Theo CNBC, công nghệ sử dụng thiết bị HTC Vive, được thiết kế để cung cấp cho các kỹ sư hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ảo về động cơ lớn nhất của Rolls-Royce là mẫu Trent XWB – được dùng trong đội bay Airbus A350 của Qatar Airways. Vì kích thước động cơ lớn, nó phải được tách thành nhiều bộ phận khác nhau trước khi được tiến hành sửa chữa, bảo trì.
Sử dụng thiết bị thực tế ảo (VR), kỹ sư có thể trải nghiệm thị giác, xúc giác và thính giác. Họ có thể “tách rời” động cơ và thực hiện đào tạo trong môi trường thực tế ảo. Trước khi công nghệ mới được phát triển, động cơ được gửi đến Doha (Qatar) hoặc hãng hàng không cung cấp “động cơ dịch vụ” để đào tạo kỹ sư. Tuy nhiên, Rolls-Royce cho rằng hành động này có nguy cơ làm hỏng thiết bị hoặc giới hạn bớt thời gian bay quý giá.
Kỹ sư học bằng kính VR.
Steve Buckland là giám đốc đào tạo khách hàng và sản phẩm tại Rolls-Royce. Ông là người phát triển chương trình đào tạo VR. “VR có ứng dụng đầy giá trị ở đây. Nó giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc và giải phóng động cơ vốn dĩ có thể được lắp thẳng trên máy bay. Điều này giúp dịch vụ cho hành khách tiếp diễn”, ông Buckland nói.
Chuyên gia Rolls-Royce giải thích rằng doanh nghiệp đang tìm cách tạo hình ba chiều của động cơ để sử dụng trong lớp học. Ngoài ra, họ cũng thử nghiệm công nghệ thực tế tăng cường (AR), đặt nó trên nền động cơ để hiển thị thông tin kỹ thuật. “Không gì có thể đánh bại việc học với một động cơ thật và việc này sẽ không bao giờ bị thay thế. Dù vậy, công nghệ mới cho phép chúng ta đổi mới trong cách đào tạo kỹ sư”, ông Buckland chia sẻ.
Ngoài việc đào tạo kỹ sư duy trì động cơ giúp tàu bay bay được, công nghệ còn thuận lợi hóa hoạt động trên mặt đất tại các sân bay. Đơn cử, mới đây Sân bay Frankfurt của Đức sử dụng đầu robot tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để cung cấp thông tin cho hành khách. Robot này nói được đến 9 thứ tiếng, có tên là FRAnny. Nó có thể cung ứng thông tin về cổng khởi hành, truy cập wifi và vị trí nhà hàng trong sân bay.
Theo báo Thanh niên