Là hoạt động tiếp theo trong Tháng Chuyển đổi số Vietnam Airlines 2023, chương trình đào tạo nhận thức về văn hóa số (VHS) được Trung tâm Chuyển đổi số phối hợp thực hiện cùng Blue C – Đơn vị tư vấn xây dựng Chiến lược VHS cho VNA.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số cho biết: “Buổi đào tạo hôm nay sẽ mang đến cái nhìn đầy đủ nhất về hành trình xây dựng và thực thi VHS để hỗ trợ chuyển đổi số (CĐS) tại VNA. Đặc biệt là tư duy, hành động cũng như vai trò, nhiệm vụ của các cấp lãnh đạo trong việc lan tỏa VHS tại VNA”.
Chương trình đào tạo được giảng dạy trực tiếp bởi Chuyên gia Lê Quang Vũ – Giám đốc Công ty cổ phần phát triển nội dung Blue C.
Mở đầu phần trình bày của mình, ông Lê Quang Vũ nhắc đến tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Bắt nguồn từ nền tảng ngầm định là tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) là hệ thống các giá trị, nhận thức, hành vi và biểu hiện trong doanh nghiệp, làm nên bản sắc riêng của mỗi doanh nghiệp.
Trong thời đại hiện nay, VHDN càng trở nên quan trọng. Không chỉ là yếu tố giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh, văn hóa còn giúp các doanh nghiệp đứng vững trước mọi biến đổi liên tục của thị trường.
Nối tiếp sự chuyển dịch từ văn hóa doanh nghiệp “kiểu cũ” sang văn hóa số, chuyên gia Lê Quang Vũ mang đến cho các học viên case study “kinh điển” về văn hóa số: Ngân hàng DBS (Singapore) – khi mà VHS đã mang đến những sự thay đổi vượt bậc để từ Ngân hàng có điểm hài lòng của khách hàng thấp nhất Singapore (2009), DBS Bank trở thành Ngân hàng tốt nhất thế giới (Theo kết quả được đưa ra bởi Global Finance). Từ đó, đi đến kết luận VHS là tất yếu trong thời đại công nghệ số như hiện nay, và VNA cũng không ngoại lệ.
“VHS giúp thống nhất, đồng bộ tư duy và nhận thức của lãnh đạo và nhân viên về vai trò và tầm quan trọng của CĐS. VHS với tư duy mở và hợp tác giúp cho tổ chức thích ứng nhanh hơn với các thay đổi, biến động của thị trường. VHS với tư duy và hành vi mới, sẽ giúp việc sử dụng công nghệ hiệu quả hơn, không lãng phí hạ tầng số đã đầu tư. Bên cạnh đó, VHS cũng giúp doanh nghiệp xây dựng được một môi trường làm việc đa dạng, hòa hợp, thu hút và giữ chân nhân tài, tạo ra một lực lượng lao động thích nghi nhanh, thạo công nghệ, có thể làm việc và cộng tác từ bất kỳ đâu. Đó chính là lợi thế cạnh tranh bền vững” – ông Lê Quang Vũ khẳng định.
Trong quá trình tiến hành khảo sát lấy ý kiến CBNV về văn hóa số trên quy mô toàn TCT, ông Lê Quang Vũ cùng Trung tâm Chuyển đổi số “tìm ra” 5 điều tích cực, đó là:
- Người VNA có niềm tin và quyết tâm cao để chuyển đổi số
- VHDN VNA có mức độ trưởng thành cao hơn 7 điểm so với thị trường
- Văn hoá An toàn & văn hoá Dịch vụ thể hiện nổi bật
- Vai trò và sự tham gia của lãnh đạo và quản lý VNA đối với văn hoá số được đánh giá cao
- TTNB phát huy sức mạnh, tạo tác VHDN phong phú
Bên cạnh đó, vẫn còn những điều tồn đọng như: Thiếu công nghệ, kỹ năng, động lực đang là 3 thách thức lớn của VNA trong hành trình CĐS; CBNV VNA lo ngại về việc thiếu kỹ năng cần thiết để tham gia vào quá trình CĐS; Thiếu hợp tác liên phòng ban đang trở thành một lực cản đối với quá trình CĐS tại VNA…
Những nhận định đó chính là tiền đề quan trọng để VNA xây dựng hình tượng Bông sen số – đại diện cho VHS VNA với 5 thành tố, mới được chính thức ra mắt tại Sự kiện Ngày Chuyển đổi số Vietnam Airlines 10/10 vừa qua.
Để các học viên có thể hiểu rõ hơn về VHS VNA, bên cạnh việc chỉ ra những điểm quan trọng cũng như các chuẩn hành vi ứng với mỗi thành tố, ông Lê Quang Vũ cũng đưa ra những case study điển hình ở Việt Nam cũng như trên thế giới, cùng với đó là khéo léo lồng ghép, liên hệ với thực tế tại VNA.
Nhằm tạo ra bầu không khí vui vẻ, kích thích việc học tập hăng say, bên cạnh những phần kiến thức đơn thuần, chuyên gia Lê Quang Vũ cũng tổ chức các trò chơi đầy thú vị xoay quanh các nội dung liên quan đến VHS, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo học viên.
Kết thúc cho phần trình bày của mình, ông Lê Quang Vũ nói về hành trình thực thi VHS tại VNA với mục tiêu: Tăng điểm số ở Miền Văn hóa phù hợp với tiến trình CĐS ở VNA, từ đó hỗ trợ việc nâng cao tăng mức độ trưởng thành số nói chung của VNA. Cùng với đó là nhấn mạnh vai trò của đội ngũ quản lý, lãnh đạo đơn vị trong thực thi và lan tỏa VHS VNA.
“Theo tôi, với vai trò của một quản lý – một hạt nhân lan tỏa VHS tại VNA, mỗi người ngồi đây cần ghi nhớ 4 chữ: Nhớ – Làm – Nhắc – Khen. Nhớ nền tảng, nhớ bản chất của VHS VNA. Là người lãnh đạo, chúng ta cần phải làm gương, làm cùng CBNV. Phải thường xuyên nhắc đến VHS, và không quên nhắc nhở những ai đang có những hành vi chưa đúng về VHS. Với những người thể hiện đúng tinh thần của VHS VNA, cần phải khen đúng, khen nhiều để họ ngày càng phát huy hơn nữa.”
Sau phần trình bày của ông Lê Quang Vũ, các học viên đã có phần hỏi đáp sôi nổi. Nhiều ý kiến đã được đưa ra, hướng đến mục tiêu cùng nhau thực hiện nhanh chóng, hiệu quả hành trình lan tỏa VHS tại VNA.
Sau Chương trình đào tạo, các học viên sẽ trở về đơn vị của mình để tiếp tục lan tỏa VHS, mang những giá trị thực chất nhất của VHS len lỏi vào tức ngõ ngách trong công việc của mỗi CBNV, từ đó hình thành “bầu không khí số”, tạo điều kiện thuận lợi cho CĐS tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines.
Khép lại Tháng Chuyển đổi số Vietnam Airlines 2023, Chương trình đào tạo Nhận thức về VHS sẽ tiếp tục được thực hiện tại Đà Nẵng vào ngày 30/10 tới đây.