Chuyển đổi số trong ngành hàng không: Lựa chọn hay tất yếu?

Cùng với sự phát triển không ngừng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn cầu, chuyển đổi số dường như đã trở thành xu thế tất yếu, quyết định sự sống còn của các hãng hàng không.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Năm 1975, một kỹ sư của Kodak đã chế tạo ra chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên, nhưng Kodak đã giấu kín thông tin này vì lo rằng máy ảnh kỹ thuật số sẽ khiến người tiêu dùng không mua phim và thuốc rửa ảnh nữa. Thường thì doanh nghiệp càng lớn và càng thành công thì càng chậm chuyển đổi. Tiếp theo đó, Kodak tiếp tục bỏ qua nhiều cơ hội chuyển đổi số khác. Sự xuất hiện của Iphone vào năm 2007, rồi Instagram năm 2010 là nguyên nhân trực tiếp khiến Kodak phá sản vào năm 2012(1).

Kể từ năm 2000 đến năm 2016, 52% trong số các doanh nghiệp Fortune 500(2) đã bị mua lại, sáp nhập hoặc phá sản. Căn nguyên chính là do chậm hoặc thất bại trong việc chuyển đổi số(3). Thị trường ngày nay luôn thay đổi không ngừng, hành vi của người tiêu dùng cũng luôn thay đổi, luôn có một lớp người dùng mới, nhu cầu mới, yêu cầu những trải nghiệm mới. Đó chính là nguyên nhân mà doanh nghiệp cần phải thay đổi.

Câu chuyện và những số liệu nêu trên chỉ là minh chứng rất nhỏ cho sự cần thiết của chuyển đổi số. Trong thời đại số hóa hiện nay, các doanh nghiệp cần phải cạnh tranh không chỉ với các đối thủ truyền thống mà còn cả với các công ty kỹ thuật số mới nổi. Việc không thể cung cấp trải nghiệm khách hàng tốt hơn và không tối ưu hóa hoạt động có thể khiến doanh nghiệp mất đi lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc chậm chuyển đổi số cũng dẫn đến việc lãng phí tài nguyên, doanh nghiệp cũng không có cho mình cơ hội cạnh tranh về giá cả.

Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu của ngành hàng không

Không nằm ngoài quy luật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số cũng là một yêu cầu tất yếu đối với ngành hàng không, đặc biệt là dưới tác động bất lợi của đại dịch COVID-19. Sự xuất hiện của COVID-19 đã mang đến cho hành khách những “mối lo” mới về an toàn sức khỏe, cùng với đó là những thay đổi trong thói quen khi đi máy bay. Điều này buộc các hãng hàng không phải suy nghĩ về việc xây dựng lại nhiều hệ thống, đặc biệt là phương thức giao tiếp với khách hàng. Và rồi, họ nhận ra lời giải phù hợp nhất cho những thay đổi, không gì khác, chính là chuyển đổi số.

Những hệ thống nhận diện khách hàng bằng sinh trắc học khi gửi hành lý, kiểm tra an ninh, lên tàu bay… giúp hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp; sử dụng tia cực tím để khử khuẩn khoang cabin giúp giảm thiểu một số loại vi rút và vi khuẩn; các trợ lý ảo ra đời giúp giải đáp mọi thắc mắc cho hành khách(4)… Có thể kể ra hàng trăm, thậm chí là cả ngàn những giải pháp số trong giai đoạn đại dịch với mong muốn mang đến cho hành khách sự an toàn và hài lòng trên mỗi chuyến bay. Có thể thấy, chuyển đổi số chính là tấm vé giúp các hãng hàng không vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất của đại dịch.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số giúp các hãng hàng không tiết kiệm đáng kể chi phí thông qua việc tối ưu nhân sự, số hóa giấy tờ, nâng cao hiệu quả khai thác, tối ưu hóa công tác bảo dưỡng… trong thời điểm nguồn thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đại dịch. Đồng thời, công tác an toàn hàng không cũng không ngừng được nâng cao nhờ việc khai thác thông tin từ nguồn dữ liệu lớn sau mỗi chuyến bay.

Là một ngành nghề mang tính toàn cầu, khách hàng có thể đến từ khắp nơi trên thế giới, hành khách không chỉ đi du lịch mà còn kết hợp nhiều nhu cầu khác nhau. Trong thời đại công nghệ như hiện nay, ngành hàng không cũng cần phải không ngừng thay đổi để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới, đa dạng, tiện lợi và cá nhân hóa nhiều hơn. Và tất cả những thứ đó sẽ không thể có được nếu không có chuyển đổi số.

Cùng với những trải nghiệm dịch vụ, hành vi và mong muốn của khách hàng cũng thay đổi khi công nghệ phát triển. Nếu doanh nghiệp không thể cung cấp những trải nghiệm và dịch vụ mà khách hàng đang mong đợi, họ có thể mất đi khách hàng. Công nghệ và thị trường luôn thay đổi là động lực và thách thức cho các doanh nghiệp. Họ cần thích nghi để có thể ứng phó với các biến đổi nhanh chóng trong môi trường kinh doanh.

Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu đối với ngành hàng không trong kỷ nguyên công nghệ 4.0. (Ảnh: VNA).

“Ai làm chuyển đổi thành công từ môi trường thực sang môi trường số, người ấy sẽ tồn tại. Không chuyển đổi, không kịp chuyển đổi sẽ bị thay thế, đào thải”(5). Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, chuyển đổi số không phải là lựa chọn mà đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu của ngành hàng không.

Chuyển đổi số tác động đến ngành ngành hàng không như thế nào?

Theo Digital Adoption, có 3 tác động lớn nhất mà chuyển đổi số đã, đang và sẽ mang đến những thay đổi mạnh mẽ trong ngành hàng không(6).

Cải thiện hiệu quả khai thác: Các thuật toán phân tích dữ liệu lớn và học máy đã giúp các hãng hàng không tối ưu hóa lịch bay và đường bay, giảm thiểu mức tiêu thụ nhiên liệu và giảm tình trạng chậm trễ. Các thiết bị IoT có thể giám sát hiệu suất tàu bay, phát hiện các vấn đề bảo dưỡng và dự đoán nhu cầu bảo dưỡng, cho phép các hãng hàng không giảm thời gian ngừng khai thác và nâng cao khả năng an toàn.

Trải nghiệm khách hàng được cá nhân hóa: Các hãng hàng không sử dụng chatbot và trợ lý ảo được hỗ trợ bởi AI để cung cấp cho hành khách sự hỗ trợ theo thời gian thực. Ứng dụng di động cho phép khách hàng đặt chuyến bay, quản lý hành trình và truy cập các dịch vụ liên quan đến du lịch khác. Các hãng hàng không có thể tạo ra các ưu đãi và khuyến mãi phù hợp bằng cách phân tích sở thích và hành vi của khách hàng, cải thiện sự hài lòng và lòng trung thành của khách hàng.

Dòng doanh thu mới: Tận dụng phân tích dữ liệu lớn và công nghệ AI, các hãng hàng không có thể xác định các cơ hội nâng cao doanh thu phụ trợ, chẳng hạn như cung cấp ghế cao cấp hoặc dịch vụ trên chuyến bay. Sử dụng thiết bị IoT để thu thập dữ liệu về hành vi và sở thích của hành khách có thể giúp cung cấp thông tin cho việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới.

Ứng dụng di động Vietnam Airlines. (Ảnh: VNA).

Đứng trước cơ hội cũng như thách thức của thời đại, Vietnam Airlines nhận định rằng, chuyển đổi số là tất yếu, mang tính sống còn, nhưng đây cũng là một hành trình gian nan mà tập thể CBNV Vietnam Airlines phải vượt qua.

Thời gian qua, Vietnam Airlines đã phối hợp với các đối tác lớn trong và ngoài nước như: Ernst & Young, Google, FPT, Viettel… trong công tác tư vấn, đánh giá, xác định hiện trạng mức độ chuyển đổi số, xác định tầm nhìn, mục tiêu để xây dựng Chiến lược Chuyển đổi số của TCTHK giai đoạn 2022-2026 với các nhóm giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể. Đây là cơ sở để mọi tổ chức, cá nhân trong Tổng công ty triển khai công tác chuyển đổi số của đơn vị mình một cách đồng bộ, đảm bảo có sự phối hợp, kết nối, chia sẻ rộng khắp và hiệu quả.

Và mới đây nhất, việc phát động triển khai “Văn hóa số của Vietnam Airlines” là dấu mốc quan trọng trong hành trình trở thành Hãng hàng không số.

Với tư duy, đường lối đúng đắn, cũng như quyết tâm của toàn thể lãnh đạo, CBNV, người lao động, Vietnam Airlines sẽ tiến từng nước vững chắc trên hành trình chuyển đổi số, tạo tiền đề cho sự phát triển vượt bậc trong tương lai.

Trung tâm Chuyển đổi số

Tham khảo

(1)Bộ Thông tin & Truyền thông. 2021. Cẩm nang Chuyển đổi số – Vì sao doanh nghiệp cần phải chuyển đổi số.

(2)500 công ty lớn nhất Hoa Kỳ theo tổng doanh thu mỗi công ty được biên soạn hàng năm bởi tạp chí Fortune

(3)(5)Bộ Thông tin & Truyền thông. 2021. Cẩm nang Chuyển đổi số – Tại sao nói chuyển đổi số hay là chết.

(4)Encyclopedia. 2022. Digital Technology Adopted by Airlines during COVID-19 Pandemic. Từ: https://encyclopedia.pub/entry/38810

(6)Digital Adoption. 07.08.2023. Airline digital transformation: A digital-centric transition. Từ: https://www.digital-adoption.com/airline-digital-transformation/

Trung tâm Chuyển đổi số
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.