Sụt giảm mạnh do Covid-19
Hiện tại, Trung Quốc đang thực hiện chính sách Zero Covid và các hạn chế đi lại với quốc tế vẫn chưa được nới lỏng. Trong ngắn hạn, Trung Quốc – nơi từng là thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất của châu Á và thế giới, chưa có dấu hiệu nới lỏng biện pháp hạn chế biên giới.
Theo Global Data, lượng chuyến khởi hành từ Trung Quốc đi quốc tế vào năm 2021 chỉ bằng 2% so với mức của năm 2019.
Du lịch nội địa phần nào phục hồi nên đang là trợ lực cho ngành hàng không nước này. Theo Global Data, các chuyến bay nội địa Trung Quốc năm 2021 đã đạt 59% mức của năm 2019, tương đương 1,8 tỷ chuyến đi.
Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để ngăn chặn tình trạng thua lỗ của các hãng bay, khi một số nơi như Thượng Hải và Thâm Quyến liên tiếp phải phong tỏa cục bộ.
Theo hãng tin CNN, đồng nhân dân tệ đang suy yếu cũng có thể làm tổn hại đến ngành hàng không Trung Quốc vì nước này phải trả tiền cho máy bay, phụ tùng và nhiên liệu nhập khẩu bằng USD. Khi đồng nhân dân tệ yếu hơn và đồng USD mạnh lên, chi phí trả bằng tiền USD cũng tăng lên.
Tính đến hết tháng 8/2022, đồng nhân dân tệ hạ giá đến tháng thứ 6 liên tiếp và được dự báo sẽ giảm giá trị nhiều hơn nữa, thậm chí xuống dưới mốc 7 nhân dân tệ/USD trong năm nay.
Ông Lin Zhijie, một nhà phân tích và là một cây viết bình luận của trang web hàng không dân dụng Trung Quốc – Carnoc cho biết, ngành hàng không đã lỗ gần 30 tỷ nhân dân tệ trong tháng 4, mức lỗ hàng tháng lớn nhất trong lịch sử.
Theo một thông báo do Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) công bố hồi cuối tháng 5, kể từ đầu năm nay, do các đợt bùng phát trở lại liên tục của dịch Covid-19, đặc biệt là từ tháng 3… hoạt động của ngành hàng không dân dụng đã chậm lại đáng kể. Cũng theo CAAC, ngành hàng không hiện “không thể đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội quốc gia”.
Bắc Kinh tung chính sách hỗ trợ
Để cứu vãn ngành hàng không trước nguy cơ tiếp tục sụt giảm mạnh về doanh thu, chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực hỗ trợ. Theo đó, gói kích thích với 33 nội dung được công bố vào cuối tháng 5. Các hãng hàng không nước này sẽ nhận được viện trợ đáng kể từ chính phủ Trung ương, bao gồm một khoản vay khẩn cấp 150 tỷ nhân dân tệ (22,4 tỷ USD) và hạn ngạch phát hành trái phiếu 200 tỷ nhân dân tệ.
Bộ Tài chính Trung Quốc hồi tháng 5 cũng thông báo cung cấp hai tháng trợ cấp cho các hãng hàng không Trung Quốc.
Gói trợ cấp này được triển khai từ ngày 21/5 để giúp các hãng hàng không vượt qua suy thoái do dịch bệnh và giá dầu tăng cao. Chính phủ Trung ương sẽ hỗ trợ 70% trợ cấp, trong khi chính quyền địa phương sẽ chi 30% còn lại.
Tuy nhiên, gói hỗ trợ này sẽ chỉ được cung cấp cho các hãng hàng không khi số lượng chuyến bay nội địa trung bình hàng ngày của họ giảm xuống dưới hoặc bằng 4.500 mỗi tuần.
Mặc dù vậy, thời báo Caixin đã trích dẫn các nguồn tin đầu tháng 6 rằng các khoản trợ cấp đã bị CAAC đình chỉ, do lo ngại các hãng hàng không có thể cố tình giảm cung cấp dịch vụ.
Chưa đủ bù đắp thua lỗ
Theo ông Lin Zhijie, mặc dù các khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc và các biện pháp hỗ trợ khác sẽ phần nào giảm bớt các thiệt hại kinh tế, nhưng có thể không đủ để bù đắp hoàn toàn thiệt hại cho các hãng hàng không khi con số này hiện đang ở mức rất lớn.
Theo số liệu của CAAC, năm 2021, ngành hàng không dân dụng Trung Quốc lỗ ròng 84,25 tỷ nhân dân tệ. Còn con số này của năm 2020 là 102,96 tỷ nhân dân tệ.
“Các khoản vay và trái phiếu trên thực tế vẫn là những khoản nợ và vẫn cần phải hoàn trả. Trong khi đó, chưa rõ thời điểm nào ngành công nghiệp này sẽ phục hồi hoàn toàn và thoát khỏi hệ lụy từ đại dịch.
Vì vậy, lỗ đen thất thoát của toàn ngành hàng không dân dụng Trung Quốc còn lâu mới được lấp kín. Đây sẽ tiếp tục là gánh nặng lớn cho các hãng vận tải. Ngay cả khi họ vẫn muốn duy trì hoạt động, có thể sẽ mất một thời gian dài để bù đắp những tổn thất hiện tại”, ông Lin nhận định.
Khoảng cuối tháng 5, phát biểu trước hơn 100.000 quan chức chính phủ trong một cuộc họp trực tuyến, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu gia tăng các chuyến bay nội địa và quốc tế một cách “có trật tự”.
Tuy nhiên, chính sách Zero Covid của Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục kìm hãm nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của nước này và trên quy mô lớn cũng có thể có tác động đến sự phục hồi của ngàng hàng không khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Bà Joanna Lu, Trưởng bộ phận tư vấn khu vực châu Á của Tổ chức tham vấn Ascend by Cirium cho biết, hành khách có thể chưa sẵn sàng đi du lịch do dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn. Do ảnh hưởng của các hạn chế về đi lại, các hãng hàng không nước này khó có thể tận dụng cơ hội phục hồi của nhu cầu quốc tế.
Dữ liệu từ Ascend của Cirium cho thấy, các chuyến bay khởi hành từ Trung Quốc đi quốc tế vẫn chưa có sự phục hồi. Số lượng các chuyến bay này hiện vẫn giảm ít nhất 80% so với mức năm 2019.
“Trong khi đó, việc khai thác các đường bay nội địa cũng tốn nhiều công sức do sự khác biệt về quy định tại các địa phương”, bà Lu cho hay. Chưa kể, đại dịch Covid-19 cũng đã làm thay đổi xu hướng du lịch nội địa Trung Quốc. Người tiêu dùng hiện có xu hướng ưa chuộng các chuyến đi gần và ngắn hơn. Do đó, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong nước cũng giảm dần.
Là một thị trường du lịch lớn, sự khó khăn của ngành hàng không Trung Quốc đang có tác động tới khu vực và thậm chí là toàn thế giới.
ÔngRob Morris, trưởng bộ phận tư vấn toàn cầu tại Ascend by Cirium cho hay: “Do gần 85% các chuyến khởi hành từ Trung Quốc đi quốc tế trong năm 2019 là đến các địa điểm ở châu Á – Thái Bình Dương nên khi các hạn chế về đi lại vẫn chưa được dỡ bỏ hoàn toàn thì đà phục hồi về nhu cầu đi lại tại châu Á – Thái Bình Dương vẫn sẽ bị hạn chế đáng kể”.
Ngày 7/9, tại Diễn đàn Đổi mới Hàng không Vũ trụ Quốc tế ở Montreal, Giám đốc điều hành của tổ chức tham vấn AeroDynamic Advisory, ông Kevin Michaels nhận định: “Chúng tôi dự đoán Trung Quốc sẽ chưa thay đổi chính sách Zero Covid ít nhất cho đến giữa năm sau. Quyết định này có thể kìm hãm khả năng phục hồi hoàn toàn của ngành công hàng không. Do đó, du lịch hàng không quốc tế và ở mức thấp hơn là du lịch hàng không trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương phải tới năm 2026 mới quay trở lại được mức năm 2019”.
Theo Báo Giao thông