Chiến lược Văn hóa số trong giai đoạn từ 2023 – 2026: Định hình công tác Văn hóa số, thúc đẩy Chuyển đổi số

Buổi họp Chiến lược Văn hóa số giai đoạn 2023 – 2026 do PTGĐ Đặng Anh Tuấn chủ trì vừa qua đã định hình công tác Văn hóa số nhằm thúc đẩy công cuộc Chuyển đổi số tại VNA.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Theo chiến lược, Tầm nhìn Văn hoá số của VNA là “Đến năm 2026, Vietnam Airlines hình thành một văn hóa số mạnh mẽ, đặc trưng bởi trải nghiệm khách hàng, ưu tiên dữ liệu và công nghệ số, đổi mới sáng tạo liên tục, linh hoạt thích ứng với tư duy quản trị số; với đội ngũ nhân lực có các tư duy, hành vi và kỹ năng số phù hợp, từ đó xây dựng VNA thành một hình mẫu doanh nghiệp có bản sắc văn hóa riêng, thu hút nhân tài, gắn kết nhân viên trong môi trường chuyển đổi số”.

Mô hình Bông sen số VNA. (Ảnh: TT CĐS)

Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Chiến lược đã chỉ ra 5 mục tiêu lớn trong việc xây dựng Văn hóa số tại VNA, bao gồm:

Mục tiêu 1- Thúc đẩy các chuẩn hành vi Văn hóa số trên toàn VNA: VNA đã xác lập trụ cột văn hóa số với 5 thành tố và 15 chuẩn hành vi tương ứng trong Sổ tay Văn hóa số Vietnam Airlines. Việc thực hành 15 chuẩn hành vi Văn hóa số trở thành thói quen trong công việc hàng ngày sẽ hỗ trợ tốt cho công tác chuyển đổi số của VNA đi đến thành công.

Mục tiêu 2 – Phát triển nguồn nhân lực số của VNA: Nhân lực số là yếu tố quan trọng để VNA hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Chiến lược Chuyển đổi số 2022 – 2026, thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả và bền vững tại VNA. Để có được nguồn nhân lực số lớn mạnh, VNA cần chú trọng các chính sách đãi ngộ thu hút nhân tài, các chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số, kỹ năng số cho CBNV.

Mục tiêu 3 – Gia tăng trải nghiệm nhân viên tại VNA: Cùng với việc gia tăng trải nghiệm khách hàng, gia tăng trải nghiệm nhân viên là một trong những mục tiêu quan trọng của công tác CĐS tại TCTHK. Những thay đổi về mặt công nghệ sẽ góp phần cải thiện môi trường làm việc của CBNV. Qua đó, tạo ra các trải nghiệm tích cực cho nhân viên, gia tăng động lực làm việc, từng bước nâng cao hiệu suất và gia tăng gắn kết với tổ chức.

Mục tiêu 4 – Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên toàn VNA: Bắt đầu bằng việc tạo dựng một môi trường khuyến khích các ý tưởng đổi mới, sẵn sàng đón nhận sự thay đổi, khuyến khích thử nghiệm và cải tiến liên tục; Giúp tổ chức cởi mở với sự thay đổi, tận dụng công nghệ mới, thích ứng nhanh chóng với thị trường, liên tục tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới và tối ưu hóa quy trình kinh doanh.

Mục tiêu 5 – Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về công tác Chuyển đổi số và Văn hóa số: Bám sát các thông tin, hoạt động trong công tác Chuyển đổi số tại đơn vị và TCTHK, truyền thông tích cực, hiệu quả liên tục để lan tỏa đến CBNV. Đồng thời, chủ động triển khai các nội dung truyền thông nhằm thúc đẩy tinh thần chuyển đổi số trong mỗi CBNV, thúc đẩy CBNV chủ động tham gia vào các hoạt động chuyển đổi số tại đơn vị và áp dụng các giải pháp số, ứng dụng số trong công việc của mình. Ngoài ra, trong suốt quá trình thực hiện Chuyển đổi số và Văn hóa số, VNA cần từng bước lan tỏa văn hóa số VNA từ trong nội bộ ra bên ngoài bắt đầu từ năm 2024 và truyền thông mạnh mẽ vào năm 2026.

Phó Tổng giám đốc Đặng Anh Tuấn chủ trì cuộc họp. (Ảnh: TT CĐS)

Chiến lược cũng đề xuất các giải pháp và xây dựng lộ trình triển khai với 4 giai đoạn, cụ thể:

  • Giai đoạn Nền tảng – 2023: Tập trung vào việc định hình, chuẩn hóa nền tảng Văn hóa số;
  • Giai đoạn Tăng tốc – 2024: Ưu tiên thúc đẩy chuẩn hành vi Văn hóa số và kích hoạt trải nghiệm nhân viên trên môi trường số;
  • Giai đoạn Về đích – 2025: Ưu tiên gia tăng các chương trình hoạt động trải nghiệm nhân viên, tạo môi trường gắn kết và thu hút nguồn nhân lực số, biến Văn hóa số trở thành trụ cột quan trọng và then chốt giúp VNA hoàn thành mục tiêu “Trở thành Hãng hàng không số”;
  • Giai đoạn Vươn tầm – 2026: Tập trung lan tỏa Văn hóa số VNA ra bên ngoài và khẳng định những đóng góp của VNA trong công cuộc chuyển đổi số chung của ngành và đất nước.

Những kết quả tích cực trong năm 2023 như hoàn tất việc định hình nền tảng Văn hóa số, ra mắt tuyên bố văn hóa số và Sổ tay Văn hóa số … đã giúp VNA thống nhất được một cách hiểu chung về các thành tố Văn hóa số trên toàn tổ chức. Đồng thời đưa ra các chỉ dẫn về hành vi rõ ràng, dễ nhận biết, dễ đo đếm giúp người VNA có thể dễ dàng áp dụng vào thực tế công việc.

Bên cạnh đó, tác động tích cực của công tác đào tạo, truyền thông Văn hóa số trong năm 2023 và đầu 2024 cũng là bước đệm quan trọng, tạo đà cho việc phát triển Văn hóa số trong nội bộ VNA trong 6 tháng cuối năm 2024 và các năm tiếp theo.

Việc hoàn tất Chiến lược Văn hóa số ở thời điểm này tiếp tục là một bước đi mới, có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình kiến tạo Văn hóa số, đồng hành cùng Chuyển đổi số tại VNA. Các nội dung trong Chiến lược là căn cứ quan trọng mang tính định hướng để VNA tiếp tục xây dựng các chương trình hành động cụ thể từng năm, nhằm nhanh chóng đưa các hành vi Văn hóa số áp dụng vào thực tế công việc. Từ đó, đưa Văn hóa số trở thành một trụ cột then chốt thúc đẩy, hỗ trợ tích cực cho quá trình Chuyển đổi số tại VNA.

TT CĐS
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.