Năm 2005, Vietnam Airlines đã đạt Chứng nhận đánh giá An toàn Khai thác IOSA – chứng chỉ quan trọng nhất về an toàn hàng không và cũng là điều kiện tiên quyết để Hãng trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA). Để đạt được dấu mốc quan trọng đó là sự nỗ lực của cả tập thể TCT Hàng không Việt Nam, trong đó, đặc biệt là những người làm công tác an toàn.
Nhân dịp Vietnam Airlines bước sang lần thứ 10 liên tiếp gia hạn thành công Chứng nhận IOSA và vinh dự là hãng hàng không chủ nhà đăng cai Hội nghị An toàn và Khai thác hàng không thế giới 2023, do IATA tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9 tới, VNA Spirit đã có cuộc trò chuyện cùng anh Âu Duy Linh – Trưởng phòng Quản lý An toàn – Chất lượng, Ban ATCL – Thư ký UBAT VNA Group về chủ đề này.
Xin chào anh Linh, anh có thể cho biết Chứng nhận IOSA là gì và nó có ý nghĩa như thế nào với các hãng hàng không và Vietnam Airlines nói riêng?
Chứng nhận IOSA là kết quả đánh giá An toàn khai thác đảm bảo đáp ứng tuân thủ các tiêu chuẩn của IATA – chương trình đánh giá được quốc tế công nhận, được thiết kế để đánh giá hệ thống quản lý và kiểm soát hoạt động khai thác của Hãng hàng không, là yêu cầu bắt buộc đối với hãng hàng không là thành viên của IATA. IATA thiết lập và liên tục phát triển bộ tiêu chuẩn an toàn khai thác IOSA dựa trên yêu cầu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO annexes), quy định của Cơ quan An toàn hàng không Châu Âu (EASA -EC), quy định của Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA FAR 129).
IOSA được thực hiện đánh giá gia hạn 2 năm/lần hoặc đánh giá kiểm chứng và là một phần quan trọng trong chương trình an toàn của IATA. Kết quả đánh giá IOSA cho phép các Hãng hàng không tối đa hóa sử dụng kết quả đánh giá của IATA. Điều này đã giúp các Hãng hàng không tiết kiệm chi phí và nguồn lực thực hiện các cuộc đánh giá chéo đối với đối tác.
Chứng nhận IOSA được coi như một “tấm thẻ xanh” trên con đường hội nhập quốc tế của Vietnam Airlines. Nhờ đó mà năm 2015 chúng ta được cấp chứng chỉ FAOC bay vào Châu Âu (EASA TCO); năm 2021 xin cấp phép thành công chứng chỉ FAOC bay thẳng thường lệ đến Mỹ. Bên cạnh đó, sở hữu chứng nhận IOSA cũng tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta gia nhập Liên minh hàng không SkyTeam vào năm 2010.
Trở thành thành viên của SkyTeam không chỉ giúp tăng trải nghiệm và hành trình thông suốt mà hành khách còn được hưởng những dịch vụ thuận tiện và đồng nhất với tiêu chuẩn quốc tế trên mạng bay toàn cầu của SkyTeam bao phủ hơn 1088 điểm đến tại 184 quốc gia, do 19 hãng hàng không thuộc liên minh hàng không SkyTeam khai thác thông qua các hợp đồng Codeshare.
Năm 2005, Vietnam Airlines lần đầu tiên đạt Chứng nhận IOSA. Thời điểm đó VNA đã có sự chuẩn bị như thế nào mới đạt được chứng nhận này?
Năm 2005, Vietnam Airlines đã được AQS (một trong các tổ chức đánh giá của IATA) thực hiện đánh giá IOSA lần đầu. Ngoài việc giữ vững các tiêu chuẩn an toàn khai thác và sự đồng bộ trong hệ thống điều hành, năm 2005-2006 Vietnam Airlines đã tập trung mọi nguồn lực để: 1/ Rà soát xây dựng hệ thống tài liệu an toàn khai thác từ chính sách, quy trình, hướng dẫn khai thác, xây dựng chương trình huấn luyện đào tạo nhân viên và xây dựng bộ máy tổ chức hợp lý, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo nguồn lực thực hiện đúng chính sách an toàn – chất lượng đã công bố. 2/ Khắc phục gần 100 điểm không phù hợp trong lần đánh giá đầu tiên để hiệu chuẩn các quy định, quy trình và vận hành khai khác an toàn, hiệu quả.
Sau khi đạt được chứng chỉ IOSA, thách thức lớn nhất đối với Vietnam Airlines là liên tục duy trì tuân thủ tiêu chuẩn IOSA trên cả hai phương diện đáp ứng về mặt tài liệu và triển khai thực hiện đúng quy định đối với hơn 950 tiêu chuẩn IOSA thuộc 8 lĩnh vực hoạt động bao gồm: Tổ chức, hệ thống quản lý, hệ thống an toàn – chất lượng; Khai thác bay; Kiểm soát khai thác và điều phái bay; Kỹ thuật và bảo dưỡng tàu bay; Khai thác khoang khách; Khai thác mặt đất; Khai thác hàng hoá; An ninh hàng không. Cùng với đó, Vietnam Airlines đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống tài liệu An toàn bay gồm tài liệu quản lý an toàn – chất lượng, tài liệu khai thác bay, bảo dưỡng kỹ thuật tàu bay, tài liệu khai thác mặt đất, tài liệu an ninh hàng không và hệ thống tài liệu huấn luyện.
Với nỗ lực của tất cả các bộ phận và người lao động, Vietnam Airlines được IATA cấp giấy chứng nhận IOSA và trở thành thành viên chính thức của IATA vào năm 2006.
Đạt IOSA và trở thành thành viên của IATA đã thay đổi hoạt động của Vietnam Airlines như thế nào?
Với hàng chục nghìn hành khách mỗi ngày, hàng chục triệu hành khách mỗi năm đang đặt niềm tin và có thể nói là cả sinh mạng vào mỗi chuyến bay của Vietnam Airlines thì việc đạt được Chứng chỉ an toàn và trở thành thành viên của tổ chức Hàng không quốc tế hàng đầu cho thấy chất lượng và uy tín của Hãng. Để tiếp tục giữ được niềm tin của hành khách, đối tác thì “An toàn là số 1” chính là nền tảng cho mọi hoạt động. Và công cuộc đảm bảo an toàn, phát triển văn hóa an toàn sẽ luôn là hành trình trường kỳ của Vietnam Airlines.
Hãng luôn thúc đẩy Văn hóa an toàn với nhiều hoạt động. Đáng chú ý, từ năm 2017, Vietnam Airlines tập trung nguồn lực thúc đẩy văn hóa an toàn, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể thông qua việc: 1/ Triển khai các lớp huấn luyện sâu rộng cho toàn bộ người lao động từ lãnh đạo cấp cao đến nhân viên làm việc trực tiếp; 2/ Thực hiện khảo sát văn hóa an toàn; 3/ Tổ chức các cuộc thi Gamification; 4/ Tổ chức hội thảo VHAT;
Đáng vui mừng là năm 2020, VHAT Vietnam Airlines đã đạt Mức độ An toàn chủ động (Proactive), hướng đến mục tiêu đạt mức Tiên tiến vào năm 2025.
Vậy hệ quy chuẩn để đánh giá IOSA có thay đổi qua các năm không? Nếu có thì những thay đổi quan trọng nhất là ở điểm nào?
Tháng 4 hàng năm, IATA định kỳ cập nhật và ban hành Bộ tiêu chuẩn IOSA phiên bản chính thức phù hợp với quy định của ICAO, các nhà chức trách hàng không như (FAA, EASA..), quy định của IATA. Ngoài ra, IATA còn ban hành cập nhật liên tục các phiên bản tạm thời. Có 2 sự kiện đáng lưu ý đó là:
Năm 2015, IATA đã xây dựng và triển khai chương trình Enhanced IOSA và Vietnam Airlines là Hãng hàng không tiên phong tự nguyện thực hiện volunteer E-IOSA trước thời hạn. E-IOSA tập trung vào xây dựng Hệ thống an toàn – chất lượng đảm bảo thực hiện 4 mục tiêu trụ cột cốt lõi của IOSA: Đảm bảo Độ tin cậy của Chương trình Đảm bảo An toàn chất lượng; Chuẩn hóa công tác đánh giá; Đảm bảo liên tục tuân thủ tiêu chuẩn IOSA; Tập trung vào việc thực hiện.
Tiếp nối sau thành công của chương trình Enhanced IOSA 2015 thì năm 2023, IATA chính thức triển khai chương trình đánh giá mới theo phương thức “Risk based IOSA audit”. Đây là một trong ba chủ đề lớn của IATA về An toàn gồm: Safety Leadership; Safety Risk; Safety Connect. Phương thức này dựa trên đánh giá, đo lường hiệu quả kiểm soát các yếu tố rủi ro an toàn đối với hệ thống các tiêu chuẩn IOSA và càng khẳng định rõ vai trò của An toàn khai thác trong mọi hoạt động của Hãng hàng không, an toàn là số 1, là nền tảng cho mọi hoạt động.
Được biết năm 2022, VNA đã nhận chứng chỉ IOSA lần thứ 10 liên tiếp. Để giữ vững chứng chỉ này Vietnam Airlines đã phải nỗ lực như thế nào thưa anh?
Đây là một thành quả rất đáng mừng bởi bên cạnh việc duy trì chương trình đánh giá gia hạn theo quy định của IATA, chúng ta đã liên tục chứng minh năng lực đảm bảo an toàn khai thác trên cơ sở tuân thủ đầy đủ, kịp thời các lần giám sát định kỳ 3 tháng/lần theo quy định áp dụng đặc biệt trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2022.
Cùng với đó Hãng đã triển khai áp dụng chương trình quản lý sự thay đổi bao gồm các thay đổi liên quan tổ chức, trang thiết bị vận hành, quy trình thực hiện, yếu tố con người và tăng tần suất và phương thức giám sát tuân thủ của đối tác cung cấp dịch vụ, đối tác codeshare đảm bảo an toàn khai thác sau đại dịch.
Hội nghị An toàn khai thác toàn cầu IATA sẽ do Vietnam Airlines đăng cai tổ chức, điều này có ý nghĩa như thế nào?
Việc IATA lựa chọn Việt Nam là địa điểm tổ chức và Vietnam Airlines là hãng hàng không chủ nhà đăng cai sự kiện cho thấy tầm ảnh hưởng, vị thế của Việt Nam cũng như Hãng hàng không Quốc gia đối với thị trường hàng không quốc tế.
Chúng ta vô cùng tự hào về những gì mà TCT đã đạt được trong suốt gần hai thập kỷ qua về 10 lần liên tiếp gia hạn thành công chứng nhận IOSA và hồ sơ an toàn của Vietnam Airlines được đánh giá cao. Nhờ đó mà chúng ta được IATA ghi nhận về những nỗ lực trong công tác đảm bảo an toàn hàng không và lựa chọn Vietnam Airlines là đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị toàn cầu về An toàn và khai thác.
Tham gia Hội nghị với vai trò chủ nhà sẽ là cơ hội để Vietnam Airlines nhấn mạnh và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng đặc biệt của việc xây dựng VHAT trong tổ chức, hướng tới mục tiêu VHAT đạt mức Tiên tiến vào năm 2025.
Lĩnh vực an toàn hàng không là một trong những nội dung quan trọng được IATA tập trung chú trọng và tổ chức thường niên thông qua từng sự kiện riêng lẻ. Năm nay, Hội nghị An toàn và Khai thác hàng không thế giới 2023 với chủ đề “Lãnh đạo vào cuộc: Thúc đẩy khai thác an toàn và hiệu quả” sẽ là lần đầu tiên IATA tổ chức một sự kiện tổng thể về công tác an toàn nói chung của ngành hàng không.
Xin cám ơn anh về những chia sẻ vừa rồi và xin chúc cho Hội nghị An toàn khai thác toàn cầu IATA thành công rực rỡ!
Lê Hằng-COMM; Thu Trang-SQD
Tuyệt vời, đúng là cán bộ của Vietnam Airlines rất có tầm