Nâng tầm trải nghiệm khách hàng tại Vietnam Airlines với công nghệ nhận diện khuôn mặt

Trên hành trình nâng tầm trải nghiệm của khách hàng thông qua các ứng dụng công nghệ số, Vietnam Airlines đã đưa vào triển khai 2 dịch vụ áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, bao gồm: Dịch vụ hủy đặt chỗ trên website và Dịch vụ vào phòng khách Bông sen.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Công nghệ nhận diện khuôn mặt giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao trải nghiệm cho hành khách của VNA. (Ảnh: VNA)

Công nghệ tiện ích giúp tiết kiệm thời gian khách hàng

Nếu như trước đây, hành khách cần phải có thông tin mã OTP được gửi đến email đăng ký khi mua vé mới hủy được đặt chỗ thì nay, chỉ bằng vài bước đăng ký vô cùng đơn giản với ảnh chụp giấy tờ tùy thân, hành khách có thể thao tác hủy đặt chỗ cho vé mua trực tuyến trong nháy mắt, nhờ tính năng nhận diện khuôn mặt.

Tại quầy làm thủ tục ưu tiên, hành khách cũng chỉ cần nhìn vào máy tính bảng để tiến hành làm thủ tục mà không cần xuất trình bất cứ loại giấy tờ nào khác.

Tại phòng khách Bông Sen, hành khách sẽ được nhân viên hỗ trợ đăng ký dịch vụ trên điện thoại di động và hướng dẫn quét nhận diện khuôn mặt. Kế đó, chỉ cần nhìn vào máy tính bảng là hành khách có thể ra vào và sử dụng dịch vụ.

Chỉ với vài giây xác thực, hành khách đã có thể truy cập vào phòng khách Bông Sen. (Ảnh: VNA)

Với công nghệ nhận diện khuôn mặt, VNA đã giúp hành khách tiết kiệm được rất nhiều thời gian, giảm thao tác, để hành khách có thể tận hưởng trọn vẹn trải nghiệm bay cùng hãng hàng không quốc tế 4 sao.

Nguyên lý hoạt động của công nghệ nhận diện khuôn mặt

Để hiểu công nghệ nhận diện khuôn mặt đã giúp hành khách huỷ đặt chỗ trên website hoặc vào phòng khách Bông Sen Vàng được thực hiện như thế nào, trước tiên cần biết rằng mỗi người sẽ có một gương mặt đặc trưng, không ai giống ai, tương tự như vân tay và mống mắt. Công nghệ nhận diện khuôn mặt đã tận dụng đặc điểm này, sử dụng công nghệ sinh trắc học ánh xạ các đặc điểm khuôn mặt về mặt toán học, sau đó lưu trữ dữ liệu dưới dạng dấu khuôn mặt (faceprint).

Dễ hiểu hơn thì đây là công nghệ nhận dạng khuôn mặt sử dụng trí tuệ nhân tạo để xác định và ghi nhớ các điểm đặc biệt trên gương mặt của một đối tượng bất kỳ. Việc nhận dạng được thực hiện bằng cách quét và đo đạc các bộ phận trên khuôn mặt một đối tượng cụ thể. Công nghệ có thể xác định các điểm khác nhau rất nhỏ mà mắt thường không thể nhận thấy.

Khi người dùng chưa đăng ký, hệ thống sẽ kết nối với máy quét ID để trích xuất mẫu từ khuôn mặt trên giấy tờ thông hành và sử dụng hình thức đối chiếu 1:1 tương tự để kiểm tra xem hình ảnh có khớp với mẫu khuôn mặt được trích xuất từ chế độ xem trực tiếp của camera hay không.

Việc sử dụng phổ biến nhất của đối chiếu khuôn mặt 1:1 là để kiểm soát quyền truy cập điện thoại thông minh hoặc máy tính, cũng như để đăng nhập vào một ứng dụng hoặc dịch vụ trực tuyến.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt sẽ quét các đặc điểm không thay đổi ngay cả khi bị lão hóa như khoảng cách giữa cằm và trán, độ sâu của hốc mắt, chiều rộng mũi, chiều dài hàm.

Ngày nay, công nghệ nhận diện khuôn mặt ngày càng được cải tiến và ưu việt hơn. Công nghệ này có thể đo và xác định khoảng 80 điểm khác biệt của khuôn mặt với tỷ lệ chính xác ngày càng cao hơn. Và gần như tất cả các quá trình được diễn ra trong chưa đầy 2 giây.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt được áp dụng nhiều trong các hoạt động kiểm soát ra vào và vận hành thiết bị chuyên dụng; chấm công; định danh điện tử và các dịch vụ tài chính; mua sắm và thanh toán…

Trong ngành hàng không, công nghệ nhận diện khuôn mặt đã và đang được ứng dụng ngày càng phổ biến để nâng cao trải nghiệm hành khách. Có thể kể đến một số ứng dụng phổ biến trong ngành hàng không như:

– Quản lý lịch trình: Hệ thống nhận diện khuôn mặt có thể được tích hợp với các hệ thống quản lý lịch trình để giúp hành trình di chuyển của hành khách mượt mà hơn.

– Cá nhân hóa trải nghiệm hành khách: Công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể giúp cá nhân hóa trải nghiệm hành khách. Ví dụ, hệ thống có thể nhận diện hành khách và cung cấp thông tin cá nhân hoặc ưu đãi đặc biệt dựa trên lịch sử đi lại của họ. Hành khách cũng có thể dễ dàng thực hiện các tác vụ liên quan đến vé bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt

– Quản lý thời gian chờ: Hệ thống nhận diện khuôn mặt có thể được sử dụng để dự báo thời gian mà hành khách phải chờ đợi tại các điểm kiểm tra khác nhau, giúp tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu thời gian chờ đợi.

– An ninh hàng không: Hệ thống nhận diện khuôn mặt có thể được triển khai tại các cổng kiểm tra an ninh để xác minh danh tính của hành khách. Thay vì sử dụng thẻ lên tàu bay hoặc giấy tờ nhận dạng, hành khách có thể được nhận diện dựa trên thông tin khuôn mặt. Công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể giúp theo dõi và nhận biết các đối tượng nghi ngờ hoặc hành vi không bình thường tại các khu vực quan trọng trong sân bay.

Từ năm 2023, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục thí điểm ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc học cho hành khách khi làm thủ tục lên tàu bay. Có thể thấy, việc áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để sử dụng một số dịch vụ của VNA cho thấy sự phát triển mạnh mẽ trong thời đại công nghệ số của Hãng hàng không Quốc gia với mục tiêu sẽ trở thành hãng hàng không số vào năm 2025.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.