Dự án “Từ truyền thống đến truyền thống” của nhóm sinh viên chuyên ngành lụa và sơn mài – Đại học Mỹ thuật Việt Nam là cơ hội cho các tác giả trẻ học hỏi trực tiếp từ nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Ông là truyền nhân cuối cùng của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Dưới sự hướng dẫn và giám tuyển của giảng viên Nguyễn Thế Sơn tại đình Nam Hương (75 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm), các tác giả trẻ đã có thêm hướng tiếp cận và thực hành mới trên nhiều chất liệu khác nhau trên cơ sở tiếp thu những kỹ thuật cơ bản, đặc trưng của dòng tranh truyền thống này.
Tổng kết dự án là một triển lãm với nhiều tác phẩm mà người xem dễ dàng nhận ra những đường nét, màu sắc thân quen của tranh dân gian Hàng Trống, những “Ngũ Hổ”, “Bà Chúa”, “Tố nữ”… được thử nghiệm trên các chất liệu như lụa, sơn mài, thậm chí in phun trên xốp thường được sử dụng trong ngành công nghiệp quảng cáo để tạo hiệu ứng kết hợp giữa tranh dân gian và phù điêu ảnh.
Trong nỗ lực phục dựng nghệ thuật truyền thống qua lăng kính sáng tạo của các tác giả trẻ, không thể không nhắc đến dự án phi lợi nhuận “Vẽ về Hát bội” do họa sỹ Huỳnh Kim Liên khởi xướng. Những nghệ sỹ thực hiện dự án vừa bước qua tuổi đôi mươi và họ ít biết, cũng như chưa từng hứng thú với bộ môn nghệ thuật Hát bội. Họ cùng nhau bước trên con đường tìm về cội nguồn. Xuất phát điểm, các nghệ sỹ trong dự án “Vẽ về Hát bội” chỉ mong muốn thắp lên “một đốm lửa nhỏ” lan tỏa tình cảm của giới trẻ với Hát bội, đem đến một góc nhìn hoàn toàn mới và lý thú cho nghệ thuật truyền thống.
Thế nhưng, chỉ trong 2 tháng ngắn ngủi, 43 hoạ sỹ cùng với khoảng 100 người hỗ trợ đã thực hiện được những điều không nhỏ. Một triển lãm 10 ngày ở Nhà hát Chợ Lớn (TP.Hồ Chí Minh) cùng các buổi hội thảo, một cuốn sách mang tên “Vẽ về Hát bội” dày 136 trang ghi lại lịch sử hình thành và phát triển của Hát bội, khắc họa những nét tinh hoa của Hát bội và in lại hơn 40 bức tranh trong triển lãm.
Gần đây, một lần nữa công chúng lại được chứng kiến sự say mê sáng tác, thể hiện tình yêu đối với các di sản ở Hà Nội thông qua cuộc thi vẽ minh hoạ “Hà Nội là…” do chương trình Định cư Con người Liên hợp quốc (UN-Habitat – Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (thuộc UNESCO) tổ chức với sự đồng hành của nhóm Vietnam Local Artist Group (VLAG). Chỉ trong vòng 1 tháng, cuộc thi đã nhận được tác phẩm của gần 250 nghệ sĩ trẻ trong và ngoài nước, được thể hiện trên nhiều chất liệu như vẽ kỹ thuật số (digital), lụa, cắt dán, sơn dầu, sơn mài…
Cuộc thi đã cho các tác giả trẻ không gian để thoả sức “định nghĩa” về Hà Nội theo ấn tượng, ký ức và cảm xúc riêng tư. Một điểm nổi bật có thể dễ dàng nhận thấy, đó là tình yêu với di sản Hà Nội của những tác giả trẻ, họ yêu từ các di tích kiến trúc cho tới những nếp sống đậm chất văn hoá, hay những sinh hoạt đường phố rất Hà Nội… Hà Nội có thể là một gánh hàng rong trên đôi vai của một cô robot với chiếc đòn gánh là cầu Long Biên, gánh trên đó biết bao là di sản văn hoá trong tác phẩm “Hà Nội rong” của Đặng Thái Tuấn đạt giải nhất cuộc thi. Giải bình chọn là Hà Nội trong những chiếc hộp bị cắt nắp của một bạn trẻ chưa từng đến Hà Nội, chỉ biết và yêu Hà Nội qua màn hình. “Đầu óc trên mây” của Hà Mạnh Hiếu đạt giải nhất là Hà Nội với những khu tập thể vừa cũ vừa nên thơ, bay bổng…
Giới trẻ ngày nay không hề thờ ơ với nghệ thuật truyền thống, nếu họ hiểu và tìm được sự đồng điệu trong trái tim mình. Chính họ, hơn ai hết mong muốn được kết nối, kế thừa và phát triển những giá trị mà cha ông để lại. Không chỉ là chủ đề, là chất liệu, truyền thống còn là một dòng chảy bên trong cho họ niềm tự hào và cảm hứng sáng tạo. Chính các nghệ sỹ trẻ là người khơi dòng cho nghệ thuật truyền thống tiếp tục chảy trôi trong nhịp sống đương đại.
Theo: Chii Nguyen – Heritage
Nguyen Mai Huong-COMM