Đánh thức và khơi gợi truyền thống, phát triển bền vững, bảo vệ hệ sinh thái… là những khái niệm không xa lạ trong thiết kế hiện đại. Nhưng khai thác như thế nào để ở đó yếu tố “truyền thống” được phát huy triệt để đang là chủ đề được các nhà thiết kế trẻ đặc biệt quan tâm. Cùng với sự phát triển của thông tin và công nghệ, các nhà thiết kế Việt đã có những bước đi tích cực, tự tin ứng dụng dấu ấn “truyền thống” tạo nên nhiều bất ngờ, thậm chí cả sự táo bạo.
Những ngành nghề thân thuộc, qua ngàn năm tồn tại, gắn bó với lịch sử phát triển nước Việt như khảm trai, sơn mài, gốm… dễ bị “đóng khung” bởi định kiến, tư duy, kỹ thuật làng nghề, nhưng khi các bạn trẻ ứng dụng vào thực tại, có thể thấy bước chuyển mượt mà, nhẹ nhàng, tình cảm qua những thiết kế đậm dấu ấn sáng tạo.
Nghệ sĩ sơn mài Nguyễn Xuân Lục – Hà Nội là ví dụ. Anh xuất thân là người làng nghề, học chuyên ngành hội họa, hoạt động trên họa đàn là nghệ sĩ sáng tác với những bức tranh gây tiếng vang ở Việt Nam và khu vực. Thiết kế với anh như một cách thư giãn, một cuộc dạo chơi, những sản phẩm thể hiện kỹ thuật tinh tế của khảm trai làng Chuôn Ngọ (nghề thủ công), phối cùng sơn mài (chất liệu truyền thống), kết hợp sắp đặt đương đại (nghệ thuật thị giác).
Cả ba yếu tố ấy tôn nhau lên để người xem thấy giá trị nghề truyền thống không dừng lại ở thủ công mỹ nghệ, mà được nâng tầm thành tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm “Góc thưởng trà” của Nguyễn Xuân Lục được chọn làm đại diện tham gia sân chơi của giải thưởng thiết kế quốc tế EDIDA 2022 (Elle Decor International Design Award) là một dẫn chứng cụ thể.
Ở lĩnh vực thời trang, cũng dễ nhận ra những bước chuyển mình khi giá trị bền vững được đề cao trong sáng tạo. Nhà thiết kế Vũ Tá Linh – Hà Nội, tâm sự về giai đoạn phải quanh quẩn với bốn bức tường khi giãn cách xã hội, cảm xúc sáng tạo gần như cạn kiệt. Trong sự bế tắc ấy, khi lục lọi tủ quần áo của chính mình, với nhiều trang phục chưa từng được dùng đến, Linh đã biến những lãng quên ấy thành chất liệu sáng tác.
Bộ sưu tập N.A.M ra đời, là sự kết hợp của quần áo, phụ kiện cũ với kỹ thuật chần bông, rút sợi, đột tay, ghép vải, đan móc… Những ưu khuyết của chất liệu được cân bằng qua nghệ thuật thiết kế, tạo thành tác phẩm mới, phá cách, đậm dấu ấn tái tạo, bền vững, giữ được bản sắc chính nguyên của vật liệu, nhưng cách thể hiện không hề cổ điển, cũ kỹ đến mức lạc điệu với thời đại.
Điểm đáng chú ý trong các sáng tác gần đây là việc các nhà thiết kế trẻ đã sử dụng nền dân gian, không sao chép, rập khuôn, mà chỉ tìm cảm hứng, để tạo nên một ngôn ngữ thiết kế mới, một tác phẩm mới. “Ghế hoàng hậu” – một thiết kế của các bạn trẻ SMA Studio , Hà Nội – là một tác phẩm như vậy. Thiết kế đã vận dụng đường nét, tỉ lệ, chuyện kể, chi tiết trang trí nơi những chiếc ghế vương triều, rồi ứng biến thành tác phẩm “ghế hoàng hậu” đẹp ở tỉ lệ, duyên ở phối kết màu sắc, tinh ở chi tiết thể hiện.
Tư duy thiết kế thể hiện nhiều khác biệt. Trước đây, nhiều bản thiết kế chỉ có thể tồn tại trên giấy, không thể thực hành mẫu do rào cản kỹ thuật. Thế hệ thiết kế hôm nay luôn biết chau chuốt khả năng bản thân, kết hợp nhiều kỹ thuật phức tạp để tạo nên sản phẩm, tác phẩm. Sự sáng tạo, ứng dụng, gần như không giới hạn khi trong một thiết kế, yếu tố tối đa hóa ý tưởng bằng xử lý kỹ thuật hiện đại được chú trọng. Lấy ví dụ tác phẩm “Ngủ Nghê” của tác giả Tom Trandt Minh Đạo, TP.HCM. Độ khó thể hiện ở sự hợp thành từ rập 3D, may, thêu, đính, trang trí… mang lại một sáng tạo về thời trang mà theo giải thích của tác giả là: “Một nhúm lố lăng, một thìa màu mè, một sự sành điệu ngay cả trong giấc ngủ…”
Thách thức về chất liệu, kỹ thuật chế tác cũng là khía cạnh được các nhà thiết kế trẻ quan tâm, nêu đề bài và xử lý hiệu quả. Nhà thiết kế Nguyễn Huỳnh Nam , Đồng Nai, mạo hiểm khi dùng hình ảnh cây tre để chuyển tải nét đẹp văn hóa, truyền thống, tinh thần vì môi trường vào sản phẩm quạt gió, tưởng là điều không thể, nhưng sự chế tác tỉ mỉ của kỹ thuật thủ công đã hóa giải giới hạn, mang lại cho thiết kế vẻ mộc mạc, gần gũi, thân thiện, vừa giới thiệu được kỹ thuật xử lý khéo léo của người thợ nghề thủ công, lại kể được câu chuyện thân quen trong văn hóa Việt qua hình ảnh cây tre, dung dị mà gần gũi.
Nhiều yếu tố thời sự, nhiều vấn đề xã hội cũng là những ý niệm được các nhà thiết kế trẻ gửi gắm vào tác phẩm, tạo mối liên kết liền lạc giữa hiện đại và quá khứ. Tôn trọng quá khứ bằng sự sáng tạo, đó cũng là cách được các nhà thiết kế thế hệ mới ứng dụng, góp phần lưu giữ văn hóa, bảo tồn văn hóa, bảo tồn di sản, để tiếp tục phát triển những giá trị tốt đẹp ấy mãi về sau.
Theo: Nguyễn Đình – Heritage
Nguyen Mai Huong-COMM