Khảo sát VHS VNA được thực hiện thông qua nhiều hình thức như: phỏng vấn trực tiếp; khảo sát online; trao đổi nhóm; quan sát, nghiên cứu và đánh giá độc lập.
Bên cạnh 4 cuộc phỏng vấn các lãnh đạo cấp cao VNA, phần khảo sát online dành cho CBNV bao gồm 14 câu hỏi, chia thành 3 phần: đánh giá mức độ nhận biết về nền tảng VHDN, VHS và Chiến lược CĐS của VNA; đánh giá mức độ thực hành các hành vi VHS và mong muốn của VNAers về cách thức truyền thông VHS. Cuộc khảo sát online có gần 5.000 CBNV tham gia với hàng trăm ý kiến mở – phản ánh những vấn đề đang tồn tại trong việc xây dựng và thực thi VHS tại VNA.
5 nhận định quan trọng về hiện trạng VHS VNA
Từ kết quả khảo sát, có thể rút ra 5 nhận định quan trọng về hiện trạng VHS của VNA.
01. Người VNA có nhận thức tốt và niềm tin khá lớn đối với công tác CĐS, tuy nhiên, vẫn có những lo ngại nhất định đối với quá trình CĐS ở VNA.
Người VNA nói chung có mức độ nhận biết khá cao đối với chiến lược chuyển đổi số (84.27% có nhận biết từ mức cơ bản đến hiểu và ghi nhớ, hoặc áp dụng vào thực tế công việc) và tuyên bố văn hóa số của VNA (77.12% có nhận biết từ mức cơ bản đến hiểu và ghi nhớ, hoặc áp dụng vào công việc). Cả lãnh đạo và CBNV VNA đều nhận thấy sự cần thiết chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh và đứng vững trên thị trường.
Theo nhận định của người VNA, 3 cản trở lớn nhất cho quá trình CĐS tại VNA lần lượt là:
- Sự tồn tại của các hệ thống và ứng dụng CNTT lạc hậu (53.79%)
- Thiếu kỹ năng và nguồn nhân lực công nghệ (49.59%)
- Thiếu động lực để thúc đẩy sự thay đổi của tổ chức (35.55%)
Còn đối với bản thân người VNA, 3 khó khăn lớn nhất của người VNA khi tham gia vào quá trình CĐS lần lượt là:
- Thiếu hỗ trợ về phát triển năng lực (35.36%)
- Thiếu rõ ràng về mục tiêu và lộ trình (32.36%)
- Khả năng thích nghi với các thay đổi (30.99%)
02. VNA cần có các cơ chế, chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số văn hóa doanh nghiệp
Theo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số về văn hóa, bên cạnh các ưu điểm, VNA cần tiếp tục hoàn thiện các điểm sau:
- Xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy cho các hoạt động chuyển đổi số và văn hóa số, đặc biệt là thúc đẩy đổi mới sáng tạo
- Xây dựng khung năng lực số cho CBNV và các chương trình đào tạo theo khung năng lực số
- Thường xuyên đo lường mức độ gắn kết nhân viên và tăng cường truyền thông giúp CBNV hiểu rõ vai trò của mình trong lộ trình CĐS của tổ chức
03. Nền tảng văn hóa số ban hành năm 2022 có một số điểm không còn phù hợp, cần xem xét điều chỉnh
Nền tảng Văn hóa số (2022) mới dừng lại ở việc diễn giải cho từng thành tố; chưa có các chỉ dẫn về hành vi. Điều này gây khó khăn cho việc thực hành và áp dụng vào thực tế công việc. Ngoài ra, nền tảng Văn hóa số (2022) có một số điểm không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại, cần xem xét điều chỉnh theo hướng:
- Rút gọn số lượng các thành tố; thay thế, điều chỉnh một số thành tố để phù hợp hơn với bối cảnh CĐS của VNA.
- Định nghĩa lại các giá trị một cách rõ ràng giúp CBNV dễ hiểu, dễ nhớ.
- Cụ thể hóa các giá trị bằng các hành vi có tính chuẩn mực, giúp các giá trị dễ nhận biết, đo đếm và áp dụng vào thực tế công việc.
04. “Đổi mới sáng tạo” và “Mở rộng hợp tác” là hai thành tố có mức độ biểu hiện, thực thi thấp nhất ở VNA
Theo kết quả đánh giá của người VNA về mức độ biểu hiện của 42 hành vi văn hóa số, có đến 4 hành vi thuộc “Đổi mới Sáng tạo” và 4 hành vi thuộc thành tố “Mở rộng hợp tác” nằm trong top 10 hành vi có điểm số đánh giá thấp nhất.
- Theo kết quả tổng hợp ý kiến mở trong khảo sát, “người VNA cần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và thay đổi tư duy theo hướng đổi mới, sáng tạo hơn” là nội dung được nhiều người đề xuất/góp ý nhất.
- Theo nội dung chia sẻ từ phỏng vấn chuyên sâu, có sự tồn tại của các silo trong nội bộ VNA, dẫn đến hạn chế về hợp tác liên phòng ban. Ngoài ra, thiếu kết nối và đồng bộ về dữ liệu cũng gây cản trở quá trình quyết định dựa trên dữ liệu và làm chậm quá trình CĐS của tổ chức.
- Theo Chiến lược CĐS TCTHK giai đoạn 2022-2026, phá bỏ các silo, giảm ma sát giữa các cơ quan đơn vị, giữa các hệ thống và ứng dụng là 1 trong 3 mục tiêu tổng quát của CĐS VNA trong giai đoạn này.
05. Vẫn còn nhiều cơ hội cải thiện trong công tác truyền thông cho Chuyển đổi số và Văn hóa số
- Cần tăng tần suất, số lượng chương trình, hoạt động, sự kiện thúc đẩy cho Chuyển đổi số và Văn hóa số
- Nội dung và cách thức truyền thông cần sáng tạo, mới mẻ hơn, đề cao tính “số” (ưu tiên sử dụng các nền tảng, ứng dụng online, mobile first…)
- Kênh Truyền thông nội bộ tiếp tục là kênh chủ đạo trong việc truyền tải các thông tin về văn hóa số. Định dạng cần ưu tiên lần lượt là ảnh, video và tin tức, với phong cách ngắn gọn, trẻ trung.
- Truyền thông về VHS cần phải gắn với thực tế của VNA thay vì chỉ tiếp cận ở góc độ lý thuyết, mới mang lại hiệu quả và thay đổi hành vi của CBNV. CBNV cần phải nhìn thấy hành trình chuyển đổi số đang diễn ra thông qua các nỗ lực hàng ngày trên toàn hệ thống. Khi người VNA trực tiếp nhìn thấy lợi ích của điều đó, họ sẽ chuyển đổi hành vi và tin tưởng hơn, tích cực hơn để tham gia vào lộ trình chuyển đổi số.
- Hoạt động truyền thông văn hóa số cần phải có cách tiếp cận dễ hiểu hơn, tránh các biệt ngữ, gây khó khăn cho việc thu hút sự quan tâm của CBNV
Những vấn đề nào đang được CBNV VNA quan tâm trên hành trình CĐS?
Văn hóa số Vietnam Airlines là một hành trình dài hạn với sự kiên trì, bền bỉ, cam kết mạnh mẽ từ tất cả CBNV của VNA. Kết quả khảo sát đã cho thấy bức tranh về hiện trạng VHS tại VNA còn nhiều khó khăn, thách thức. Giải quyết những vấn đề thấy được từ cuộc khảo sát chính là cơ sở quan trọng trong việc xây dựng Chiến lược VHS VNA.