Hồ Kẻ Gỗ (Ảnh: Internet).
Từ Thiên Cầm đoàn của Trung tâm Phục vụ Bảo dưỡng Hà Nội (trước đây là Trung tâm Bảo dưỡng Thiết bị Hà Nội, thuộc công ty VAECO) háo hức hướng tới điểm đến đầu tiên của hành trình về nguồn: lăng mộ cụ Võ Nguyên Giáp.
Qua khu công nghiêp Formosa, qua Đèo Ngang “của” Bà Huyện Thanh Quan, xe chúng tôi rẽ vào con đường phẳng lỳ, chạy sát ven biển và dừng ở khu tưởng niệm Đại tướng.
Một góc hồ Kẻ Gỗ (Ảnh: Hoàng Văn Thiện – VAECO).
Lăng mộ đại tướng đơn sơ giữa rừng thông xanh ngát trên Mũi Rồng – Núi Thọ, nhìn xuống phía dưới là biển xanh cát trắng của Vũng Chùa – Đảo Yến. Đoàn nối đoàn, hàng người lên thắp hương viếng cụ trong nghiêm trang mà thân thiết.
Đảo Cụ Duẩn (Ảnh: Hoàng Văn Thiện – VAECO).
Cầu ra đảo (Ảnh: Hoàng Văn Thiện – VAECO).
Viếng Đại tướng xong, chúng tôi lên xe quay về Hà Tĩnh. Tới thị xã Cẩm Xuyên, chiếc xe 45 chỗ chở rời quốc lộ 1A và rẽ trái. Tấm biển bên đường ghi đích đến tiếp theo của đoàn: “Hồ Kẻ Gỗ 12 Km”.
Tượng cố Tổng bí thư Lê Duẩn (Ảnh: Hoàng Văn Thiện – VAECO).
Sau đoạn đầu thuận lợi, đoạn đường tiếp theo khá nhỏ. Khi xe sắp qua cầu Lê Duẩn anh chàng phụ trách “google” hô to: “Rẽ trái!” Chiếc xe dừng lại, chúng tôi nhìn sang bên trái đầy băn khoăn. Con đường nhỏ chạy xa tít giữa cánh đồng, nếu gặp xe ngược chiều sẽ không có chỗ tránh. Nhưng anh chàng kia vẫn khẳng định: “Google bảo rẽ trái”. Một anh gốc Hà Tĩnh quyết định xuống xe, chặn một chiếc xe máy hiếm hoi đang đi đến để hỏi đường. Sau thoáng bối rối, cô gái trên xe bắt đầu “líu lô” rất nhiệt tình. “Bắt đúng sóng có khác”, một người trên xe dí dỏm khiến cả xe cười nghiêng ngả.
Anh chàng thổ dân quay lại xe hô to: “Rẽ trái”. Chiếc xe cẩn trọng rẽ vào con đường là bờ của con kênh khá lớn. “Đây là kênh dẫn nước từ hồ Kẻ Gỗ”, anh chàng thổ dân nói, “Nhờ có hồ vùng này mới trồng được hai vụ lúa một năm”. Vậy là dù chưa thấy hồ đâu chúng tôi đã thấy một số đối tượng quan trọng trong bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”. “Bao nhiêu mảnh đất cằn” trong bài hát nay đã biến thành cánh đồng lúa xanh mượt mà trải rộng.
Hồ rộng khoảng 1,6 km (Ảnh: Phạm Anh Tuấn – VAECO).
Đường tuy hẹp nhưng rất tốt. Rất may là cả quãng đường 6 km dọc kênh không có xe nào đi ngược chiểu. “Đập kia kìa”, một người hô to chỉ về phía một chiếc xe đang chậm chạp bò trên một con đường cao chất ngất ở phía trước. Xe chúng tôi đi qua chiếc cầu bắc qua kênh. Hai chiếc xe ba nhăm chỗ đi ngược chiều nhưng rất may đường chỗ đó có vệ đất hai bên nên các xe có thể tránh nhau an toàn. “Đây là đoàn ở Thiên Cầm tối qua”, một người cho biết, “Họ nói là đi hồ Kẻ Gỗ sau khi viếng mộ cụ Giáp”. Vậy là tư tưởng lớn gặp nhau, lộ trình của họ rất giống lộ trình của chúng tôi.
Đúng là đập thật rồi. Chiếc xe chập chạm bò lên. Mọi người háo hức nghển cổ chờ đợi.
Hồ cạn lộ nhiều dải cát ven bờ (Ảnh: Phạm Anh Tuấn – VAECO).
“A”, “Đẹp quá!” Những tiếng kêu trầm trồ bật lên, lan từ đầu xe đến cuối xe. Trước mắt chúng tôi hồ Kẻ Gỗ trải dài giữa hai bên núi rừng xanh mát, sóng nước lăn tăn lấp loáng dưới ánh mặt trời. Doi cát trắng giữa hồ tạo nét chấm phá hữu tình, đẹp đến hoàn hảo.
Đập cao tới gần 40 mét. Trên khoảng đất rộng, bằng phẳng cao ngang đập nước có vài chiếc xe 16 chỗ đang đỗ. Chỉ có một quán ăn mái lợp tôn với ba mặt thoáng, khá đông người vì lúc đó đang tầm ăn trưa. Chúng tôi hỏi đường đến nhà tưởng niệm cố Tổng bí thư Lê Duẩn, đặt cơm ở quán rồi lên xe đi tiếp. Cách 600 mét ở phía trong có một vùng đất bằng phẳng khác với một số hàng quán và một số xe đang dừng nghỉ cạnh đó.
Chúng tôi đi bộ theo cây cầu sắt uốn hình cánh cung để đi ra đảo thăm nhà tưởng niệm cố Tổng bí thư Lê Duẩn nằm bình yên giữa các tán cây xanh. Tượng cố Tổng bí thư ngồi giữa nhà tưởng niệm nhìn về phía xa của hồ. Đảo này cũng là nơi cụ nghỉ lại khi đi thị sát công trường Kẻ Gỗ. Chúng tôi kính cẩn thắp hương tưởng nhớ cụ. Hồ Kẻ gỗ dài vài chục cây số, rộng cũng gần hai cây, có nhiều điểm để đến nhưng chúng tôi đã chọn điểm đến này để được viếng cụ.
Doi cát nhô lên giữa hồ (Ảnh: Phạm Anh Tuấn – VAECO).
Tất cả các điện thoại, máy tính bảng được huy động để quay phim, chụp ảnh. Những túi cá khô, mít địa phương ở chiếc quán nhỏ nhanh chóng bị vét sạch. Tiếc là không có xuồng cao tốc để làm một tua trên hồ. Dịch vụ du lịch vẫn đang rất sơ khai, có vẻ các xe đến đây đều là các tua tự tổ chức.
Trở lại quán ăn, chúng tôi thưởng thức món gà đồi chính hiệu, đĩa cá nhỏ rán ròn ăn được cả con mà không phải gỡ xương, món tép hồ kho mặn còn nguyên kiếm sắc nhọn trên đầu. Chất quê vẫn còn nguyên vẹn trong các món ăn tại đây.
Sau vài tuần bia, một vài người bắt đầu hát to: “Kẻ Gỗ là đây bao năm đợi tháng chờ, này vùng đá bạc đồi núi lô nhô…”. Giai điệu thiết tha gợi lại những vấn vương tuổi học trò “Nay da em nâu tươi màu suy nghĩ, thấy mùa phượng vĩ ta ngỡ gặp mùa thi, cũng ngày phượng nở hai đứa mình ra đi”. Nhiều người trong đoàn hát theo. Thật xúc động khi được nghe bài ca đi cùng năm tháng tại chính cội nguồn sinh ra nó.
Đã bốn mươi năm bài hát của cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý làm hồ Kẻ Gỗ nổi tiếng nhưng giờ đây, Kẻ Gỗ đang hút khách du lịch đến với mình và khiến bài ca vang mãi.
Muốn nằm mãi trên võng hưởng không khí trong lành bên hồ nước giữa đại ngàn nhưng đã đến giờ xuất phát. Chúng tôi đi ngược lại con đường ven kênh, ngắm lại cánh đồng xanh mát mắt, sôi nổi thảo luận và thán phục tầm nhìn của cố Tổng bí thư Lê Duẩn.
Chuyến đi về nguồn thật vui và ý nghĩa. Đã hơn một năm trôi qua nhưng những kỷ niệm về chuyến đi vẫn còn tươi rói, thôi thúc tôi phải chia sẻ với mọi người.
1 chuyến HAN – VII – HAN
2 chuyến SGN – VII – SGN
VAECO