“Cuộc chiến” loại trừ nhựa dùng một lần
Chuyến bay mang số hiệu QF739, của hãng hàng không của Qantas (Australia) có hành trình từ Sydney đến Adelaide. Điều khiến nó trở nên đặc biệt chính là tất cả đồ dùng phục vụ hành khách trên chuyến bay, từ đồ đựng thực phẩm đến thìa dĩa đều được làm từ vật liệu tái sử dụng, có thể tái chế hoặc tự phân hủy.
Khoảng 1.000 vật dụng bằng nhựa dùng một lần được hãng thay thế bằng vật liệu thân thiện với môi trường như: đồ đựng thực phẩm làm từ mía đường, bộ thìa dĩa được làm từ bột ngô… Thẻ lên máy bay và thẻ đeo hành lý cũng được chuyển thành dữ liệu kỹ thuật số.
Thay đổi này giúp đã giúp Qantas giảm khoảng 34 kg rác thải/chuyến bay từ Sydney đến Adelaide và ước tính khoảng 150 tấn rác thải mỗi năm. Ngoài ra, Qantas cũng đang lên kế hoạch triển khai sáng kiến này trên các chuyến bay khác của hãng với mục tiêu cắt giảm 100 triệu đồ dùng bằng nhựa dùng một lần mỗi năm cho đến cuối năm 2020.
Nối tiếp ngay sau đó, Etihad (hãng hàng không hàng đầu của Liên minh các Tiểu vương quốc Ả Rập) trở thành hãng hàng không thứ hai có chuyến bay không không dùng nhựa sử dụng một lần. Hãng này cũng đặt mục tiêu sẽ giảm 80% lượng nhựa sử dụng vào năm 2020.
Những chiếc cốc đựng trà hay cà phê có thể ăn được, có khả năng trụ vững trong 40 phút trên chuyến bay “không rác thải” của Etihad. (Ảnh: Vnexpress).
Thông tin về những chuyến bay đặc biệt này đã được đăng tải trên nhiều trang báo danh tiếng của hầu hết các quốc gia trên thế giới như một nỗ lực của các hãng hàng không nhằm cắt giảm sản phẩm nhựa dùng một lần. Nhưng thực tế, hành trình giảm thiểu rác thải của các hãng không đã bắt đầu từ trước đó và khá rộng rãi trên nhiều quốc gia.
Trong báo cáo Sustainability, từ 2016, hãng hàng không quốc tế SAS đã tìm kiếm các giải pháp để hạn chế rác thải trên các chuyến bay, trong đó có việc sử dụng đĩa có thể tái sử dụng và bao bì có thể tái chế hoặc phân hủy thay cho nhựa dùng một lần.
Hãng hàng không Emirates tại Dubai cũng áp dụng các giải pháp để tránh sản sinh thêm rác thải và tăng cường sử dụng vật liệu tái chế như chăn làm từ vỏ chai nhựa. Một hãng hàng không tại Tây Ban Nha – Iberia đã giới thiệu bộ đồ dùng bữa ăn có thể tái sử dụng. Những chiếc xe đẩy phục vụ cũng sẽ được gắn thùng rác phân loại để dễ dàng cho việc tái chế hơn.
Tái chế – Chìa khóa quan trọng của Zero waste
5,2 triệu tấn là số lượng chất thải mà hãng hàng không đã thải ra trong năm 2016, theo số liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA. Con số này sẽ tăng lên đến trung bình 10 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030. Hầu hết chúng sẽ bị chôn lấp hoặc thiêu đốt, gây lãng phí khoảng 524 triệu USD.
Trước thực tế này, nhiều hãng hàng không đã tiến hành phân loại rác ngay trên cabin máy bay để thuận tiện cho việc tái chế.
Hãng hàng không Iberia Airlines (Tây Ban Nha) đã cho ra mắt các loại dụng cụ có thể tái sử dụng, đồng thời gắn các thùng đừng rác tái chế vào xe đẩy dịch vụ trên máy bay để dễ dàng phân loại rác trong chuyến bay. Tất cả các chai và thùng đồ uống chưa mở từ các chuyến bay phải được đặt sang một bên để chúng có thể được tái sử dụng. Các thùng và chai rỗng phải được úp ngược để dễ nhận biết hơn trong quá trình phân loại tái chế.
Còn hãng hàng không quốc gia Hà Lan KLM Royal Dutch Airlines đã cho ra mắt một loạt các robot phân tách và máy nén rác tái chế để giảm ô nhiễm hàng không. KLM đã giảm được 17% lượng rác hàng không bị đốt bỏ trong vòng 3 năm qua. Họ đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm được 50% loại chất thải này.
Một bữa ăn được phục vụ trong dụng cụ có thể phân hủy và tái chế mới của Qantas trên chuyến bay Qant7 QF739 từ Sydney đến Adelaide, Úc, ngày 8/5/2019. (Ảnh: abcnews).
Biến rác thải thành nhiên liệu máy bay
Xu hướng sử dụng các nguyên liệu thay thế nhằm giảm bớt hiệu ứng khí thải nhà kính trong lĩnh vực hàng không đang diễn ra khá mạnh mẽ. Một số hãng hàng không đã bắt tay vào xây dựng các nhà máy xử lý rác thải để sản xuất nhiên liệu máy bay.
Đơn cử như hãng hàng không Nhật Bản, tháng 1/2016, họ đã tiến hành xây dựng một cơ sở có công năng xử lý rác thải đô thị, giấy, rác thải tươi thành nhiên liệu sử dụng cho máy bay từ năm 2020. Theo đó, khí CO và Hydro được chiết xuất từ các lò tinh chế sẽ được sử dụng để sản xuất nhiên liệu máy bay.
Theo tính toán của hãng này, việc xử lý, sản xuất nhiên liệu từ nguồn nguyên liệu giá rẻ là rác thải đô thị sẽ giúp giá thành nhiên liệu sản xuất ra chỉ tương đương với giá thành xăng hiện nay.
Hãng hàng không British Airways cũng bắt đầu xây dựng chuỗi nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành nhiên liệu vận hành các máy bay được hãng hàng không British Airways từ 2017. Hãng dự kiến nhà máy trên sẽ sản xuất ra đủ lượng nhiên liệu để vận hành toàn bộ các máy bay Dreamliner 787 của hãng trên các tuyến bay từ London (Anh) đến các thành phố San Jose và New Orleans của Mỹ trong 1 năm. Bên cạnh việc giảm thiểu rác thải, nhiên liệu được sản xuất tại nhà máy sẽ góp phần giảm 60% khí gây hiệu ứng nhà kính so với nhiên liệu hóa thạch thông thường.
Những chuyến bay không rác thải, những nhà máy tái chế, cuộc chiến giảm thiểu vật liệu nhựa… là những bước đi quan trọng trong hành trình “zero waste” của các hãng hàng không. Không nằm ngoài xu hướng đó, VNA cũng đang nỗ lực hết mình để trở thành một phần quan trọng trong cuộc chiến giảm thiểu rác thải.
Xin mời các bạn tiếp tục đón đọc những bài viết tiếp theo trong chuỗi bài viết về Zero Waste để hiểu rõ hơn về những hành động cụ thể của VNA trong hành trình đặc biệt này.