Trong bối cảnh TCT đang có những bước tiến chuyển đổi số mạnh mẽ hướng tới mục tiêu trở thành hãng hàng không số, Hội thảo sẽ đi sâu vào các khía cạnh quan trọng của văn hóa số tại VNA, chiến lược hoạch định nhân sự, chính sách khen thưởng, thu hút nhân tài và phát triển môi trường làm việc thúc đẩy đổi mới, năng suất và học hỏi liên tục trong môi trường số.
Trong phiên buổi sáng, diễn giả Lê Quang Vũ – Giám đốc Công ty Blue C điểm lại hành trình xây dựng và phát triển của văn hóa số tại VNA, đồng thời chỉ ra 5 thành tố quan trọng của Văn hóa số VNA là: Trải nghiệm khách hàng, Dữ liệu và công nghệ số, Đổi mới sáng tạo; Linh hoạt thích ứng và Quản trị số.
Theo bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số tại doanh nghiệp (DBI), Miền văn hóa với 3 thành tố chính, bao gồm: “Giá trị doanh nghiệp” – Thiết lập các giá trị của doanh nghiệp để thúc đẩy trải nghiệm cho người lao động; “Quản lý tài năng” – doanh nghiệp có đủ năng lực, kiến thức và công cụ để xây dựng và phát triển lực lượng lao động hiệu quả; “Hỗ trợ môi trường làm việc” – Môi trường, chính sách, công cụ làm việc và các hoạt động thực tế được thúc đẩy để tăng năng suất lao động và đổi mới sáng tạo.
Dựa trên bộ chỉ số và các tiêu chí trên, TTCĐS đã phối hợp đơn vị tư vấn đánh giá mức độ chuyển đổi số tại VNA năm 2023, đồng thời đưa ra các khuyến nghị, lập kế hoạch triển khai chương trình xây dựng văn hoá số. Kết quả đánh giá Miền Văn hóa đã được trình bày tóm tắt tại Hội thảo.
Quản lý tài năng là một chiến lược toàn diện
Trong nội dung chính của phần đầu Hội thảo – Quản lý tài năng, ông Lê Quang Vũ nhấn mạnh, quản lý tài năng là một chiến lược toàn diện cho việc tuyển dụng, đào tạo, sử dụng và ‘giữ chân’ nhân viên giỏi trong doanh nghiệp.
Theo Bộ chỉ số DBI, để quản lý tài năng, doanh nghiệp cần có đủ năng lực, kiến thức và công cụ để xây dựng và phát triển lực lượng lao động hiệu quả. Nó bao gồm: Chính sách đãi ngộ, Năng lực cơ bản, Lập kế hoạch phát triển lực lượng lao động, Triển khai kỹ năng số, Nuôi dưỡng tài năng bên ngoài, Phát triển tài năng nội bộ, Học tập trên môi trường số và Sự gắn kết người lao động.
Trong môi trường số, quản lý tài năng khác biệt với quản lý nhân sự, với 5 yếu tố:
Thứ 1: đó là sự tập trung, không dàn trải, tập trung vào nhóm nhân lực quan trọng nhất, được xác định là nhân tài;
Thứ 2, khác với quản trị nhân lực truyền thống được thực hiện bị động, quản trị nhân tài được thực hiện hoàn toàn chủ động, quản trị nhân tài gắn với mục tiêu và chiến lược của doanh nghiệp;
Thứ 3, đó là quản lý tài năng tích hợp các khâu, các bước thành một chuỗi hoạt động;
Thứ 4, lãnh đạo cấp cao có vai trò trung tâm trong quản trị nhân tài và;
Thứ 5: tuyển chọn nhân tài được chiêu mộ một cách thông minh.
Để nắm rõ hơn 8 tiêu chí quản lý tài năng trong văn hoá số, các học viên cùng nhau tìm hiểu những ví dụ điển hình của các doanh nghiệp lớn như: Apple, Singapore Airlines, VinFast, FPT… Đó là một Apple với quan điểm “Khi tuyển dụng hãy đi tìm cướp biển!”. Để thực sự trở thành “cướp biển” của Steve Jobs, giỏi không thôi hay thậm chí cả tư duy khác biệt cũng vẫn chưa đủ. Điều ông thực sự mong muốn ở nhân viên của mình phải là niềm đam mê, nguồn cảm hứng, động lực và khát khao vì khách hàng với những sản phẩm hoàn hảo và mang tính đột phá.
Với FPT, đó là chính sách luân chuyển các vị trí lãnh đạo cấp cao để tạo trải nghiệm đa dạng cho đội ngũ kế cận… Hay với Google, đó là chính sách đào tạo ngang hàng G2G, ở đó nhân viên Google có thể tự đề cử tham gia đào tạo về bất kỳ chủ đề nào và nó diễn ra một cách tự nguyện.
Nhằm hiểu sâu hơn những chính sách đãi ngộ, kế hoạch nhân sự và thực thi kỹ năng số tại VNA, các CBNV đã tham tham gia thảo luận theo mô hình Glad – Sad – Mad, khai thác những điểm nổi bật thu hút, thúc đẩy phát triển nhân tài và những điểm còn hạn chế cần khắc phục.
Đặt trong bối cảnh lớn và dựa trên những những yếu tố, tiêu chí đánh giá mức độ hấp dẫn về nơi làm việc, các thành viên tham gia thảo luận và đánh giá mức độ hấp dẫn của Danh tiếng công ty, Văn hoá và môi trường làm việc hay Cơ hội phát triển… tại VNA để thu hút nguồn nhân lực tài năng.
Hỗ trợ môi trường làm việc trong Miền văn hoá
Trong buổi chiều, hội thảo xoay quanh nội dung hỗ trợ môi trường làm việc. Các hoạt động bao gồm các nghiên cứu điển hình và các buổi thảo luận để kích thích tư duy đổi mới và học tập hợp tác. Điểm nổi bật chính là phần tương tác, nơi các đội sẽ phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của Vietnam Airlines trong bối cảnh thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài.
Bên cạnh đó, diễn giả của chương trình cũng chỉ ra những sai lầm thường thấy của các doanh nghiệp khi thực thi văn hóa số như: thiếu cam kết từ lãnh đạo, không truyền thông đúng và đủ, thiếu đào tạo và hỗ trợ sử dụng công nghệ mới hay không tập trung đến trải nghiệm người dùng (khách hàng và nhân viên)…”
Diễn giả cũng giới thiệu về 08 tiêu chí hỗ trợ môi trường làm việc với 3 từ khoá quan trọng là Đổi mới Sáng tạo, Năng suất và Tri thức. Cụ thể, các tiêu chí bao gồm môi trường, chính sách và công cụ thúc đẩy năng suất/đổi mới sáng tạo cùng nắm bắt tri thức và chia sẻ tri thức.
Với từ khoá đầu tiên, Đổi mới Sáng tạo, ông Vũ đưa ra mô hình Đổi mới Sáng tạo trong doanh nghiệp của nhà nghiên cứu Thụy Điển Göran Ekvall.
Mô hình của Göran Ekvall đã xác định 10 khía cạnh ảnh hưởng đến tính sáng tạo trong tổ chức. Quan niệm của ông đã được xác nhận bởi nhiều nghiên cứu lặp đi lặp lại ở Hoa Kỳ và quốc tế.
Tại Hội thảo, các học viên cũng đã hiểu sâu hơn về môi trường thúc đẩy sự sáng tạo tại các doanh nghiệp thông qua các dẫn chứng điển hình.
Để xây dựng môi trường làm việc sáng tạo và hiệu quả, chúng ta không thể không quản trị Tri thức. Quản trị tri thức là là hoạt động kiến tạo, truyền bá và sử dụng tri thức cho các mục đích cụ thể của tổ chức, doanh nghiệp – (De Jarnet, 1996). Quản trị tri thức rất quan trọng đối với doanh nghiệp, nhưng “Quản lý kiến thức sẽ không bao giờ hiệu quả cho đến khi các doanh nghiệp nhận ra vấn đề không phải là cách bạn nắm bắt kiến thức, mà là cách bạn tạo ra và tận dụng nó”- (Etienne Wenger).
Đối với từ khoá thứ ba, chuyên gia Lê Quang Vũ chia sẻ về 3 tiêu chí thúc đẩy Năng suất (DBI): Môi trường thúc đẩy năng suất: Môi trường làm việc hỗ trợ nâng cao năng suất lao động; Công cụ thúc đẩy tăng năng suất: Công cụ hỗ trợ nâng cao năng suất lao động; Chính sách thúc đẩy tăng năng suất: Chính sách và quy trình làm việc hỗ trợ nâng cao năng suất lao động.
Trong phần tổng kết của Hội thảo, CBNV cùng điểm lại dự thảo lộ trình triển khai phát triển văn hoá số giai đoạn 2023-2026, đồng thời nâng điểm Miền văn hoá. Và để làm được những điều này cần cam kết của lãnh đạo với Văn hóa số VNA và nhân viên hỗ trợ chuyển đổi số với tư duy bứt phá để tạo ra những ý tưởng mới.
Quản lý tài năng và hỗ trợ môi trường làm việc trong Miền văn hoá số là một trong những yếu tố có vai trò quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số tại TCT, thúc đẩy sự cạnh tranh và phát triển trong môi trường kinh doanh. Do đó, Hội thảo lần này góp phần tạo ra sự thay đổi đáng kể trong cách nhận thức và triển khai văn hóa số và quản lý nhân tài trong mỗi cơ quan, đơn vị. Đồng thời, Hội thảo cũng nhấn mạnh cam kết của VNA trong việc nỗ lực xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn nhân tài, tăng năng suất và đổi mới sáng tạo trên toàn TCT.