Trước nguy cơ leo thang căng thẳng sau lần phóng tên lửa của Iran và vụ rơi máy bay Ukraine khiến 176 người thiệt mạng, nhiều hãng hàng không quốc gia các nước châu Á đồng loạt định tuyến lại các chuyến bay trên khắp Trung Đông.
Sáng 8/1, Vietnam Airlines thông báo thay đổi đường bay châu Âu thường lệ, gồm chặng Hà Nội, TP HCM – Paris, Frankfurt, London. Các chặng này không trực tiếp qua không phận Iran và Iraq, nhưng hãng vẫn thay đổi để tránh xa các khu vực có thể bị ảnh hưởng và duy trì đường bay điều chỉnh đến khi tình hình căng thẳng ở Trung Đông kết thúc.
Hành trình bay trước đây qua các quốc gia giáp Iran như Pakistan, Afghanistan và Turkmenistan, nay được thay đổi. Cụ thể, đường bay khởi hành từ Việt Nam đi châu Âu hiện tại qua Trung Quốc, Mông Cổ và Nga. Các đường bay từ châu Âu về Việt Nam qua không phận Uzbekistan và Kazakhstan. Máy bay trên các đường bay này luôn cách xa khu vực căng thẳng ít nhất 450 km.
Đường bay châu Âu – Việt Nam (trước) và đường bay Việt Nam – châu Âu (sau). Đường xanh: đường bay thường lệ; Đường đỏ: đường bay được điều chỉnh. (Ảnh: VNA).
Ông Dhananjay Kumar, phát ngôn viên của hãng hàng không quốc gia Ấn Độ, cho biết các chuyến bay đến châu Âu và Mỹ đã được định tuyến lại sau những vụ tấn công. Các chuyến bay của Air India và Air India Express khởi hành từ Delhi và Mumbai sẽ kéo dài hơn trước đây khoảng 20 – 40 phút.
Hôm 9/1, Giám đốc hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia, ông Tumpal Manumpak Hutapea trực tiếp thông báo chuyển đường bay sang không phận Ai Cập và Hy Lạp cho các hành trình kết nối châu Âu. Các hãng hàng không quốc gia của Thái Lan, Singapore, Malaysia, Trung Quốc… cũng có các động thái tương tự để tránh khu vực xung đột. Các nước này cũng cho biết sẽ theo dõi sát tình hình để thay đổi lộ trình liên tục, đảm bảo an toàn cho hành khách.
Mật độ các chuyến bay hoạt động trong không phận Iran và Iraq sáng 8/1. (Ảnh: Flightradar24).
Các nhà phân tích cho biết lịch trình thay đổi có thể tác động đến 15.000 hành khách mỗi ngày, kéo dài thời gian bay trung bình từ 30 đến 90 phút, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các hãng hàng không. Có ít nhất 500 chuyến bay thương mại đi qua không phận Iran và Iraq hàng ngày.
“Trường hợp chiến tranh nổ ra, nạn nhân đầu tiên luôn là ngành vận tải hàng không”, Mark Martin, chuyên gia tư vấn hàng không tại Dubai, nói. Ông Martin dẫn ra một loạt vụ phá sản hàng không từng xảy ra trong Chiến tranh Vùng Vịnh và Chiến tranh Nam Tư.
Nguồn: Vnexpress