33 trường hợp cắt lốp do FOD. Tuy nhiên, giai đoạn từ 15/07/2023-31/08/2023, thực hiện tháng cao điểm kiểm soát FOD của CHKQT NBA, số vụ cắt lốp trong tháng 8 giảm xuống chỉ còn 01 vụ.

Còn tại Đà Nẵng, tổ kiểm soát FOD phối hợp cùng Cảng hàng không Đà Nẵng, Cảng vụ và các đơn vị liên quan thực hiện công tác kiểm tra tại sân đỗ, theo dõi sát sao và báo cáo hàng ngày để kiểm soát vật ngoại lai ảnh hưởng tới an toàn bay.

Chủ động kiểm soát an toàn bay

Điều quan trọng nhất trong công việc thực hiện kiểm soát FOD là ý thức quan sát, chủ động phòng chống và hành động loại bỏ vật ngoại lai khi thực hiện nhiệm vụ trên sân của các CBNV. Điều này yêu cầu họ phải luôn thật tỉnh táo, tập trung vào công việc của mình, không bỏ sót bất kỳ vật ngoại lai nào và đánh giá được các tác động tiềm năng của vật ngoại lai đối với an toàn bay, để từ đó có ý thức nhận biết, phòng chống và loại bỏ các vật ngoại lai một cách kịp thời. Bên cạnh đó, họ phải tuân thủ các quy tắc và quy trình kiểm soát vật ngoại lai được thiết lập sẵn, tuân thủ những quy định an toàn.

ASOC tự hào khi tất cả các CBNV luôn có ý thức tự giác chấp hành các quy định về kiểm soát vật ngoại lai, luôn sẵn sàng quan sát và thu nhặt các FOD nếu vô tình gặp. Mọi công tác triển khai kiểm tra FOD đều thực hiện đầy đủ, tập trung và hiệu quả. Cán bộ ASOC đã hết lòng khuyến khích các nhân viên chuyên viên thu nhặt vật ngoại lai và động viên bằng các đánh giá, thư khen nên ngoài trách nhiệm, CBNV ASOC còn tích cực hơn trong công việc này” chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ, chuyên viên Đội DVSĐ-TK chia sẻ.

ASOC tự hào khi tất cả các CBNV luôn có ý thức tự giác chấp hành các quy định về kiểm soát vật ngoại lai. (Ảnh: ASOC).

Nhằm chủ động đảm bảo an toàn bay, ASOC có 1 số kế hoạch nâng cao kiểm soát FOD, như đào tạo và nâng cao nhận thức cho CBNV, bao gồm việc giúp họ nhận diện các loại vật ngoại lai tiềm ẩn, hiểu rõ cách kiểm tra và loại bỏ chúng một cách an toàn và hiệu quả. Đồng thời, tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của việc kiểm soát vật ngoại lai và các hệ lụy tiềm tàng nếu không thực hiện đúng cách.

ASOC cũng lên kế hoạch tăng cường liên kết giữa các đơn vị nhằm tạo ra một hệ thống giao tiếp và liên kết mạnh mẽ giữa các đơn vị có liên quan, bao gồm nhân viên kiểm soát vật ngoại lai, tổ bay, điều phối viên điều hành, suất ăn, thợ máy, xăng dầu và các bộ phận an ninh khác. Điều này giúp chia sẻ thông tin và tăng cường khả năng phản ứng nhanh với các tình huống đặc biệt và nguy hiểm.

Bên cạnh đó, ASOC cũng sẽ xây dựng quan hệ hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các sân bay và tổ chức hàng không quốc tế khác để có thể học hỏi các kỹ thuật tiên tiến và các phương pháp tốt nhất trong việc kiểm soát vật ngoại lai. Cuối cùng là công tác đánh giá định kỳ nhằm đảm bảo hiệu quả của chiến lược kiểm soát vật ngoại lai và cải tiến bất kỳ khía cạnh nào cần thiết.

Đúng với giá trị cốt lõi An toàn là số 1, Đội DVSĐ-TK Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất nói riêng và ASOC nói chung sẽ nỗ lực hết mình để góp phần đảm bảo cho các chuyến bay VNA an toàn, hiệu quả.

Le Thi Hang-COMM
Share bài viết:

Bình luận 1

  1. Kim Thu nói:

    Bài viết rất hay.
    Các hoạt động kiểm soát vật ngoại lai (FOD) của các bạn Dịch vụ sân đỗ – trên không – ASOC thật ý nghĩa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.